Thương hiệu

Thế giới di động đấu Nguyễn Kim trên thị trường điện máy

Một Thế giới di động nhỏ mà linh hoạt, với những tuyên bố dứt khoát và một Nguyễn Kim đa ngành nhưng âm thầm bành trướng. Thị trường bán lẻ điện máy Việt Nam sẽ có sự so găng thú vị.

Thegioididong.com khai trương siêu thị lớn nhất hệ thốngThegioididong muốn 'chiếm lĩnh' bán lẻ smartphone?Ai sẽ soán ngôi đầu của Nguyễn Kim?Cuộc đua đến chết của các ông lớn điện máyNguyễn Kim gặp khó khi 'ôm' hàng gia dụng?
Cuộc đua chính thức bắt đầu

Cuối tháng 5 vừa qua, Công ty cổ phần Thế giới di động đã công bố chỉ định ông Robert A. Willett, cựu CEO của BestBuy toàn cầu vào vị trí thành viên HĐQT Công ty. Điều này đã giúp Thế giới di động được định giá 100 triệu USD và đây là bệ phóng mới của công ty bán lẻ điện máy này trong cuộc rượt đuổi với đối thủ sừng sỏ là Nguyễn Kim.

 

Thế giới di động đấu Nguyễn Kim trên thị trường điện máy-image-1380948382886
Thế giới di động sẽ tập trung chiều sâu cho các cửa hàng điện thoại, công nghệ.

Được thành lập tháng 3/2004, với số vốn 50.000 USD, Công ty cổ phần Thế giới di động lúc ấy chỉ tập trung đầu tư vào trang web thegioididong.com.

Song các cổ đông sáng lập đã thất bại ngay, do mô hình thương mại điện tử chưa phù hợp và chưa đáng tin cậy vào thời điểm đó.

Họ phải tiếp tục đầu tư thêm và chuyển đổi mô hình bằng các cửa hàng bán lẻ điện máy bên cạnh website.

Tuy nhiên, Thế giới di động chỉ thực sự đột phá khi “mở cửa” cho nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2007, sau khi được Quỹ Mekong Capital đầu tư, Thế giới di động đã phát triển mạnh mẽ và được định giá khoảng 10 triệu USD.

Những năm sau đó, Công ty liên tục mở rộng hệ thống, với hàng trăm cửa hàng được mở mới.

Đến năm 2012, để nhanh chóng bành trướng về quy mô, Thế giới di động đã “mở cửa” cho 95 nhà đầu tư mới là nhân viên của Công ty và phủ sóng khắp 63 tỉnh, thành phố, với 218 cửa hàng và 7.000 nhân viên.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động cho biết, Công ty sẽ phát triển mạnh mảng bán hàng online; tạo đột phá về văn hoá phục vụ; tối ưu hoá hệ thống điện máy và mở chuỗi kinh doanh những sản phẩm khác từ năm 2014-2015 trở đi; phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2014.

Trong tháng 9 vừa qua, một phần kế hoạch trên đã được thực thi. Công ty đã mở một cửa hàng trải nghiệm đầu tiên tại quận 1, TPHCM, nơi mà khách hàng có thể dùng thử miễn phí phụ kiện (trong 30 ngày) và sản phẩm (7 ngày). Có vẻ như câu chuyện thách thức ngôi vị số một trong ngành bán lẻ điện máy là Nguyễn Kim đã chính thức bắt đầu.

Trong khi đó, ông chủ Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (đơn vị quản lý kinh doanh chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy Nguyễn Kim) lại rất kín tiếng. Ngoài điện máy, Nguyễn Kim còn đầu tư vào lĩnh vực dược, lương thực, thực phẩm (chủ yếu là gạo).

Riêng về chuỗi cửa hàng siêu thị bán lẻ điện máy, những năm qua, việc kinh doanh của Nguyễn Kim vẫn ổn định. Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường này khiến “ngôi vương” này phải tính đến việc mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng tiêu dùng khác.

Với động thái này, giới phân tích cho rằng, Nguyễn Kim đang có sự chuyển mình để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào năm 2015. Trước đó, Nguyễn Kim cũng đã đưa vào khai thác trung tâm kinh doanh ở quận Thủ Đức (TPHCM) theo mô hình mới với khu ẩm thực, rạp chiếu phim, khu trò chơi…

Chưa biết những bước chuyển mình này có mang lại kết quả thế nào cho Nguyễn Kim, nhưng rõ ràng có sự khác biệt so với chiến lược của Thế giới di động. Nếu Thế giới di động tập trung vào chiều sâu, thì Nguyễn Kim lại đang đi theo hướng phát triển chiều rộng.

Ai làm khó ai?

Trong buổi ra mắt hai nhà đầu tư mới (Công ty CDH Electric Bee Limited và ông Robert A.Willett, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 20,41%) của Thế giới di động hồi tháng 5, ông Tài khẳng định: “Không ai có thể làm khó được Thế giới di động trong quá trình phát triển”.

Hiện Thế giới di động có 220 cửa hàng điện thoại trên toàn quốc và 14 cửa hàng điện máy. Theo ông Tài, Công ty sẽ tiếp tục nâng con số cửa hàng điện máy lên với tốc độ “vũ bão” và tập trung chiều sâu cho cửa hàng điện thoại, công nghệ.

Trong khi đó, Nguyễn Kim đã nâng số trung tâm thương mại của mình lên 22 và dự kiến đến năm 2015 sẽ phủ sóng 32/63 tỉnh, thành phố, với mức độ chiếm lĩnh thị phần của toàn ngành là 30-40%.

Có một điều mà các nhà sáng lập của Nguyễn Kim không muốn tiết lộ. Đó là khi dẫn đầu trong ngành điện máy, để duy trì mức tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận, họ đã phải lựa chọn những bước đi chiến lược khác, với việc lấn sân sang lĩnh vực điện thoại bằng hệ thống cửa hàng Thế giới số 24h.

Song đây lại là một bước đi thất bại của Nguyễn Kim. Chỉ sau 6 tháng triển khai rầm rộ ở TP.HCM, chuỗi cửa hàng Thế giới số 24h buộc phải đóng cửa hoặc chuyển thành trung tâm thương mại Nguyễn Kim. Điển hình, trung tâm tại Etown (Cộng Hòa, Tân Bình, TPHCM) được chuyển thành đại lý phân phối các sản phẩm của Apple cũng của chính Nguyễn Kim. Sau sự kiện này, Nguyễn Kim không hề có bất kỳ giải thích nào với dư luận.

Từ sự thất bại của Nguyễn Kim, liệu Thế giới di động có còn tự tin với chiến lược mở rộng dienmay.com? “Năm 2014 sẽ là năm dienmay.com phát triển mạnh về hệ thống. Chỉ mới hơn 2 năm, nhưng chúng tôi có 14 cửa hàng và doanh thu rất tốt. Tôi hoàn toàn tự tin trong bước đi chiến lược này”, ông Tài cho hay.

Được biết, năm nay, Thế giới di động đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.500 tỷ đồng, nhưng hiện đã vượt kế hoạch và quyết định nâng mục tiêu doanh thu lên 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, với sự tư vấn của ông Robert A.Willett, Thế giới di động đang thay đổi cả website nhằm tăng trưởng doanh thu từ thương mại điện tử. Công ty cũng thay đổi, cấu trúc lại từng cửa hàng để cung cấp dịch vụ tốt hơn. Điều này cho thấy, họ đi sâu vào phát triển thế mạnh cốt lõi của doanh nghiệp. “Một trong những điểm mà chúng tôi thuyết phục được các nhà đầu tư tham gia Thế giới di động là cam kết chỉ đầu tư vào ngành bán lẻ công nghệ và điện máy”, ông Tài nói.

Thách thức còn ở phía trước

Nhìn vào sự tăng trưởng của Thế giới di động, dư luận cho rằng, họ đã phả hơi vào gáy của Nguyễn Kim. Tuy nhiên, thách thức cho cả hai trong cuộc đua song mã này đang ở phía trước.

Theo quan sát trên thị trường, thị trường bán lẻ công nghệ, điện tử đang cạnh tranh theo kiểu một mất một còn. Theo đó, không còn cạnh tranh về giá đơn thuần, mà để đảm bảo rằng đối thủ không có hàng bán, có trung tâm điện máy nhập nguyên một lô hàng tivi của Sony dành cho cả thị trường Việt Nam.

Hay để chặn trước đối thủ thông tin các chương trình khuyến mãi, có trung tâm mua nguyên quảng cáo cả năm trên các tờ báo lớn với giá trị quảng cáo vài chục tỷ đồng. Hễ một siêu thị nào sắp tung ra chương trình khuyến mãi, thì các siêu thị khác tung đòn trước, giảm giá trước đối thủ để phá kế hoạch.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, công thức cạnh tranh trong ngành phải là: trường vốn, quản lý tốt và ứng dụng công nghệ hiện đại. Cả ba yếu tố này đều có ở Thế giới di động và Nguyễn Kim.

Để thu hút vốn lớn, Thế giới di động đã chuẩn bị lộ trình cần thiết trước khi IPO vào năm 2014. Hiện cơ cấu cổ phần hiện tại của Thế giới di động là các thành viên sáng lập chiếm khoảng 51,3%; Mekong Capital giữ 25,8%; CDH và ông Willett 20,41%; số còn lại là cổ phần công ty và các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Với Nguyễn Kim, họ cũng công bố đến năm 2015 sẽ IPO. Tuy nhiên, theo nhiều thông tin đồn đoán, khả năng Nguyễn Kim cũng đã có đối tác tham gia M&A với công ty. Thông tin này chưa được Nguyễn Kim xác nhận, nhưng nếu nhìn vào động thái đầu tư của ông Nguyễn Văn Kim, nhà sáng lập Nguyễn Kim, đang là chủ tịch của một loạt công ty lương thực, dược phẩm như: Docimexco, Angimex… hay Dược phẩm 3/2 (FT Pharma) và Dược Lâm Đồng, thì thông tin trên là có cơ sở.

 

Thế giới di động đấu Nguyễn Kim trên thị trường điện máy-image-1380948478024

 


Theo Đầu tư