Điện thoại

Cuộc chiến phần cứng giữa các smartphone gần như bão hòa?

Đối với những người dùng phổ thông không am hiểu sâu về lãnh vực công nghệ thường nghĩ rằng, chiếc điện thoại trang bị cấu hình cao với các thông số kỹ thuật “khủng” sẽ cho hiệu năng mạnh mẽ, tích hợp đầy đủ tính năng, chụp ảnh đẹp, thời lượng pin “trâu”. Điều này hoàn toàn không sai, nhưng tỉ lệ phần trăm đúng ở mức tương đối thấp khi áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.

Bão hòa về phần cứng

Ví dụ đầu tiên về camera, không phải cứ thông số megapixel (MP) càng lớn sẽ chụp ảnh đẹp theo. Điều này chỉ đúng một phần nhỏ vì chất lượng ảnh chụp phụ thuộc chủ yếu cảm biến canera, thuật xử lý ảnh riêng của từng hãng sản xuất, cùng một số yếu tố công nghệ khác. Chẳng hạn như, Galaxy S7 trang bị camera 12MP, thấp hơn 16MP trên Redmi Note 3 Pro. Tuy nhiên, Galaxy S7 cho chất lượng ảnh chụp “vượt trội” hơn hẳn Redmi Note 3 Pro khi cho độ chi tiết cao và màu sắc trung thực hơn rất nhiều.

Galaxy S7 trang bị camera 12MP nhưng theo công nghệ Dual Pixel cho chất lượng ảnh chụp rất tốt

Vì mắt con người bình thường chỉ có thể nhận diện tốt độ sắc nét hình ảnh khoảng 400 ppi (mật độ điểm ảnh) trở xuống. Có lẽ vì vậy, nhiều nhà sản xuất chỉ trang bị màn hình cho smartphone với độ phân giải Full HD và 2K, không nhất thiết phải lên 4K như Xperia Z5 Premium đến từ thương hiệu Sony. Trong khi đó, màn hình “điện thoại” có độ phân giải 4K vừa đem lại giá thành cao, vừa tiêu tốn điện năng, đòi hòi cấu hình cao hơn nhưng giá trị manh lại cho người dùng cũng gần như bằng 2K.

Điện thoại trang bị màn hình 4K cho độ sắc nét cũng không vượt trội đáng kể so với 2K/Full HD

Ngay cả đến phần cứng, nhiều mẫu flagship đến từ Samsung, LG, Sony, Huawei chỉ trang bị vi xử lý từ 4 đến 8 nhân. Những mẫu flagship này ra mắt cùng thời điểm sẽ cho hiệu năng khá giống nhau khi thường dùng chung loại chipset Qualcomm.

Đặc biệt về RAM, một số người dùng phổ thông cứ nghĩ rằng dung lượng càng lớn sẽ cho tốc độ sẽ nhanh bấy nhiêu. Thực tế hiện nay, RAM chỉ cần khoảng 4GB là đủ đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng, trừ những game thủ chơi cùng lúc nhiều game “nặng” mới cần đến 6GB.

Nhìn chung, nhiều dòng smartphone cận cao cấp từ Trung Quốc cho đến các mẫu flagship của Samsung, LG, HTC, Sony trong thời gian gần đây đều trang bị cấu hình khá giống nhau, gần như không có điểm khác biệt rõ rệt.

Nghiên cứu, phát triển tính năng

Chính vì nhiều mẫu flagship đều trang bị phần cứng rất giống nhau nên hiệu năng giữa các dòng điện thoại này không quá cách biệt. Do đó, nhiều nhà sản xuất buộc phải chọn lối đi riêng, hướng phát triển khác biệt nhằm đem lại trải nghiệm người dùng tốt hơn so với các đối thủ khác.

Cách đây gần 10 năm, Apple đã sớm nhận ra việc nếu cứ mải mê tập trung vào phần cứng cũng sẽ có lúc bị bão hòa như các dòng điện thoại Android. Điều khiến cho dòng iPhone trở nên thành công, bởi Apple cố gắng tạo ra một hệ sinh thái an toàn, nhiều ứng dụng chất lượng, chú trọng vào trải nghiệm người dùng, tối ưu giữa phần cứng với phần mềm nhằm đem lại hiệu suất tối đa.

Thay cho lời kết

Hiện tại, iPhone 7 Plus đang thành công nhờ camera kép cho khả năng chụp ảnh ấn tượng, bên cạnh những tính năng riêng, chứ không phải vì phần cứng như một số dòng điện thoại Android. Các nhà sản xuất khác vẫn đang tự tìm kiếm hướng đi riêng, nghiên cứu phát triển các tính năng độc quyền nhằm tạo thêm điểm lôi cuốn người dùng mua điện thoại của hãng. Chẳng hạn, điện thoại Samsung có tích hợp Quà tặng Galaxy đem lại nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng.

Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng cần phải chú trọng nhiều vào trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, phần mềm đồng bộ dữ liệu cho tốc độ sao lưu nhanh và bảo mật tuyệt đối. Bên cạnh đó, những nhà sản xuất có những chính sách ưu đãi đem lại quyền lợi cho khách hàng cũng là một lợi thế riêng.