Trong số các hệ điều hành di động hiện nay, Windows Phone là nền tảng đứng thứ 3 về độ phổ biến chỉ sau Android và iOS, nhưng nếu tính đến những con số cụ thể, hệ điều hành do Microsoft phát triển thậm chí còn chưa bằng phần lẽ của 2 nền tảng kể trên.
Theo những số liệu từ IDC thì tính đến cuối năm 2014, các nhà sản xuất điện thoại Android đã xuất xưởng hơn 1,06 tỷ thiết bị, con số này đối với iOS là 178 triệu, còn Windows chỉ vẻn vẹn 35 triệu (chiếm 2,7% thị phần), đứng trên một vài hệ điều hành như BlackBerry 10 hay Firefox OS,…
Thậm chí theo dự đoán từ các hãng nghiên cứu thị trường, thị phần của các thiết bị Windows Phone có thể sẽ tăng trường gấp đôi sau 3 năm nữa, lên 5,6% vào năm 2018. Nhưng điều đáng nói là con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với iOS chứ chưa thể sánh với Android.
Sau việc mua lại mảng Thiết bị và Dịch vụ của Nokia để tập trung phát triển cả phần cứng, màn giới thiệu Windows 10 cho smartphone vừa qua được coi là nỗ lực tiếp theo của gã khổng lồ đến từ Redmond nhằm tạo ra một hệ thống sản phẩm mạnh mẽ, qua đó lấy lại vị thế ở thị trường di động, nơi mà Apple và Google đang cùng nhau thống trị.
Đó là những biểu hiện đáng mừng cho Microsoft, nhưng bên cạnh đó vẫn còn hàng loạt lý do khiến người ta lo ngại về sức cạnh tranh của các sản phẩm chạy hệ điều hành Windows 10.
Nếu xét một cách tổng quát, có thể thấy các hệ điều hành hiện nay không còn nhiều điểm khác biệt như trước đây nữa. Đó là kết quả của quá trình tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, học tập những điểm hay của đối thủ để áp dụng lên sản phẩm của mình. Chẳng hạn như iOS và Windows Phone “học” Android ở thanh thông báo và các shortcut tắt mở Wifi, Bluetooth, trong khi đó Microsoft lại là người mở ra xu thế “thiết kế phẳng” để Google và Apple hiện nay đi theo.
Nói vậy để thấy, sức hút của các OS trong thời gian tới sẽ đến từ những điều nhỏ bé nhưng có thể mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, chứ không hẳn là phát triển lên những tính năng, những cải tiến lớn lao nhưng lại chưa thực hữu ích.
Và đó cũng chính là những điểm bất lợi Windows Phone (sắp tới là Windows 10) so với iOS và Android.
Ngay từ giao diện hệ điều hành, Microsoft đã “mạnh dạn” đi theo một hướng riêng khác hẳn phần còn lại của thị trường. Những ô gạch màu mè (Live Tile) từng là một đặc trưng hấp dẫn của những chiếc máy Lumia hay HTC, thế nhưng chúng cũng chính là cản trở bởi không cho phép người dùng thoả mái đặt hình nền theo mong muốn.
Kho ứng dụng là điểm mà Microsoft cũng tỏ ra yếu kém hơn so với 2 đối thủ. Windows Phone Store hiện có khoảng gần 400.000 ứng dụng, trong khi đó còn số này ở iOS đã là 1,7 triệu, Android cũng ở mức tương tự. Người yêu mến Windows Phone cũng như các nhà phát hành thường cho rằng như vậy là đã đủ cho nhu cầu cơ bản, những phần mềm mà người dùng iOS và Android hay sử dụng thì Windows Phone cũng có, thậm chí là làm tốt hơn. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng kho ứng dụng của Windows còn khá thiếu thốn, những phần mềm được nhiều người yêu thích như Instagram, Photoshop Express,… mới chỉ được đưa lên trong thời gian chưa lâu, mạng xã hội Facebook mà hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng vẫn chưa có được trải nghiệm tốt nhất ở nền tảng này.
Thị phần của Windows Phone phần lớn đến từ các sản phẩm giá rẻ.
Ngoài ra, cũng không khó để bắt gặp những phàn nàn của người dùng về hệ điều hành Windows Phone hiện nay, giao diện lạ mắt, đơn điệu, ít ứng dụng hay và có phần khó khăn khi sử dụng. Windows Phone đạt được 2,7% thị phần kể trên có lẽ phần lớn đến từ yếu tố giá rẻ, minh chứng là việc Lumia 520 chính là sản phẩm có lượng bán ra chiếm hơn 50% số điện thoại chạy Windows Phone trên thị trường.
Đó là những hạn chế, còn về điểm mạnh của Windows 10 thì sao?
Trong sự kiện ngày 21/1 vừa qua, Microsoft không dành nhiều thời gian để nói về hệ điều hành Windows 10 cho smartphone. Nhưng có 2 điểm mạnh dễ nhận thấy và được nhiều người quan tâm ở sản phẩm phần mềm này, một là Camera nhiều tuỳ chỉnh vốn xuất hiện từ hệ điều hành Windows Phone 8 trên những chiếc Lumia, và hai và sự đồng nhất môi trường giữa smartphone, tablet và PC. Cortana, Spartan hay nhiều yếu tố khác dẫu có hay, nhưng không hẳn đã vượt trội so với những Chrome, Opera, Siri hay Google Now,...
Camera có thể tuỳ chỉnh là một “đặc sản” trên những chiếc Lumia hiện nay, giúp cho những người yêu thích chụp ảnh điện thoại có thể thoả mái sáng tác khi tuỳ chỉnh các thông số như ISO, tốc độ chụp, căn bằng trắng,… Tuy nhiên với nhu cầu chụp ảnh nhanh để chia sẻ trên mạng xã hội, những chiếc máy này lại tỏ ra có phần yếu thế nếu so với iPhone hay những thiết bị Android khác bởi chế độ Auto vẫn chưa thực sự tối ưu, chưa kể đến việc các hãng khác cũng đã dần đầu tư cho trải nghiệm camera, nhiều điện thoại Android hiện nay cũng đã có thể chụp ảnh phơi sáng.
Ở yếu tố thứ hai, đó là tận dụng sự đồng nhất giữa các thiết bị từ PC đến smartphone. Đây là xu thế cần thiết, nhất là trong kỷ nguyên Internet of Things hiện nay, nó giúp thu hẹp khoảng cách giữa các loại hình thiết bị và chúng ta hoàn toàn có thể làm việc khi di chuyển chỉ với một chiếc smartphone chạy Windows 10.
Thế nhưng hệ sinh thái này sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ với hệ sinh thái Mac OS + iOS đang rất tốt của Apple, hay Android thì đã hợp nhất phiên bản trên máy tính bảng và smartphone từ 2 năm trước.
Ngay cả thị phần máy tính chạy Windows cũng đang suy giảm.
Chưa kể đến việc, xương sống của hệ sinh thái này chính là những người dùng hệ điều hành Windows. Nhưng “xương sống” này lại có xu hướng suy giảm trong những năm gần đây. Thị phần hệ điều hành cũ kỹ Windows XP vẫn chiếm phần lớn trong số những người dùng hệ điều hành của Microsoft, trong khi đó Mac OS của Apple lại đang có xu hướng vươn lên.
Tạm kết
Windows 10 với những điểm cải tiến của mình có thể sẽ thành công trong mong đợi của Microsoft, nhưng chắc chắn là chưa thể nâng tầm của nhà cung cấp hệ điều hành này.
Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ từ những hãng khác, đặc biệt là các thương hiệu smartphone chạy Android giá rẻ của Trung Quốc đang dần lên ngôi, Microsoft sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa với Windows Phone, hay sắp tới là Windows 10. Tận dụng những lợi thế sẵn có từ mảng Game Xbox hay các thiết bị thực tế ảo mới phát triển gần đây, và học tập từ chính đối thủ.
Nếu Windows 10 không thành công, có lẽ tương lai của Microsoft và CEO đương nhiệm Satya Nadella sẽ là một dấu hỏi lớn.