Báo Mới

Siêu bão 'Rắn hổ mang': Nỗi ám ảnh của Hải quân Mỹ

Siêu bão 'Rắn hổ mang': Nỗi ám ảnh của Hải quân Mỹ

Cách đây 69 năm, cũng tại vùng biển Philippines, một hạm đội của Hải quân Mỹ đã phải vật lộn với một cơn bão khủng khiếp không kém gì siêu bão Hải Yến.

Tàu sân bay Langley đang chống chọi với cơn bão
Tàu sân bay Langley đang chống chọi với cơn bão

Sự kiện trên diễn ra trong Thế chiến thứ 2, vào tháng 12/1944, khi lực lượng Mỹ đang thực hiện chiến dịch giải phóng Philippines khỏi phát xít Nhật. Hạm đội 3 hải quân Mỹ khi đó đang ở biển Philippines, cách đảo Luzon khoảng 500km, với nhiệm vụ tiến hành các cuộc oanh tạc vào lực lượng Nhật đóng tại Philippines. Ngày 17/12/1994, do thông tin dự báo thời tiết sai lệch, hạm đội này đã di chuyển thẳng vào tâm cơn bão nhiệt đới mang tên "Rắn hổ mang". Với sức gió 160km/h, giật trên 220km/h, "Rắn hổ mang" gây thiệt hại hơn 10 tàu chiến, 100 máy bay, và gần 800 thuỷ thủ bỏ mạng.

Hình ảnh mắt bão ‘Rắn hổ mang’ trên màn hình radar

Hình ảnh mắt bão "Rắn hổ mang" trên màn hình radar

Cơn bão này còn được biết đến với cái tên "cơn bão của Halsey", do hạm đội Mỹ khi đó được chỉ huy bởi Đô đốc William Halsey, một trong những danh tướng xuất sắc nhất của Mỹ trong Thế chiến. Halsey là một trong số 9 sĩ quan Mỹ được phong hàm tướng 5 sao, tương đương với nguyên soái hay thống chế. "Rắn hổ mang" là một vết đen lớn trong sự nghiệp của vị tướng này.

Một chiếc F6F Hellcat vỡ tan trên boong tàu sân bay Anzio
Một chiếc F6F Hellcat vỡ tan trên boong tàu sân bay Anzio

"Rắn hổ mang"

Bão nhiệt đới "Rắn hổ mang" được hình thành rất nhanh và bất ngờ vào ngày 17/12/1944 tại tây Thái Bình Dương, với gió giật có thời điểm lên đến 220km/h. Việc cung cấp thông tin dự báo thời tiết khi đó do Trung tâm thời tiết đặt tại Trân Châu Cảng phụ trách. Ngoài ra, Halsey cũng có đội ngũ nhà khí tượng học riêng đi theo hạm đội.

Tuy nhiên, cả 2 nguồn thông tin này không trùng khớp và đều có sai lệnh lớn, lên đến hàng trăm kilomet. Lí do là vì việc dự báo thời tiết khi đó chủ yếu dựa vào các máy bay quan trắc. Do phải hạn chế sử dụng điện đàm, thông tin chỉ được cập nhật khi máy bay hạ cánh nên có độ trễ khá lớn.

Sự sai lệch về thông tin dự báo và đường đi thực tế của cơn bão
Sự sai lệch về thông tin dự báo và đường đi thực tế của cơn bão

Sự sai lệch của thông tin dự báo có thể được thấy rõ ở hình trên. Các chấm xanh lục là vị trí do Trung tâm thời tiết ở Trân Châu Cảng cung cấp, các chấm màu tím là vị trí do các nhà khí tượng của hạm đội 3 cung cấp, còn các chấm đỏ là vị trí thực tế của cơn bão. Chấm màu đen là vị trí hạm đội ngay trước khi nó đi thẳng vào cơn bão.

Không có được thông tin dự báo chính xác, đô đốc Halsey vô tình chuyển hướng hạm đội cắt ngang đường đi của cơn bão. Đến 4 giờ sáng ngày 18/12/1944, thời tiết xấu đi rất nhanh và Halsey lần đầu tiên nhận ra rằng hạm đội của mình sắp phải đối phó với 1 cơn bão hung tợn. Các sĩ quan và nhà khí tượng học của Halsey cố gắng tìm hiểu xem tâm bão đang ở đâu, nhưng một lần nữa kết quả lại không chính xác. Đến 12 giờ trưa, Halsey ra lệnh cho các thuyền trưởng tự di chuyển tàu theo cách tốt nhất để chống chọi với cơn bão. Và đến 13g45, ông chính thức phát báo động bão nhiệt đới. Lúc này đã có 3 tàu bị chìm. Toàn bộ hạm đội 3 bị phân tán trên một khu vực rộng gần 8.000 km2.

Tàu sân bay Cowpens trong cơn bão
Tàu sân bay Cowpens trong cơn bão

Thiệt hại

Hạm đội 3 khi đó bao gồm 7 tàu sân bay hạng nặng, 6 tàu sân bay hạng nhẹ, 8 thiết giáp hạm, 15 tuần dương hạm, và khoảng 50 khu trục hạm. Hạm đội di chuyển ngay vào tâm bão khi nó đang mạnh nhất. 3 khu trục hạm bị chìm do bị sóng đánh lật úp hoặc do nước tràn vào quá nhiều. 9 tàu khác, trong đó có 3 tàu sân bay hạng nhẹ, bị hư hỏng. Hơn 140 máy bay bị mất do bị sóng đánh rơi xuống biển, hoặc do va chạm bên trong khoang chứa. Thiệt hại nhân mạng gồm 765 thuỷ thủ.

Mũi một tàu sân bay bị sóng đánh bẹp
Mũi một tàu sân bay bị sóng đánh bẹp

Sau cơn bão, Halsey phải trả lời trước một uỷ ban điều tra. Nhờ vào uy tín của mình và sự ủng hộ của đô đốc Nimitz, tư lệnh hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, Halsey không bị truy cứu trách nhiệm và vẫn tiếp tục chỉ huy hạm đội 3 cho đến hết chiến tranh.

Đô đốc Nimitz, trái, và đô đốc Halsey

Đô đốc Nimitz (trái) và Đô đốc Halsey

 

 Hồng Long (SOHA)