Cân não với hàng xách tay
Với những chiếc điện thoại Trung Quốc, chúng ta có thể chắc chắn một điều là chúng được sản xuất ra ở các nhà máy nằm phía bên kia biên giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tra xét nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm này một cách kỹ càng trước khi sử dụng. Nghe thì có vẻ hơi mâu thuẫn nhưng thực ra lại không phải là như vậy. Cùng là một sản phẩm “Made in China” thế nhưng chúng lại có thể có rất nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau.
Với những mặt hàng được phân phối chính hãng tại thị trường Việt Nam, người dùng có thể yên tâm bởi chúng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được nhập về thông qua các nhà phân phối trong nước và sở hữu nhiều trung tâm bảo hành với địa chỉ cố định. Các sản phẩm này cũng rất dễ được nhận biết thông qua tem ICT được dán trên vỏ hộp. Chính vì thế, nếu gặp phải vấn đề nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể tìm đến các cơ sở này để được giải quyết yêu cầu về việc hỗ trợ khách hàng.
Tuy nhiên với những sản phẩm xách tay, người dùng sẽ phải đối mặt với nhiều bất trắc hơn trong trường hợp xảy ra sự cố. Lưu ý đầu tiên là việc người dùng chỉ có thể đem máy đến bảo hành tại chính nơi mua chúng. Khi đó, hoặc là các đơn vị này sẽ tự hỗ trợ sửa chữa, hoặc là họ sẽ gửi về tận Trung Quốc để các hãng bán ra phải làm điều đó cho khách hàng.
Ở cách làm thứ nhất, tay nghề và sự “trong sáng” của những người thợ sẽ quyết định vận mệnh cho chiếc điện thoại của bạn. Liệu bạn có đảm bảo được việc anh này sẽ không táy máy vào tráo đổi một vài linh kiện nào đó khi không có sự giám sát của mình?
Còn trong trường hợp máy được đưa bảo hành tận các nhà máy bên Trung Quốc, cách này thường ít khi được thực hiện hơn bởi chi phí quá lớn. Bên cạnh đó, sẽ mất một khoảng thời gian không nhỏ trước khi người dùng có thể nhận về chiếc điện thoại của mình.
Chính bởi vậy, việc lựa chọn một sản phẩm chính hãng hay xách tay là điều mà người dùng cần cân nhắc thấu đáo đầu tiên trước khi mua về một sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Cảnh giác với những thương hiệu “dùng một lần”
Bên cạnh nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm cũng là một yếu tố mà người dùng cần phải cân nhắc kỹ trước khi mua về một chiếc điện thoại Trung Quốc. Với các thương hiệu đã có tiếng, chúng ta có thể phần nào yên tâm vì chúng đã khá phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên với những thương hiệu lạ, hãy cảnh giác để tránh cảnh tiền mất tật mang.
Nếu thường xuyên để ý tới thị trường di động, bạn sẽ thấy rằng thỉnh thoảng xuất hiện một thương hiệu lạ. Dòng máy này đi kèm với cấu hình cao và giá bán rất rẻ. Trong thời gian đầu xuất hiện, chúng góp mặt ở hầu hết các kênh truyền thông uy tín. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn hot hàng, dòng sản phẩm này lập tức chìm vào quên lãng.
Đây thực ra là dòng sản phẩm được các thương gia đặt mua tại những nhà máy của Trung Quốc. Chúng được nhập về Việt Nam bởi các đầu nậu trước khi đến tay các cửa hàng. Các cửa hàng sau đó sẽ thực hiện việc chi tiền để quảng bá sản phẩm bằng một loạt bài câu khách trên các phương tiện truyền thông. Kết quả là rất nhiều người đến mua hàng mà không hiểu rằng có rất nhiều nguy cơ đang đợi mình phía trước.
Với nguồn gốc xuất xứ, đây chắc chắn được xếp vào hàng điện thoại xách tay. Về mặt chất lượng, rất khó để có thể đảm bảo được độ bền cũng như khả năng hoạt động ổn định của những mẫu máy dạng này. Tuy nhiên, nguy cơ thực sự lại đến từ một yếu tố khác.
Do là dòng sản phẩm “bán một lần”, có một điều chắc chắn rằng lượng linh kiện thay thế nhập về kèm theo rất hạn chế nếu không muốn nói là hầu như không có. Chính bởi vậy, nếu chẳng may gặp phải một vấn đề rất đơn giản như rơi vỡ màn hình, chiếc điện thoại của bạn khi đó cũng gần như vứt đi vì không có linh kiện nào để thay cả. Điểm yếu chí tử này thường chỉ bị khách hàng phát hiện ra sau khoảng một thời gian máy được mở bán.
Bởi vậy nên chớ ham rẻ, chớ tin tưởng quá nhiều vào các phương tiện truyền thông, hãy thật tỉnh táo nếu không muốn mình trở thành vị khách hàng đen đủi.
Mối nguy chết người của những món đồ “Made in Trung Quốc”
Không phải nguồn gốc xuất xứ, cũng chẳng phải nguy cơ từ những sản phẩm “dùng một lần”, điều đáng ngại nhất của các sản phẩm Trung Quốc chính là những mối hiểm hoạ ngấm ngầm bên trong chúng.
Cũng giống như thuốc lá, những chiếc điện thoại Tàu tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm chết người, thế nhưng chúng thường được người dùng xuề xoà bỏ qua bởi những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
Chỉ cách đây ít ngày, giới truyền thông rộ lên thông tin về việc hơn 100.000 smartphone Android đang bán tại Mỹ bị cài cửa hậu, bí mật gửi thông tin nhạy cảm đến công ty thứ ba có trụ sở tại Trung Quốc. Đến lúc này nhiều người mới ngớ ra rằng những cảnh báo về các sản phẩm trước đây là hoàn toàn có cơ sở.
Đọc đến đây có thể một vài người vẫn cảm thấy… chuyện ở đâu đâu chứ chẳng liên quan đến mình. Thế nhưng hãy tưởng tượng xem nhé, bạn thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng ngay trên chiếc điện thoại. Chiếc smartphone yêu quý của bạn âm thầm lưu lại các dữ liệu đó và gửi về “nhà” của chúng.
Thế rồi vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn thức dậy và thấy khoản tiền dự trữ của bạn trong ngân hàng không cánh mà bay. Đa phần các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng là ví lý do này chứ chẳng phải do lỗi hệ thống của ngân hàng nào cả. Đọc đến đây các bạn đã cảm thấy đó là chuyện của mình rồi chứ.
Không chỉ liên quan đến tiền bạc, các dữ liệu nhạy cảm khác như tài khoản mail chứa các thông tin cơ mật dùng trong công việc, tài khoản Facebook hay thậm chí là các clip ân ái đời tư, tất cả đều có thể nằm trong tay một nhóm người nào đó ở bên kia biên giới mà bạn chẳng mảy may hay biết. Chính vì thế, đừng chủ quan với những thông dữ liệu cá nhân tưởng như rất đỗi bình thường của mình.
Cái gì cũng có giá của nó
Điều cuối cùng cần phải nhắc nhở các bạn chính là lưu ý về độ bền của sản phẩm. Ông bà xưa đã có câu “tiền nào của nấy” và nó gần như đúng với mọi trường hợp. Thế nên, chẳng có cái gì giá rẻ, cấu hình cao, mẫu mã đẹp mà lại đi với chữ… bền.
Mọi thứ đều có giá của nó cả. Thế nên, việc bạn chọn một sản phẩm giá rẻ đến từ các thương hiệu lạ cũng đồng nghĩa với việc bạn đang đánh cược với chiếc điện thoại của mình. Món đồ mà bạn đem ra cá cược có thể là dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của mình hoặc đơn giản hơn là độ bền của một chiếc điện thoại.
Trong xì tố (poker) có một thuật ngữ được gọi là show hand. Bạn đánh cược mọi thứ cũng đồng nghĩa với việc chơi một canh bạc tất tay (show hand). Một khi thua, bạn sẽ mất tất cả. Vậy nếu là người chiến thắng trong ván cược này, bạn sẽ được những gì?
Hãy nghĩ cho kỹ đi, rẻ hơn một vài triệu đồng liệu có đáng?
Mỹ cản bước Trung Quốc thâu tóm làng công nghệ châu Âu
(Techz.vn) Sau khi thôn tính hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ và châu Á, giờ đây các công ty Trung Quốc đang hướng sự chú ý của mình về phía lục địa già châu Âu.