Nói đến cái tên Phạm Nhật Vượng, nhiều người nghĩ ngay đến Vingroup, một tập đoàn lớn và rất thành công ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, giáo dục, du lịch... Có một điều đặc biệt là dù khá kín tiếng nhưng người đứng đầu Vingroup còn lấn sân sang cả mảng bóng đá.
Năm 2018, bảng thống kê của trang Goal về những ông chủ người châu Á giàu có nhất đang đầu tư vào bóng đá được công bố, ông Phạm Nhật Vượng là người Việt Nam duy nhất góp mặt. NHM Việt Nam rất bất ngờ khi không phải là bầu Đức của HAGL hay bầu Hiển của Hà Nội mà lại là ông Vượng.
Thực tế thì tỷ phú Phạm Nhật Vượng là ông chủ của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF. Đây là một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên của tập đoàn Vingroup là Quỹ Thiện Tâm (80%), công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại PFV (10%), công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).
Cái tên PVF đã quá nổi tiếng trong làng bóng đá nước ta khi đào tạo ra hàng loạt ngôi sao trẻ như Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng, Trương Văn Thái Quý... Dù rất thành công trong công tác đào tạo trẻ nhưng Phạm Nhật Vượng lại chọn lối đi khác biệt với các ông bầu khác. Ông không đầu tư vào một CLB cụ thể nào mà quyết định đầu tư phát triển bóng đá trẻ nhiều hơn. Các chuyên gia cho rằng đây là lựa chọn khôn ngoan của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Thời điểm ông đầu tư cho PVF, bóng đá Việt Nam đang trong giai đoạn nóng. Ngày ấy, hàng loạt đại gia, tập đoàn đổ tiền làm bóng đá, xem đây như một cách khẳng định độ giàu có. Những bầu Kiên, bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thắng... đều có cho mình một CLB, chỉ có Phạm Nhật Vượng là vẫn đứng ngoài cuộc đua đó. Ông nhìn vấn đề từ gốc rễ, muốn tạo dựng bền vững chứ không phải “xây nhà từ nóc”.
Và thế là PVF ra đời. Nơi đây được đầu tư trọng điểm và toàn diện cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Mục tiêu của họ là cung cấp cho bóng đá Việt Nam các cầu thủ trẻ nhiệt huyết, có đạo đức, tri thức và trình độ chuyên môn đạt chuẩn thế giới.
Năm 2018, tập đoàn Vingroup của Phạm Nhật Vượng chính là đơn vị tổng tài trợ mua bản quyền cho 2 giải là VCK World Cup và Asiad 2018 khi các đài ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc đàm phán.
Nhiều người cho rằng cách làm bóng đá của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quá dại. Ông quá vô tư khi chỉ đào tạo cầu thủ trẻ mà không có đội bóng chuyên nghiệp. Đã vậy còn làm một cách âm thầm, không rình ràng PR như những người khác để lấy uy tín. Nếu không có bản danh sách của tờ Goal hồi 2018 thì chắc cũng chẳng mấy người biết ông Vượng đang làm bóng đá.
Thực tế, với tiềm lực kinh tế và danh tiếng của mình, ông Vượng thừa sức có thể hợp tác với các CLB lớn trên thế giới để tạo ra liên danh như HAGL từng làm với Arsenal một thời. Nhưng không, ông chọn làm một mô hình đào tạo trẻ mang đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, do chính người Việt Nam quản lý và vận hành, chỉ mượn chuyên gia và giáo trình từ nước ngoài mà thôi. Cách làm lạ này đã cho những “trái ngọt” đầu tiên. Đó chính là thành công của các lứa học viên vừa qua.
Với NHM, đóng góp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào bóng đá dù âm thầm nhưng không hề bé nhỏ. Có thể xem ông cũng là một người đứng sau những thành công của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Nhiều người hy vọng, trong tương lai, bên cạnh những bầu Đức, bầu Hiển sẽ có thêm một bầu Vượng cũng tràn đầy tâm huyết với bóng đá nước nhà.
Thú chơi siêu xe của các ông bầu Việt Nam: Bầu Đức tậu hẳn chuyên cơ
(Techz.vn) – Độ giàu có của các ông bầu Việt Nam là không cần phải bàn cãi. Bên cạnh việc đầu tư cho bóng đá, họ còn không tiếc việc chi tiền vào siêu xe.