Vài ngày trở lại đây, nhiều phương tiện truyền thông nói về sự ra đi Rovi, một cái tên mà khi nhắc qua, có lẽ sẽ chẳng mấy người biết đến. Tuy nhiên, nếu như biết Rovi chẳng qua chỉ là một tên gọi mới của HKPhone, ắt hẳn hầu như ai trong chúng ta đều đã từng nghe nói đến thương hiệu này, dù theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực.
Các nguồn tin đều dẫn đến việc Rovi hay HKPhone sẽ ngừng phân phối các sản phẩm điện thoại di động tại Việt Nam. Thay vào đó, họ sẽ chuyển sang tập trung phát triển mảng xe đạp điện. Sự thay đổi đến từ hoạt động kinh doanh thiếu hiệu quả của thương hiệu này trong suốt một thời gian dài.
Cái kết của Rovi đã được đoán định từ trước. Tuy nhiên, việc ra đi bất ngờ của thương hiệu này lại không khỏi khiến nhiều người cảm thấy bàng hoàng, đặc biệt là khi Rovi chỉ vừa mới được chuyển đổi tên gọi từ thương hiệu cũ HKPhone vốn đã quá quen thuộc.
Sự ra đi của Rovi hay HKPhone cũng tạo ra những tác động không nhỏ đến tâm lý người dùng các sản phẩm điện thoại Việt Nam. Điều này lại càng quan trọng hơn khi mà thị trường chỉ còn sót lại một vài tên tuổi hiếm hoi do người Việt làm chủ.
Còn nhớ, giai đoạn 2009 – 2010 là thời kỳ đỉnh cao của những thương hiệu điện thoại trong nước. Khoảng thời gian này đánh dấu sự nổi lên của những tên tuổi như Q-Mobile từ Viễn thông An Bình (ABTel), Hi-mobile của HIPT hay Bluefone của CMC... Đó là còn chưa kể đến các mẫu điện thoại của FPT và một số nhà mạng trong nước.
Đây đều là những thương hiệu với các sản phẩm hướng đến đối tượng người dùng ở phân khúc tầm trung và giá rẻ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, những doanh nghiệp này đã lần lượt rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”.
BPhone là một trong những sản phẩm điện thoại Việt hiếm hoi được đánh giá là thành công tính cho đến thời điểm hiện tại. (Ảnh: Trần Hiệp)
Sẽ là một sự bất ngờ khi gợi lại cho người dùng về những cái tên quen thuộc như Mobell, Cayon hay K-Touch. Chúng đều là những mẫu điện thoại từng có chỗ đứng nhất định tại thị trường di động Việt Nam. Thế nhưng, chúng đã âm thầm rút lui khỏi thị trường từ lúc nào mà chẳng ai hay biết. Sự biến mất dần của các thương hiệu điện thoại Việt nhiều đến nỗi, có người đã dần liên tưởng đến ngày tàn của dòng điện thoại này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao số phận của những chiếc điện thoại Việt lại hẩm hiu đến như vậy? Phải chăng điều đó cho thấy sự quay đầu với thương hiệu Việt hay tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng?
Có lẽ mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn khi ta cùng hiểu rõ về cách làm của những doanh nghiệp như Rovi. Về bản chất, doanh nghiệp này hoạt động theo hình thức OEM, tức là Rovi sẽ nhập hàng được sản xuất và lắp ráp sẵn từ các đơn vị khác, sau đó sản phẩm sẽ được dán nhãn của Rovi hay HKPhone và được đem tiêu thụ với danh nghĩa thương hiệu này.
Chính vì xuất xứ khá nhạy cảm của mình nên Rovi luôn “chữa cháy” bằng việc khẳng định sản phẩm của họ là những mặt hàng “thương hiệu Việt”.
Ảnh chụp tại lễ bàn giao thương hiệu HKPhone từ một doanh nghiệp Trung Quốc về tay tập đoàn Linh Trung Tín vào năm 2013. Kể từ thời điểm này, những chiếc điện thoại HKPhone mà sau là Rovi được gắn mác thương hiệu Việt. (Ảnh: HKPhone)
Điều này là không sai khi đơn vị sở hữu Rovi hay tập đoàn Linh Trung Tín là một doanh nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ như Rovi và các nhà sản xuất khác cố tình đánh tráo khái niệm và khiến người dùng lầm tưởng về việc những chiếc điện thoại của họ là một sản phẩm Made in Việt Nam đích thực.
Đây cũng chính là điểm khiến nhiều người cảm thấy “dị ứng” về những sản phẩm “thương hiệu Việt” được quảng cáo trên thị trường. Và cách làm thương hiệu dạng này khiến không ít doanh nghiệp tự đi vào cửa tử.
Ở một thị trường mà người tiêu dùng ngày càng tỏ ra hiểu biết và thông minh hơn như tại Việt Nam, nguồn gốc đa phần xuất xứ từ Trung Quốc của những chiếc điện thoại “thương hiệu Việt” cũng khiến chúng trở nên khó sống.
Sự thất bại của nhiều doanh nghiệp điện thoại Việt Nam còn đến từ sức cạnh tranh quá lớn của thị trường di động. Ở thời điểm cách đây vài năm, khi mà những chiếc smartphone chỉ vừa mới xuất hiện tại thị trường trong nước, với mức giá rẻ và các chiến dịch truyền thông liên tục, các doanh nghiệp điện thoại nội vẫn có những chỗ đứng nhất định dù không thực sự đáng kể.
Tuy nhiên, việc thị trường rơi vào trạng thái bão hòa dẫn đến việc các doanh nghiệp lớn có sự đầu tư hơn để “vơ bèo vạt tép” ở tất cả các phân khúc giá trên thị trường. Bên cạnh đó, với việc ngày càng có nhiều nguồn hàng đa dạng hơn, từ sự xuất hiện của những chiếc điện thoại bản khóa mạng hay những chiếc smartphone hàng refurbished với giá cả vô cùng cạnh tranh, những chiếc điện thoại Việt đã dần mất đi chỗ đứng. Đấy là còn chưa kể đến sự nổi lên của những mẫu điện thoại xách tay và các thương hiệu smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Thống kê về doanh số điện thoại được bán ra tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2014. Trong phần biểu đồ chỉ thấy một thương hiệu điện thoại Việt duy nhất là Q-Mobile với 4,2%. (Số liệu GfK)
Ở một thị trường mà người tiêu dùng ngày càng tỏ ra hiểu biết và thông minh hơn như tại Việt Nam, nguồn gốc đa phần xuất xứ từ Trung Quốc của những chiếc điện thoại “thương hiệu Việt” cũng khiến chúng trở nên khó sống.
Điều này rõ ràng là có cơ sở khi người ta ngày càng tỏ ra hoài nghi hơn về nguồn gốc của những chiếc điện thoại Việt. Ngay đến cả một sản phẩm có sự minh bạch và “chống lưng” khá tốt như Bphone còn tỏ ra lao đao trước những phản ứng mạnh mẽ từ phía thị trường.
Bên cạnh đó, các vấn đề ngoài công nghệ khác như thực phẩm bẩn, đồ giả hay thậm chí là những xung đột lợi ích về chủ quyền lãnh thổ khiến người Việt ngày càng có tư tưởng bảo thủ hơn, đặc biệt là với những chiếc điện thoại có xuất xứ đến từ bên kia biên giới.
Tất cả những yếu tố đó đã góp phần đẩy đầu ra của những chiếc điện thoại “thương hiệu Việt” dần đi vào ngõ cụt. Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy có chút gì đó tiếc nuối cho Mobell hay phần nào đấy là Rovi, thế nhưng nếu không sớm thay đổi, những doanh nghiệp điện thoại Việt hiếm hoi còn lại như Q-Mobile hay Mobiistar rồi cũng sẽ rơi vào quên lãng.