Truyền thông

Những kiểu kinh doanh nhạy bén

Bán đồ online

Những cá nhân kinh doanh nhỏ đã chớp thời cơ mở facebook, website để bán quần áo, mỹ phẩm, đặc sản, đồ tự làm… Khách hàng ban đầu thường là đồng nghiệp, bạn bè và dần dần có thể lan ra tới các tỉnh, thành khác.

Cách làm này cũng mở lối cho thương mại điện tử xâm nhập vào Việt Nam, vốn đánh vào tâm lý được hưởng một dịch vụ rẻ mà không cần phải đến tận nơi. Thậm chí, nhiều công ty hiện nay cũng phải mở riêng một mục bán hàng qua mạng khi dân văn phòng ngày càng bận rộn mà các tiện ích thanh toán online ngày càng phát triển.

Nga, một nhân viên ngân hàng bán quần áo online cho biết công việc này phù hợp với những người có đam mê kinh doanh song vẫn muốn một công việc ổn định. Chi phí cho lần thử sức này cũng không quá lớn khi Nga chỉ cần 15 triệu đồng để nhập hàng từ mối quen biết, không mất tiền thuê cửa hàng cũng như thuê nhân viên do bạn và người thân tự phân chia nhau giao hàng.

Cà phê take away

Những kiểu kinh doanh nhạy bén-image-1390293646981

Nhiều dân công sở bắt đầu buổi sáng bằng cốc cà phê, nhưng việc nhâm nhi thư giãn ở một quán ven đường trở nên xa xỉ khi thời gian làm việc ngày càng gấp gáp, tại nhiều văn phòng cũng chưa trang bị máy pha cà phê.

Nắm bắt nhu cầu này, nhiều quán cà phê take away đã ra đời. Chỉ mất khoảng 3 phút, khách hàng sẽ có một cốc cà phê gọn nhẹ mang đi, giá thành 12.000-20.000 đồng. Thậm chí, nhiều cửa hàng để cạnh tranh còn đưa ra thời gian khá sốc, chỉ một phút và có thể giao hàng đến bất kỳ đâu.

Trung - sinh viên một trường đại học đã góp 5 triệu đồng cùng bạn mở quán cà phê take away trên đường Nguyễn Trãi (TP.HCM) nhằm thỏa mãn đam mê được làm ông chủ. Trung chia sẻ, nếu mở một quán cà phê tử tế, chi phí ít nhất cũng phải 10 lần số trên, trong khi xu hướng hiện nay là cần phải nhanh và tận nơi, điều mà nhiều quán cà phê kiểu cũ không làm được.

Lẩu tại nhà

Ngoài giờ làm việc hay trong các dịp đặc biệt, dân văn phòng rất thích tụ tập liên hoan, song, do ngại đi xa, quán ăn chật chội, khách đến phải chờ hay mùi thức ăn nồng nặc khiến nhiều người e ngại. Từ đây, dịch vụ lẩu tại nhà ra đời.

Những kiểu kinh doanh nhạy bén-image-1390293684144

Chia sẻ trên diễn đàn, chủ một nhà hàng hàng lẩu tại nhà trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho biết, khách hàng chỉ cần lên website của quán chọn món và gọi đồ trước 2-3 tiếng, nhà hàng sẽ giao đồ đến tận nơi, kèm theo cho mượn bát đũa, bếp từ, nồi… Sau khi dùng xong, nhà hàng đến và thu dọn lại các dụng cụ này. Phản hồi cho thấy hình thức kinh doanh này đang được nhân viên công sở ủng hộ, giá một nồi lẩu vào khoảng 300.000-500.000 đồng và không mất tiền phí vận chuyển.

Kinh doanh đồ ký gửi

Theo thời gian, một bộ quần áo hay đồ dùng sẽ không được sử dụng nữa, lý do không phải vì đã rách mà đơn giản chỉ là người chủ thấy nó không hợp nữa hoặc quá chật, rộng.

Do vậy, nghề bán quần áo cũ đã phát triển từ nhiều năm nay, thậm chí tại Hà Nội còn có những con phố chuyên bán đồ "hàng thùng". Tuy nhiên, mô hình này cũng đòi hỏi người bán phải có vốn nhất định cũng như nhiều mối quan hệ để nhập hàng.

Do vậy, gần đây đã xuất hiện một mô hình kinh doanh mới là nhà kho ký gửi. Khách hàng có thể mang quần áo, đồ dùng cá nhân đến những thực phẩm sạch, đặc sản quê đến “nhà kho” gửi bán.

Người ký gửi sẽ tự định đoạt giá của sản phẩm, nhà kho có nhiệm vụ đem trưng và rao bán lại để ăn chia lợi nhuận. Món đồ bán được càng sớm, người ký gửi sẽ nhận được nhiều tiền hơn.

Với hình thức này, cả hai bên đều có lợi, thậm chí khi đồ đã hết thời hạn ký gửi mà chưa bán được cũng sẽ được đem làm từ thiện. Người nhận ký gửi ngoài chi phí nhà kho sẽ không mất vốn để nhập hàng, đặc biệt là không lo bị ế. Trong khi đó, người ký gửi lại có thể kinh doanh được những món đồ mình không sử dụng nữa, nhất là lại được tự định giá.

Đi chợ thuê

Dịch vụ này ra đời nhằm thỏa mãn những phụ nữ có công việc bận rộn, ngại thuê người giúp việc nhưng vẫn muốn đảm bảo cho gia đình bữa ăn ngon với các thực phẩm tươi.

Chỉ cần 10-15 phút mỗi ngày để nghĩ xem hôm nay ăn món gì, các bà nội trợ sẽ có những nguyên liệu cho bữa tối qua một cuộc điện thoại hay vài lần click trên mạng. Với thực đơn được khách hàng yêu cầu, người cung cấp dịch vụ sẽ đi chợ, sơ chế các món ăn và giao đồ đến cơ quan hay bất kể địa chỉ nào tiện lợi nhất.

Chị Mai (Hà Nội) tranh thủ thời gian chưa tìm được việc mới đã mở dịch vụ đi cợ thuê. Trao đổi trên diễn đàn, chị cho biết nếu khách yêu cầu mua đồ trong siêu thị, số tiền thanh toán sẽ được ghi rõ ràng trên hóa đơn cộng với phí dịch vụ 30.000 đồng một lần, công vận chuyển khoảng 10.000 -30.000 đồng tùy vào quãng đường.

Trong khi đó, chủ một trung tâm cung cấp dịch vụ đi chợ thuê online cho biết giá mỗi loại thực phẩm sẽ được niêm yết trên website (đã bao gồm phí dịch vụ) và khách hàng chỉ việc vào đây chọn món, hệ thống sẽ tính toán luôn giá một lần đi chợ cộng với phí giao hàng tính trên giá trị hóa đơn (từ 5.000-15.000 đồng).

Dịch vụ drive-thru

Nhanh chóng hơn dịch vụ take away, drive-thru (mua hàng không cần đỗ xe) đang manh nha xuất hiện tại Việt Nam, trong hoàn cảnh tìm một chỗ để xe hợp lý trên những con phố chật chội là điều khó khăn và lắm lúc đem lại sự bực mình.

Trong kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào đầu năm 2014, McDonald’s được coi là đơn vị tiên phong áp dụng hình thức này tại Việt Nam khi khách hàng có thể mua hàng ngay trên xe và không cần bước vào nhà hàng.

Theo ông Nguyễn Huy Thịnh - Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam, drive-thru sẽ giúp khách hàng bận rộn có thêm thời gian thưởng thức bữa ăn và trải nghiệm cung cách phục vụ khác biệt so với những nhà hàng khác.

Mặt khác, hãng cũng có thể khai thác được lợi thế lưu lượng xe lớn trên vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, cửa ngõ phía Đông TP HCM, nơi đặt cửa hàng đầu tiên. Trên thế giới, loại hình dịch vụ này áp dụng phổ biến tại các trạm nghỉ, nơi đổ xăng.

Nguồn Vnexpress