Khoa học & Đời sống

Đêm nay sẽ có siêu trăng lớn nhất thế kỷ tại Việt Nam

Đây là lúc mà mặt trăng có khoảng cách gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948. Với việc ở gần Trái Đất hơn, hình dạng Mặt Trăng khi được quan sát từ Trái Đất sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với thông thường.

Sở dĩ có hiện tượng này bởi Mặt Trăng vốn quay quanh Trái Đất theo một quỹ đạo hình Elip. Tại thời điểm đó, Mặt Trăng đang ở vị trí cận điểm so với Trái Đất nên sẽ có kích thước lớn hơn bình thường. Vị trí này cách viễn điểm (điểm xa nhất) của Mặt Trăng và Trái Đất đến 48.280 km.

Có một điều đặc biệt là khi Mặt Trăng ở vị trí cận điểm cũng là lúc Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất thẳng hàng (ngày sóc vọng). Do đó, mặt trăng lại càng trở nên lớn hơn và sáng hơn. Người ta gọi sự kết hợp này là siêu trăng hay trăng tròn cận điểm.

Sự kiện siêu trăng diễn ra gần nhất vào ngày 16/10 và hiện tượng này sẽ còn lặp lại vào ngày 14/12 tới đây. Tuy nhiên, Mặt Trăng hôm 14/11 sẽ tròn đầy trong khoảng hai tiếng ở điểm gần Trái Đất nhất, và có kích cỡ lớn nhất trong gần 7 thập kỷ qua.

Theo NASA: "Trăng tròn ngày 14/11 không chỉ là ngày trăng tròn ở gần Trái Đất nhất trong năm 2016, mà còn trong cả thế kỷ 21. Trăng tròn sẽ không xuất hiện ở khoảng cách gần như vậy cho đến ngày 25/11/2034".

Siêu trăng sẽ tròn nhất và sáng nhất vào lúc 13h52 ngày 14/11 theo giờ GMT, tức là khoảng 20h52 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Tại Việt Nam, thời điểm cận địa của Mặt trăng là 18h30, còn điểm Trăng tròn là 20h52 ngày 14/11, người xem có thể quan sát hiện tượng từ 19h đến nửa đêm. 

Ở Hà Nội, Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội tổ chức quan sát bằng kính chuyên dụng tại Cột đồng hồ - Đối diện cổng sân vận động Mỹ Đình. Thời gian từ 19h30 đến 21h30. Còn Câu lạc bộ thiên văn học Đà Nẵng sẽ tập trung từ lúc 19h tại Sân thể chất đại học Đà Nẵng, 62 Ngô Sĩ Liên.