Việt Nam sẽ lên thẳng 4.5G
Trong sự kiện Internet day 2015 vừa mới được tổ chức ngày 19/11 tại Hà Nội, một trong những thông tin được nhiều người quan tâm là việc Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng tiêu chuẩn 4,5G vào năm sau. Thông tin này đã được khẳng định bởi lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, các nhà mạng, cũng như các doanh nghiệp khác có liên quan trong lĩnh vực sản xuất phần cứng.
Việc triển khai 4G tại Việt Nam được đánh giá là chậm hơn so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tuy vậy, chúng ta có được những lợi thế của những người đến sau, đó là có thể bỏ qua công nghệ 4G thế hệ đầu và đưa vào áp dụng thẳng công nghệ 4G thế hệ thứ 2 và thứ 3 (hay còn gọi là 4,5G) với tốc độ gấp đôi công nghệ cũ.
Về bản chất công nghệ 4.5G vẫn là 4G. Ở thế hệ 4G đầu tiên, công nghệ này mới đầu chỉ có một băng tần và một sóng mang (carrier). Sang đến thế hệ 2 và 3, nó có hai hoặc ba sóng mang và được gọi là 4G+ hay 4.5G.
Khi được triển khai tại Việt Nam, công nghệ 4G sẽ được triển khai trên 2 băng tần là 1.800 MHz và 2.600 MHz. Đây là 2 băng tần viễn thông phổ cập nhất trên toàn cầu.
4G có đến được người tiêu dùng với giá rẻ?
Bên cạnh thời gian chính thức triển khai của 4G tại Việt Nam, một trong những thông tin được nhiều người quan tâm là việc liệc 4G có đến được với đại đa số người dùng Việt Nam, những người vốn có thu nhập chỉ ở mức trung bình và thấp?
Trước câu hỏi này, ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương cho biết giá thiết bị 4G sẽ ngày càng rẻ hơn. Điều này là chắc chắn bởi 4G đang ngày càng phổ biến rộng rãi hơn trên toàn cầu. Theo ông Nam, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị viễn thông đang chờ đợi những động thái triển khai 4G từ phía các nhà mạng để tính toán đến việc nhập khẩu nhiều hơn nữa các thiết bị 4G với mức giá hợp lý. Để có thể hỗ trợ tốt nhất cho phía các doanh nghiệp phần cứng, nhà mạng cần phải có thông báo trước về các kế hoạch triển khai sản phẩm sắp tới của mình.
Nếu chỉ xét riêng Qualcomm, doanh nghiệp này đã có những chuẩn bị từ trước cho việc 4G được triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Một trong số đó là việc phát triển và ra mắt thế hệ chip Snapdragon 430 và Snapdragon 617. Đây là 2 chipset tầm trung được phát triển để giúp các thiết bị di động giá rẻ có thể hoạt động tốt trên nền tảng công nghệ 4G.
Việt Nam trước tiềm năng của Internet of Things
Không chỉ có 4G, việc phát triển của Internet dành cho vạn vật hay Internet of Things cũng nhận được sự quan tâm nhất định từ phía công chúng và cộng đồng các doanh nghiệp.
Theo ông Thiều Phương Nam, Internet of Things là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cơ hội này đến với các doanh nghiệp phần cứng và cả các doanh nghiệp phần mềm. Với sự phát triển của Internet of Things, khả năng triển khai về dịch vụ là rất lớn đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp. Chúng ta có lợi thế về trí tuệ, giá thành nhưng lại gặp khó khăn ở việc đưa sản phẩm của mình tiếp cận gần hơn nữa với thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, để có thế phát triển Internet dành cho vạn vật, hạ tầng kỹ thuật trong nước phải đủ điều kiện để giúp các doanh nghiệp nội có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác trên thế giới.