Một con sò biển 507 tuổi đã bị các nhà khoa học vô tình giết chết. Đây được coi là một thiệt hại to lớn cho ngành khoa học thế giới.
“Cụ” sò này được đặt tên theo triều đại vua Trung Quốc với tên tiếng Anh là “Ming the mollusk” (tạm dịch: Vua triều Minh của các loại động vật thân mềm) do các nhà nghiên cứu bắt được từ đáy Bắc Đại Tây Dương gần Iceland vào năm 2006. Tuy nhiên, sau đó, họ lại đặt Ming vào trong tủ lạnh, như là một mẫu thực hành bình thường mà không hề biết tuổi của nó.
Cho đến khi các nhà khoa học đưa Ming đến một phòng thí nghiệm thì các chuyên gia của Đại học Bangor mới nghiên cứu và đưa ra kết luận: chú sò đã được 400 tuổi. Đáng tiếc, lúc này đã quá muộn để có thể phục hồi lại sự sống cho chú sò. Phát hiện này đã giúp Ming lập kỷ lục Guinness, trở thành sinh vật sống lâu nhất thế giới.
Tuy nhiên, mới đây, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng bằng nhiều phương pháp hiện đại hơn, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tuổi thực tế của chú sò kể trên phải trên 500 tuổi.
Tiến sĩ Paul Butler thuộc Trường đại học Đại Dương cho biết: “Trong lần kiểm tra trước, chúng tôi đã hơi vội vàng và đưa ra những kết luận sai lầm. Nhưng lần này chúng tôi hoàn toàn chắc chắn về tuổi của Ming”.
Trên hai vỏ sò và khớp nối, người ta có thể nhìn thấy rõ các vòng tăng trưởng; trong đó khớp nối được cho là “địa điểm” tốt nhất để đếm vòng tăng trường do nó được bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài. Trước đây, các nhà khoa học cũng sử dụng phương pháp này, nhưng do con sò đã quá già nên nhiều vòng tăng trưởng bị xô khít lại với nhau.
Jan Heinemeier, phó giáo sư Đại học Đan Mạch, người đã tính tuổi cho Ming cho biết: “Có trong tay một sinh vật 507 tuổi là một điều vô cùng tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời hơn là những bí mật mà chúng tôi có thể khám phá trong việc nghiên cứu các động vật thân mềm”.
Mời bạn xem thêm: Chọi chó - thú chơi thời thượng hay sự man rợ?
Hồng Long (KT)