Báo Mới

Qua vụ BS vứt xác nạn nhân: Báo động loại tội phạm tri thức

(Techz.vn) Vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng khi thấy bệnh nhân ngừng thở sau phẫu thuật nâng ngực khiến người dân bàng hoàng, phẫn nộ. Đặc biệt, những người làm trong ngành y cảm thấy đau xót trước sự việc này.

Nếu có dị vật trong dạ dày, ruột non thì nạn nhân còn sống trước khi bị phi tang

Dư luận người dân đang trông chờ việc tìm kiếm được thi thể nạn nhân để xác định nạn nhân chết trước khi bị ném xuống hay đã chết từ trước, lý giải về việc này, luật gia, bác sĩ Phạm Việt Hải, phó khoa Giải phẫu, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) phân tích: “Trong trường hợp khi tìm thấy và nạn nhân có nhiều vết cắt thì vẫn có thể xác định được đâu là vết mổ đâu là do bị dị vật cắt khi bị ném xuống sông.

Khi đó, các chuyên gia giải phẫu bệnh sẽ cắt hai phần mô của cơ thể và tiến hành các thủ thuật sẽ xác định và phân biệt được. Khi tìm thấy được nạn nhân thì có thể căn cứ vào những dị vật của sông, nước của sông hoặc giải phẫu ốc tai xem có dị vật (nước) hay không để xác định nạn nhân chết trước khi bị ném xuống sông hay còn sống.

Đặc biệt là trong dạ dày và ruột non. Nếu có những dị vật của sông (cát, sỏi, bùn, nước...) trong dạ dày, ruột non thì chứng tỏ nạn nhân vẫn còn sống trước khi bị ném xuống sông. Còn nếu không có thì có thể khẳng định nạn nhân đã chết khi bị xém xuống, vì lúc này, nạn nhân đã ngưng thở”. 

Báo động về sự nguy hiểm của tội phạm trí thức

Là một chuyên gia tư vấn tâm lý hàng đầu tại TP.HCM, tiến sỹ Nguyễn Công Thoại, Giám đốc Trung tâm tư vấn Tâm lý - Giáo dục Tâm Lý Việt chia sẻ nhiều ý kiến với PV về vấn đề này.

Trước tiên, quan điểm của cá nhân tôi nên bỏ đi danh xưng “bác sỹ” trước tên của người gây ra hành vi ghê rợn này. Hai từ “bác sỹ” thiêng liêng đã bị người này làm hoen ố, thậm chí nếu không muốn nói là mất hết ý nghĩa. Xét tới diễn biến hành vi của người này, chúng ta nên ở hai góc nhìn cho sự việc được thật sự thấu đáo. Một là, với những người dân bình thường thì thật sự người này đã mất hết phần “người” mà chỉ lộ ra nguyên phần “con” trong con người đó. Hai là, xét một cách khách quan thuần túy dưới góc nhìn của một người làm tâm lý thì có thể nói, diễn biến hành vi của người này là mang tính hệ thống, chứ không đơn thuần là một hành vi bộc phát. Từ việc quyết định cho nhân viên nghỉ sớm, sau đó chuẩn bị kế hoạch, phương tiện để phi tang xác, rồi lôi kéo người cùng thực hiện hành vi, xóa dấu vết hiện trường... tất cả là một sự tính toán sắp đặt trong một thời gian dài. 

Không thể biện minh cho những hành vi đó bằng sự bộc phát được. Có thể gói gọn trong cụm từ “sự bình tĩnh ghê rợn”. Nguyên nhân sâu xa của hệ thống hành vi phạm tội có chủ đích này phải xét tới động cơ, theo quan điểm của tôi, đó là sự lệch lạc trong nhận thức. Trong khi thực hiện hành vi đó, người này chỉ đong đếm những cái lợi cho bản thân (tiền bạc, danh vọng) mà bất chấp luật pháp, bất chấp tính người. Đó chính là sự nguy hiểm của tội phạm trí thức. Những sự việc đau lòng như vậy đang đầu độc tương lai, suy nghĩ của các thế hệ trẻ. “Bác sỹ làm chuyện ác” sẽ còn chi phối giấc mơ của các em khi người lớn, xã hội chưa giải quyết được những vấn đề của chính họ. 

Người dân đang rất bức xúc và lên án hành vi này, và đặc biệt cảm thương cho người phụ nữ xấu số. Ngoài vấn đề pháp luật thì trong tâm linh ai cũng cầu mong tìm được thi thể của nạn nhân để nạn nhân được an nghỉ. Sự  việc “động trời” này cũng khiến người dân mất niềm tin vào những bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ thẩm mỹ, dẫu biết rằng đó chỉ là những trường hợp cá biệt.

Và để yên lòng dư luận, tôi thấy, cái chính là ở hành động thực tiễn chứ không chỉ những lời nói suông. Sự quyết liệt, hiệu quả trong hành động, những biện pháp thỏa đáng sau mỗi sự việc mới chính là câu trả lời tốt nhất trước mặt nhân dân.     

Bản chất của hành vi man rợ là do tính ích kỷ cá nhân quá lớn

Tiến sỹ Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa luật Hình sự Trường đại học Luật TP.HCM, cho biết: “Là một người nghiên cứu về tội phạm học, trong vụ việc này, tôi cho rằng bản chất toàn bộ hành vi man rợ của vị bác sỹ này là tính ích kỷ cá nhân đứng trên tất cả và chi phối mọi thứ.

Tính ích kỷ này thể hiện rõ khi vị bác sỹ này tìm cách phi tang xác bệnh nhân, lôi kéo người khác phạm tội… chỉ để che giấu hành vi phạm tội của mình. Bên cạnh đó, tính ích kỷ cá nhân của vị bác sỹ này đã đứng trên y đức, đạo lý. Toàn bộ việc làm của vị bác sỹ này có thể gói trọn trong cụm từ: Tất cả là vì tiền làm cho mờ mắt”.

Mời bạn xem thêm:  Y tế: Y đức đang ở đâu?

 Quang Lâm (NĐT)