Đêm qua, một thông tin không thể bất lợi hơn cho Samsung đã được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn: Siêu phẩm mới nhất của họ, chiếc Galaxy Note 3 đã dính vào một vụ “dàn xếp” để nâng cao điểm benchmark, nhằm PR cho sản phẩm trước khi được bán ra chính thức.
Samsung: Bê bối nối tiếp bê bối
Thông tin này đầu tiên được đưa ra bởi tờ Ars Technica. Trang tin này cho hay, mỗi khi một chương trình benchmark phổ biến được sử dụng, ngay lập tức toàn bộ các nhân xử lý của chiếc Note 3 được “ra lệnh” để hoạt động ở tốc độ tối đa. Thông tin này được kiểm chứng khi các kiểm nghiệm viên cho chạy một chương trình benchmark được “rename”, không có trong cơ sở dữ liệu của Note 3, và kết quả đã thấp hơn đáng kể so với khi dùng trình benchmark chưa bị “rename”.
Galaxy Note 3 là cái tên mới nhất gắn với việc "hack" điểm số benchmark của Samsung
Điều này có thể dẫn đến việc tiêu thụ pin nhanh hơn nhiều so với bình thường và làm thiết bị nóng lên.
Quan trọng nhất, nó cho thấy rằng, Samsung đang “chơi bẩn” khi muốn vượt qua các đối thủ của mình một cách không công bằng.
Nhìn lại khoảng 2 tháng trước, Samsung cũng đã dính vào một vụ bê bối khi chiếc Galaxy S4, sản phẩm quan trọng nhất trong năm của họ đã bị phát hiện gian lận điểm số benchmark. Tuy nhiên, sự việc nhanh chóng được lắng xuống vì những giải thích có phần “thấu tình đạt lý” từ nhà sản xuất: việc gia tăng tốc độ được thực hiện ở nhiều chương trình, chứ không phải chỉ ở các trình benchmark, nhằm đưa đến những trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Galaxy S4 cũng đã "nhúng chàm"
Thế nhưng, Note 3, theo như những đoạn mã được trang Ars Technica đăng tải, dường như chỉ “ăn gian” các kết quả benchmark, còn trải nghiệm người dùng ở các ứng dụng bình thường thì hoàn toàn không được để tâm. Do đó, bê bối lần này có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Đoạn mã cho thấy sự "ăn gian" của Samsung
Samsung: Đi lên nhờ benchmark
Để trở thành một nhà sản xuất lớn, thường thì, các nhà sản xuất sẽ tập trung vào một thứ để PR trên sản phẩm của mình.
Thời kỳ còn chưa phải là một nhà sản xuất mạnh, các nhà sản xuất Android đều dựa vào một thứ: cấu hình phần cứng. Samsung chính là nhà sản xuất áp dụng chiến lược này thành công nhất: họ mở đầu cho cuộc đua phần cứng với chiếc Galaxy S làm cả thế giới công nghệ phải thèm muốn. Tiếp đến là chiếc Galaxy S2 cũng làm tốn rất nhiều giấy mực của báo giới.
Galaxy S, kẻ mở đầu cho kỷ nguyên thống trị của Samsung
Từ sau S2, Samsung đã chuyển hướng sang việc nâng cao trải nghiệm người dùng. Điển hình là việc họ đi đầu trong việc đưa những tính năng điều khiển thiết bị qua hành vi lên thiết bị của mình. Hướng đi mới này cũng đã đem lại thành công to lớn, khi những chiếc S3 hay Galaxy Note 2 tiếp tục đạt được doanh số lớn và giúp tăng tầm ảnh hưởng của thương hiệu Samsung.
S3 là một sự thành công của Samsung sau khi họ rời khỏi cuộc đua cấu hình
Lúc này, cuộc đua phần cứng và cấu hình chỉ còn được những nhà sản xuất “tầm tầm” kiểu như LG tiếp tục. Và họ đã không đạt được thành công như Samsung hồi trước, bởi đơn giản: thế giới bây giờ cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều. Kết quả là, dù anh chàng LG có một sản phẩm mạnh mẽ đến đâu thì cũng chẳng thể nổi bật lên hẳn (vì ngoài ra chẳng có gì khác đặc biệt), chỉ ngay hôm sau người ta sẽ “ùn ùn” giới thiệu những chiếc máy với cấu hình dùng con chip y hệt.
Optimus G, cấu hình cao thì để làm gì?
Thế nhưng, Samsung, đến chiếc Galaxy S4, lại muốn tiếp tục cuộc đua này, nhưng theo một cách khác: chơi “bẩn”. Họ đã gian lận khi cố tính “ép” những chiếc S4 chạy ở tốc độ tối đa trong quá trình benchmark, một điều rõ ràng là không được phép với một thiết bị di động, vốn rất nhạy cảm về thời lượng sử dụng pin. Song, như đã nói ở trên, với S4, điều này có thể chấp nhận được.
Nhưng đến Note 3, việc Samsung quyết “chơi tới cùng” trong cuộc đua này làm nảy sinh rất nhiều khó hiểu. Thực tế người ta đâu có mua Note 3 hay S4 vì cấu hình, người ta mua chúng vì tính năng độc đáo, vì thiết kế tốt, và hơn hết, vì tin tưởng vào thương hiệu Samsung, lúc này có lẽ chỉ còn đứng sau Apple trong làng điện thoại. Vậy tốt cục, Samsung được lợi gì trong việc này?
Samsung: Lớn rồi vẫn thiếu tự tin?
Kể từ chiếc S2, với tham vọng đánh vào các thị trường hỗ trợ mạng LTE, Samsung phải “ngậm đắng nuốt cay” khi phát hành nhiều phiên bản, ngoài phiên bản chính thống chạy chip do Samsung phát triển thì còn những phiên bản dùng chip của Qualcomm, những con chip duy nhất trên thế giới hỗ trợ các băng tần LTE. Rắc rối từ đây đã nảy sinh.
Kể từ Galaxy S2, những con chip Qualcomm và Samsung luôn được đem ra so sánh với nhau
Người dùng luôn luôn so sánh 2 phiên bản chip trên những phiên bản này, và phép so sánh phổ biến nhất là sử dụng các chương trình benchmark. Trước đây Samsung không có gì để sợ, bởi chip Exynos của họ mạnh hơn nhiều những con chip Snapdragon, chí ít là về mặt đồ họa. Thế nhưng, kể từ khi Qualcomm giới thiệu chip S4 Pro, cuộc chơi đã thay đổi.
Mọi so sánh, mọi phép thử đều chứng tỏ rằng, S4 Pro mạnh hơn bất kỳ con chip Exynos nào từng được sản xuất (ở thời điểm nó ra mắt), và nó đã làm Samsung “lạnh gáy”.
Cú đáp trả thực sự của Samsung đến từ Exynos Octa, con chip di động 8 nhân đầu tiên trên thế giới. Nhưng rồi tất cả vỡ lẽ, đây là một sản phẩm PR không hơn! Con chip này thực chất gọi là 2 con chip 4 nhân đóng gói chung , 8 nhân của nó không thể hoạt động đồng thời. Nhiều thử nghiệm chỉ ra, nó thậm chí yếu hơn cả con chip Snapdragon 600, chứ chưa nói tới Snapdragon 800!
Exynos đã chính thức mất ngôi vương với sự vươn lên mạnh mẽ của Qualcomm
Và đó là lý do mà Samsung phải “chơi bẩn”. Họ “chơi bẩn” vì sợ danh xưng về những con chip hàng đầu bị quên lãng, sợ sự nổi lên của Qualcomm. Mất danh xưng ấy, sản phẩm của họ sẽ bị mất uy tín, và cả miếng mồi béo bở là hợp đồng sản xuất chip cho Apple cũng sẽ mất nốt.
Samsung đang có một sự thiếu tự tin không hề nhẹ!
Samsung: Liệu ganh đua có thực sự cần thiết?
Samsung đang sợ thua, và thực tế là đã thua trong mặt trận mà họ đã từng là kẻ dẫn đầu. Nhưng liệu có phải thảm họa?
Hãy nhìn Apple. iPhone hiếm khi được đánh giá cao về cấu hình, nhưng vẫn bán tốt và thậm chí là … quá tốt. Sản phẩm của Apple thậm chí không có nhiều ưu thế như của Samsung: thiết kế của họ không thể thay đổi quá mạnh qua từng thời kỳ (do phải đảm bảo vấn đề truyền thống), họ không thể tự mình sản xuất linh kiện lắp ráp như Samsung, thậm chí ngay cả giá thành và độ phủ sóng, Apple cũng không đọ được Samsung. Vậy việc gì Samsung phải chạy đua về cấu hình?
iPhone bán tốt đâu phải nhờ cấu hình?
Samsung thậm chí còn đang muốn thoát khỏi sự lệ thuộc với Google, khi họ đang dồn nhiều tâm huyết cho nền tảng Tizen OS. Tiềm lực tài chính hùng mạnh của Samsung cho phép họ làm điều đó, và đó cũng là một hướng đi không hề tệ.
Samsung đang có mọi thứ trong tay: tiền bạc, khả năng sản xuất, quyền lực, độ phủ sóng, người dùng trung thành,... Họ không cần thiết phải làm những trò "hack" kiểu như từng làm với S4 hay Note 3.
Thương hiệu Samsung đủ mạnh để không còn cần chạy đua về cấu hình nữa
Tóm lại, Samsung đang tự bôi xấu hình ảnh của mình qua những vụ bê bối “dàn xếp” điểm số benchmark, một động thái hoàn toàn không cần thiết so với danh tiếng cũng như tầm ảnh hưởng hiện tại của họ. Samsung chỉ cần tiếp tục kiên định con đường mình đã chọn trong 2 năm qua, họ sẽ không bị bỏ lại. Đó mới là thứ tạo nên bản sắc của một nhà sản xuất. Nên nhớ rằng, người ta sẽ mua điện thoại chạy chip Qualcomm, chứ không mua điện thoại nhãn hiệu Qualcomm!
Đọc thêm: Samsung Galaxy Note 3 dính nghi án "hack" điểm Benchmark 20%