Blog công nghệ

Google liệu có thôn tính HTC? Bom sắp nổ, đạn đã lên nòng

Ngay sau khi mẫu điện thoại Google Pixel, một sản phẩm kết hợp giữa Google và HTC được cho ra mắt, đã có khá nhiều những lời đồn đoán được đưa ra về bộ đôi này. Điểm chung của những tin đồn ấy đều nằm ở một điểm, Google sẽ sớm thâu tóm HTC trong một thời gian ngắn nữa. Liệu điều này có cơ hội xảy ra hay không? Chúng ta cùng thử phân tích một vài lý do để xem thương vụ bom tấn này nên hay không nên được hoàn tất.

Đầu tiên, chúng ta sẽ nói về cơn khủng hoảng của HTC. Đối với nhà sản xuất đến từ Đài Loan, những dấu hiệu khủng hoảng chỉ bắt đầu xuất hiện từ thời điểm năm 2013. Tuy nhiên từ đó đến nay, chưa bao giờ hãng này lại gặp phải nhiều khó khăn đến thế.

Nếu chỉ xét doanh thu từ thời điểm quý 2 năm 2016 trở về trước, dù đạt kết quả kinh doanh cao hơn quý trước đó đến 100 triệu USD, doanh nghiệp này vẫn chìm trong khủng hoảng. Số tiền thu về không bù đắp nổi con số bỏ ra khiến HTC lỗ đến 133 triệu USD chỉ trong một Quý. Đáng nói hơn khi đó đã là quý thứ 5 liên tục thua lỗ của tập đoàn này. Mọi chuyện chỉ tốt dần lên vào quý 3 vừa qua khi lần đầu tiên HTC thoát khỏi cảnh trắng tay sau một thời gian dài làm ăn thua lỗ.

HTC đang rơi vào khủng hoảng, loay hoay chưa tìm được đầu ra. Điều này lại trái ngược với Google khi công ty này đang ở trong thời kỳ sung sức nhất. Ở đâu đó, xuất hiện vài dấu hiệu manh nha tham vọng phủ bóng lên thị trường di động của Google.

Google Pixel liệu có đặt nền móng cho mối lương duyên giữa HTC và Google. 

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là trong hoàn cảnh đó, liệu Google có nên ôm “cục nợ” HTC hay tự mình phát triển thương hiệu riêng hoặc tìm kiếm một mối đầu tư khác?

Theo nhiều nhà phân tích, trong tiến trình phát triển tiếp theo, điều mà Google cần làm là phải biến mình từ một công ty cung cấp dịch vụ phần mềm sang một doanh nghiệp sản xuất phần cứng. Điều này sẽ giúp Google tiết kiệm được rất nhiều chi phí thay vì phải thuê một đơn vị trung gian đứng ra sản xuất phần cứng giúp họ như ở những mẫu Nexus trước kia và giờ đây là Google Pixel.

Sẽ mất quá nhiều thời gian để bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp từ đầu, do đó một thương vụ mua bán sát nhập M&A rõ ràng là một bước đi cần thiết. Để đảm bảo được hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp này phải có một nền tảng cơ sở vật chất tốt để sản xuất phần cứng. Ngoài ra, yếu tố về sở hữu trí tuệ cũng được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh các vụ kiện cáo liên quan đến bằng sáng chế tiêu tốn của các ông lớn công nghệ một số tiền không nhỏ.

Với số bằng sáng chế của mình, HTC sẽ giúp Google tiết kiệm được cả tỷ USD thay vì các cuộc kiện tụng kéo dài. 

Google đã từng cụ thể hoá tham vọng của họ một lần với việc đem về Motorola, doanh nghiệp đáp ứng cả 2 yêu cầu đã vừa đề cập đến. Không rõ vì lý do gì mà sau đó Motorola đã bị bán lại cho Lenovo, chỉ biết một điều rằng, tham vọng sản xuất phần cứng của Google không vì lẽ đó mà dừng lại. Và HTC có vẻ như sẽ là cái tên đang được nhắm đến ở thời điểm này.

Hồi giữa năm 2012, Google từng gây bất ngờ khi bỏ ra tới hơn 12,5 tỷ USD để sở hữu Motorola. Tuy nhiên chỉ 2 năm sau, gã khổng lồ tìm kiếm còn tạo ra một bất ngờ lớn hơn khi bán lại Motorola cho Lenovo với giá 2,91 tỷ USD.

Với nền tảng cơ sở vật chất tốt, sở hữu sẵn nguồn nhân công giá rẻ, bên cạnh đó là lượng bằng sáng chế không hề kém cạnh các ông lớn, nhà sản xuất đến từ Đài Loan thoả mãn tất cả các yêu cầu mà gã khổng lồ tìm kiếm đang kiếm tìm. Nếu Google thực sự có tham vọng trên thị trường smartphone, nếu không thôn tính ngay HTC trong cơn suy thoái thì còn chờ đến thời điểm nào?

Mỹ đã thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2. Còn Google? Gã khổng lồ tìm kiếm liệu có dám thả một quả bom kim tiền để chốt hạ mục tiêu mà mình đang theo đuổi?

Đếm ngược đi thôi, có vẻ như đạn đã lên nòng. 

 

Cả thế giới sẽ phải "ghen tị" với những tính năng của Google Pixel

(Techz.vn) Không chỉ có cấu hình mạnh, camera ấn tượng, Google muốn nhắm đến những trải nghiệm phần mềm hoàn hảo trên Pixel và Pixel XL.