Báo Mới

Người chết bỗng dưng ngồi dậy trong phòng lạnh nhà xác

Đầu tiên phải kể đến là câu chuyện về một người đàn ông bị bệnh tim mãn tính đã nhiều năm chữa trị nhưng không thuyên giảm. Sau một lần lên cơn đau tim, ông được người nhà đưa vào Bệnh viện B.M cấp cứu trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, trải qua 3 lần kích điện nhưng người đàn ông vẫn không có dấu hiệu hồi tỉnh. Các bác sĩ kết luận ông đã qua đời. 

Lời kể của một nhân viên trông coi nhà xác

Thi thể người đàn ông xấu số được đưa xuống “nhà lạnh” cùng những dòng nước mắt tiếc thương của người thân để chờ làm lễ mai táng. Thế nhưng, sau 10 tiếng nằm trong phòng lạnh, một sự việc hy hữu và kỳ lạ đã diễn ra, mà nếu ai tận mắt chứng kiến chắc chắn sẽ trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, sợ hãi cho đến ngập tràn hy vọng. 

Sự việc này được chính mắt ông Đồng Văn Công - nhân viên nhà xác của bệnh viện B.M kể lại cho chúng tôi. Với ông, đây chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất ông đã từng nếm trải trong thời gian làm việc tại đây. Đó là khi người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn H (Đống Đa, Hà Nội) đang chuẩn bị thực hiện những công việc cuối cùng để chuẩn bị tang lễ cho ông thì bất ngờ, sau 10 tiếng nằm trong phòng lạnh, thi thể ông H bật dậy bên cạnh những thi thể vô hồn đang chờ sang thế giới bên kia. 20 năm làm cái nghề mà ai nghe qua cũng phải rùng mình - nhân viên nhà xác - ông cũng từng gặp, từng mơ nhiều chuyện ma mị nhưng tận mắt chứng kiến một thi thể đã nằm trong phòng lạnh nửa ngày trời bật dậy nhìn mọi người xung quanh đã khiến ông không khỏi kinh hoàng, thảng thốt. Ông Công kể lại: “Nạn nhân Nguyễn Văn H, 57 tuổi, được đưa xuống nhà xác vào lúc 22h tối với kết luận bị nhồi máu cơ tim mãn tính, trong lúc điều trị, ông bất ngờ lên cơn đau tim. Dù được các bác sĩ tận tình hồi sức cấp cứu trong 30 phút liên tục với việc hỗ trợ bằng bóp bóng, đặt nội khí quản. Thậm chí các bác sĩ còn dùng dòng điện 300 KV kích vào lồng ngực tới 3 lần với mong muốn trái tim của ông H hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ông H đã rơi vào trạng thái chết lâm sàng. Các bác sĩ kết luận ông H đã qua đời, không có khả năng tỉnh lại và chuyển thi thể xuống phòng lạnh chờ làm thủ tục an táng”.

“Khi thi thể người đàn ông xấu số được đưa xuống nhà xác, tôi cùng anh em làm việc tại đây đã thực hiện tắm rửa, trang điểm cho ông trông thật hồng hào. Đó là việc mà chúng tôi sẽ phải thực hiện với tất cả những người xấu số được đưa tới đây. Người nhà nạn nhân cũng đã quyết định sẽ tổ chức tang lễ cho ông tại bệnh viện. Tôi còn nhớ khi ấy  người thân của ông H cứ đòi ở lại túc trực bên thi thể của ông. Chúng tôi phải động viên nhiều lần, họ mới chịu về nghỉ ngơi, chuẩn bị tang lễ cho ông vì cũng chỉ được đợi ở ngoài chứ không được phép vào phòng lạnh” - ông Công tiếp tục câu chuyện. 

Đúng 6h sáng ngày hôm sau, bạn bè, người thân, đồng nghiệp của ông có mặt tại nhà xác để chuẩn bị tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. “Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh người vợ ông cùng con cái của ông khóc lóc vật vã bởi ông ra đi khi vẫn còn trẻ, ở cái tuổi mà người ta chuẩn bị được hưởng phúc của con cháu. Thế nhưng, khi tôi vào phòng lạnh chuẩn bị đưa thi thể ông Hùng ra ngoài để thực hiện các nghi thức khâm liệm thì tôi giật mình phát hiện ra chỗ ông H nằm có vật gì động đậy. Trong không khí mờ mờ đặc quánh của phòng lạnh, hình ảnh thi thể ông H dưới lớp vải trắng phủ kín bỗng nhiên nhúc nhích, khẽ động đậy khiến tôi giật mình. Hình ảnh ấy đã ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. Ở nơi mà cái chết thường trực như nhà xác, những người sống có mặt chỉ là để phục vụ cho người chết thì việc một thi thể động đậy cũng đủ làm cho những người có thần kinh vững nhất phải giật mình. Ai yếu bóng vía cũng sợ ngất đi” - ông Công kể tiếp. 

Không hiểu chuyện gì xảy ra, khi tấm vải trắng được vén lên, đôi mắt ông H trợn trừng, tay chân yếu ớt, rồi có tiếng rên khẽ. Cả tổ nhân viên 4 người thực hiện công việc hậu sự cho ông cũng la toáng lên, kinh hãi bỏ chạy. “Xác chết” gạt tấm chăn, nằm nghiêng hẳn sang một bên cất tiếng rì rầm càng làm cho mọi người khiếp vía. Lúc này sự việc cũng được báo lên lãnh đạo bệnh viện.
 Sau đó, ông Công cũng quyết định, đưa vợ con nạn nhân vào phòng lạnh xác nhận sự việc. “Xác” ông H được đặt ở giữa phòng, đang rên rỉ co quắp, thấy người thân, ông bỗng cất tiếng khe khẽ gọi vợ. Đến lúc này, bất chấp nỗi sợ, vợ nạn nhân cùng cậu con trai lao nhanh tới chỗ ông H. Hai vợ chồng lúc này ôm nhau khóc nức nở, bên ngoài sự bất ngờ cũng lan nhanh trong số những người đến tiễn đưa ông. Kể đến đây, khóe mắt người trông coi xác chết cũng lấp lánh những giọt nước mắt cảm động về tình người. Ngay lập tức, bệnh nhân được nhân viên bệnh viện vội vàng đưa tới khoa hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên, dù được hồi sức tích cực hơn một ngày trời, ông H vẫn ra đi. Dù được đưa vào phòng lạnh 3 ngày trời nhưng phép màu đã không xảy ra một lần nữa. 

Nghề trang điểm cho các tử thi

Có một công việc mà những người làm trong nhà đại thể như ông Công vẫn thực hiện mà ít người được biết, đó là trang điểm cho các thi thể xấu số. Để tìm hiểu về công việc này, tôi đã tìm đến anh T.Q.Đ và anh H.T.L ở bệnh viện V tại Hà Nội (cả 2 mong được giấu tên và nơi làm việc). Hai người, dù tuổi đời còn trẻ, anh Đ mới xấp xỉ 40 còn anh L cũng chỉ ngoài 30 nhưng mỗi người đã có trên dưới 10 năm kinh nghiệm thực hiện công việc chăm sóc cho các tử thi. Con đường đưa các anh đến với cái nghề này cũng chẳng giống nhau. Như anh Đ, khi mới đi bộ đội về, được một người quen giới thiệu vào làm công việc quét dọn, phục vụ trong bệnh viện. Nhưng tiền lương chẳng đáng bao nhiêu. Thời ấy, người ta cũng ít thuê người phục vụ bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị. Thấy bệnh viện còn vị trí làm trong nhà đại thể, ngoài lương còn có thêm các khoản phụ cấp, trợ cấp. Anh quyết định xin vào đây làm với quyết tâm, không ngại khó, ngại khổ để có thêm đồng ra đồng vào cho vợ con ở quê nhà. Khi biết anh xin vào làm trong nhà đại thể, nhiều người thân của anh cũng ra sức ngăn cản, mẹ và vợ anh khóc hết nước mắt lo anh khổ cực nhưng anh vẫn tâm niệm: “Công việc gì không quan trọng, cái chính là mình kiếm tiền bằng sức lực của bản thân, không lừa gạt, trộm cắp. Hơn nữa, mình phục vụ cho những người đã khuất, tất sẽ được họ phù hộ”. Thế là anh bước chân vào nghề “canh nhà xác”. Cũng từ đấy anh có thêm công việc nữa “trang điểm cho các tử thi”. Còn anh L, anh đến với nghề này qua một người anh họ. Đang không có công ăn việc làm, anh cũng liều mình mà nhận lời đi làm cùng suy nghĩ: “Có anh, có em cho đỡ tủi thân, sợ hãi”. 

Theo lời kể của anh Đ và anh L Bệnh viện V nơi các anh làm việc hàng ngày có tới cả chục trường hợp được đưa xuống nhà xác. Từ những thi hài mới lọt lòng cho tới những người già luống tuổi. Có trường hợp chết tại nạn, cũng có những trường hợp bệnh lâu năm qua đời. Phần lớn đều được người nhà chăm lo chu đáo chuyện hậu sự nhưng cũng không ít người không tìm được thân nhân hoặc một thân một mình cho tới lúc chết. Nhưng dù là trường hợp nào, cũng được anh cũng như các nhân viên chăm lo cho cẩn thận. Khu nhà xác của bệnh viện V nằm ngay sau bệnh viện, có cổng nằm trên một con phố lớn. Phòng lạnh được bố trí nằm trong cùng, phía ngoài là phòng trực của nhân viên. Đêm đêm, khi tới ca trực, bên ngoài phố xá đông đúc cũng không thể làm không khí khu nhà xác bớt ảm đạm thê lương. Nơi đây tịnh không một tiếng động. Ngoài tiếng lá cây xào xạc, tiếng côn trùng trong đêm thanh vắng thì chỉ có tiếng xe cấp cứu, tiếng cáng cứu thương đưa xác bệnh nhân lẫn trong tiếng nức nở, nghẹn ngào mỗi khi có trường hợp được chuyển xuống đây. Làm việc ở đây hơn 10 năm, nỗi sợ hãi dường như đã mất đi trong anh. Ngoài trực nhà xác, anh cùng đồng nghiệp còn phụ giúp các bác sĩ mổ tử thi, thậm chí là khâu vá cả những bộ phận cơ thể bị biến dạng sau những vụ va chạm. Anh kể, từng có lần, 2 thanh niên bị tai nạn giao thông được đưa xuống nhà xác. Một người cả hai chân đã dập nát, biến dạng, một người không còn phân biệt nổi đâu các bộ phận trên khuôn mặt. Các anh phải nhặt từng bộ phận ra, sắp xếp rồi khâu lại cho ra hình. Đối diện với hình ảnh này, nhiều người chắc chắn sẽ không chịu được. Có lần, những sinh viên thực tập phải đưa xác xuống phòng lạnh. Vừa tới nơi họ đã bỏ chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo, nhưng các anh vẫn bình thản, cẩn thận khâu vá, trang điểm cho họ. Dù đã chai lì cảm xúc nhưng không ít lần các anh vẫn không cầm được nước mắt khi chứng kiến người nhà bệnh nhân ôm xác chồng, con, và thậm chí là người yêu đau đớn không cho mang xác đi. Như lần một thanh niên còn rất trẻ chắc chỉ đôi mươi qua đời vì chết não sau một tai nạn giao thông. Cô gái người yêu chàng trai vắn số cứ liên tục tự trách mình tìm cách đập đầu vào tường. Cô gái luôn miệng khóc lóc, chỉ vì cô bị mất mũ bảo hiểm, anh nhường cô chiếc mũ duy nhất. Khi cả hai bị một chiếc xe ô tô lấn đường tông trực diện, anh thì qua đời vì chấn thương sọ não, còn cô chỉ xây xước nhẹ. Anh L buồn rầu: “Cái chết của chàng trai chắc chắn sẽ còn ám ảnh cô gái kia đến nhiều năm sau. Bởi chính tôi, chỉ là người ngoài cũng phải quay mặt giấu đi giọt nước mắt tiếc thương cho cậu bé này”.

Ở nơi mà cái chết ngự trị, phải dũng cảm lắm, các anh mới không bỏ nghề. Nhiều người còn bị người đời rèm pha châm chọc. Có người còn bị người yêu bỏ chỉ vì “sợ cái cảm giác lành lạnh đã ám vào người anh”. Nhiều người cho rằng những người làm ở nhà xác đã quá quen với cái chết nên đã vô cảm với những câu chuyện thương tâm. Nhưng bản thân tôi lại cho rằng, chính các anh và câu chuyện đời, chuyện nghề lại ấm áp tình người. Càng nên trân trọng những hy sinh của các anh khi đã dũng cảm làm công việc mà nhiều người chỉ nghe tên đã phải từ chối - nhân viên nhà xác.

Mời bạn xem thêm: Thông tin mới vụ vợ giết chồng, ném xác xuống sông trong đêm 

 Hồng Long (ANTĐ)