Với những người sử dụng điện thoại tại Việt Nam, việc dán màn hình đã trở nên vô cùng phổ biến. Đây cũng chính là việc đầu tiên mà đa số mọi người thường làm khi sắm sửa cho mình một chiếc smartphone. Với lượng cầu vô cùng lớn như vậy, thật dễ hiểu khi có đủ các thể loại miếng dán màn hình thượng vàng hạ cám đang tràn ngập trên thị trường. Trong số này, được đánh giá cao nhất và đắt đỏ nhất chính là các miếng dán được gắn mác “cường lực”. Vậy điều gì đã làm nên sự đắt đỏ này?
Cần hiểu sao về tấm dán cường lực ?
Không có một định nghĩa cụ thể về tấm dán cường lực và cách thức cường lực của loại tấm dán này. Tuy nhiên ngay từ tên gọi, có thể hình dung ra vai trò của các tấm dán cường lực là giúp tăng cường khả năng chống chịu va đập và độ bền của màn hình.
Thông thường, để có thể đảm bảo về khả năng chống chịu va đập của mình, các tấm dán cường lực thường có cấu tạo từ nhiều lớp. Đây là đặc điểm quan trọng nhất phân biệt tấm dán cường lực với các loại dán bảo vệ màn hình thông thường. Bên cạnh đó, các tấm dán cường lực cũng thường có độ dày lớn hơn (từ 0.2 mm đến 0.4 mm tùy theo từng loại) so với các tấm dán bảo vệ thông thường (chỉ 0.1 mm).
Sự xuất hiện của nhiều lớp vật liệu là đặc điểm cơ bản nhất để phân biệt các tám dán cường lực so với những tấm dán mình thông thường. (Ảnh: Internet)
Lấy ví dụ về loại tấm dán cường lực khá phổ biến hiện nay là GSS, loại tấm dán này được làm bằng kính và có giá thành khoảng từ 500 – 600 nghìn đồng, tính cả công dán. GSS được cấu tạo từ 6 lớp vật liệu khác nhau gồm lớp kính bóng, lớp kính, lớp khung, lớp keo, lớp chống vỡ và cuối cùng là lớp tiếp xúc với màn hình điện thoại.
Bên cạnh các lớp vật liệu thường thấy như ở trên, tùy từng nhà sản xuất và từng loại sản phẩm mà các tấm kính cường lực có thể được lược bớt hoặc bổ sung thêm các lớp vật liệu khác như lớp chống dầu (hạn chế bám vân tay), lớp chống trơn trượt hay lớp vật liệu được xử lý bằng hóa chất giúp hình ảnh được hiển thị tốt hơn…
Tấm dán cường lực có thực sự là tấm bùa hộ mệnh?
Với các tấm dán bảo vệ dạng film, chúng thường được cấu thành từ một đến hai tấm nhựa plastic. Ưu điểm của loại vật liệu này là mỏng và giá thành rẻ, có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản và tối thiểu của người dùng.
Việc dán màn hình bằng các tấm dán loại này sẽ có thể giúp bảo vệ màn hình khỏi xước xát do các va chạm về lực tác động thông thường như sự cọ sát của chìa khóa, tiền xu và các đồ vật lỉnh kỉnh khác trong túi quần. Tuy nhiên, chúng lại không thể chống chọi được với sự ma sát của các hạt cát nhỏ li ti và những va chạm mạnh như các cú rơi từ trên cao xuống. Tấm dán cường lực ra đời để xử lý các rắc rối dạng này.
Do thường được tạo thành từ nhiều lớp vật liệu khác nhau, giúp hỗ trợ lẫn nhau, khả năng bảo vệ của tấm dán cường lực cũng cao hơn hẳn khi so với các tấm dán bảo vệ thông thường.
Việc phân tán lực tác động thay vì tập trung tại chỉ một điểm giúp tấm dán cường lực có thể bảo vệ an toàn cho màn hình của bạn. (Ảnh: Internet)
Giả dụ, các tấm kính cường lực loại tốt thường có một lớp keo ở giữa. Lớp keo này không có tác dụng gắn tấm kính vào màn hình của máy, cũng không có tác dụng kết dính giữa các lớp vật liệu khác nhau của tấm màn này. Nhiệm vụ của lớp keo là để các lớp kính phía trên không bị vỡ vụn ra khi có những va chạm mạnh. Công thức này cũng giống với các loại kính cường lực thường được sử dụng trên kính trước của ô tô, giúp giảm bớt sự nguy hiểm từ những mảnh kính vỡ đối với tài xế.
Bên cạnh đó, việc được chia thành nhiều lớp khác nhau giúp miếng dán màn hình có thể đóng vai trò nhưng những tấm đệm hút lấy lực tác động tại một điểm, sau đó phân bổ chúng ra toàn màn hình. Với việc lực tác động bị phân tán ra thay vì tập trung, việc ảnh hưởng đến màn hình sẽ được giảm đi một cách đáng kể.
Vài tấm dán màn hình đến từ các thương hiệu cao cấp có thể có giá lên tới cả triệu đồng. (Ảnh: Internet)
Chính bởi khả năng chống bền rất cao của mình mà các tấm dán cường lực thường có giá cao hơn hẳn (gấp vài chục lần) so với miếng dán thông thường. Với người dùng phổ thông, các bạn có thể mua tấm dán cường lực từ các thương hiệu như GSS, NilKin với mức giá vài trăm nghìn đồng. Sản phẩm của một vài thương hiệu cao cấp hơn như Armorz Stealth Extreme R hay Zagg InvisibleShield thường được bán trực tuyến trên Amazon, giá của chúng có thể từ 700.000 đồng cho đến cả triệu đồng.