Mời bạn xem thêm: Clip hài "Ngọc Hoàng check in ở tầng mây thứ 9"
Theo tín ngưỡng cổ truyền, cứ đến ngày Tết ông Công ông Táo là người Việt lại làm lễ cúng và thả phóng sinh cá chép để đưa ông Táo về trời.
Người Việt tin rằng, hàng năm đến ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo chuyện bếp núc, và mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Đến Giao thừa, Táo quân trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình.
Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời
Ông Táo bẩm báo Thiên đình
Từ ngày xửa ngày xưa, khi con người vẫn còn sống theo lối du mục, rồi định cư trồng lúa, làm nương, tức là lúc con người biết nấu nướng, làm chín thức ăn, con người đã tin rằng luôn có một vị thần bếp canh giữ, và ban may mắn cho gia đình. Vị thần bếp đó chính là Táo Quân.
Vì Táo Quân quanh nằm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện xảy ra, dù chuyện tốt hay chuyện dở. Với mong muốn Thần Bếp sẽ “phù hộ” cho gia đình mình được nhiều may mắn, nên hàng năm Tết đến, người ta thường làm lễ tiễn đưa Táo Quân chầu trời một cách long trọng.
Cá chép là phương tiện duy nhất có thể đưa Táo Quân về trời. Bởi thế, vào ngày này, sau khi làm lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời.
Cá chép được thả ra sông hay ra ao với ngụ ý “cá hóa long” đưa Táo Quân chầu trời
Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.
Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, đồng thời còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Hàng Tết ông Công, ông Táo bán khắp nơi
Thả cá đừng thả túi nilon là chiến dịch của nhóm hoạt động xã hội Thắp lửa trái tim ở Hà Nội. Ý tưởng thực hiện chiến dịch này xuất phát từ những hành động không đẹp của nhiều người dân sống tại thủ đô trong những ngày ông Công, ông Táo.
Sau khi mang cá chép ra sông, hồ thả, nhiều người đã “tiện tay” bỏ luôn cả những túi nilon đựng cá ngay xuống dòng nước, trên bậc thang, thành cầu... Hình ảnh những chiếc túi nilon và rác thải nổi lềnh bềnh dường như đã trở thành nỗi ám ảnh với Hà Nội trong những ngày tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời này.
Năm nào cũng vậy, sau lễ cúng ông Công ông Táo, Hồ Tây, sông Hồng, cầu Long Biên ở Hà Nội ngập trong túi nilon và rác thải ...
Quang cảnh ven Hồ Tây đoạn gần chùa Trấn Quốc
Rác và cá chép chết nổi trên mặt nước
Xả ngay túi nilon trên mép nước Hồ Tây
Qua chiến dịch "Thả cá đừng thả túi nilon", các thành viên của nhóm Thắp lửa trái tim mong muốn cải thiện thay đổi thực trạng đáng buồn đó.
Từ ngày 20.1 - 23.1, gần 120 thành viên của Thắp lửa trái tim sẽ đứng chốt tại các điểm cầu, đường ven sông, hồ trên khắp địa bàn Hà Nội, để cầm poster tuyên truyền và vận động người dân sau khi thả cá chép sẽ mang túi nilon, rác thải bỏ đúng nơi quy định.
Chiến dịch "Thả cá đừng thả túi nilon" rất ý nghĩa này đang nhận được nhiều lời khen ngợi, và hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ Hà Nội.
Đọc thêm: Tại sao Xuân Hinh không bao giờ đóng Táo quân của VTV?
Thu Thủy