Truyền thông Nga dẫn lời Giám đốc phụ trách Kinh tế - Đối ngoại thuộc Viện Thiết kế Cơ khí Chính xác Nudelman (hay gọi là KB Tochmash), ông Ignatov cho biết, 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 Project 11661E tiếp theo xuất khẩu cho Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ được trang bị hệ thống pháo – tên lửa phòng không Palma.
"Hai hệ thống phòng không trên hạm Palma đã được lắp đặt trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên của Hải quân Việt Nam sẽ tiếp tục được chuyển giao để lắp đặt trên 2 con tàu mới", ông Ignatov nói.
Hệ thống phòng không Palma được bố trí ở ngay sau tháp pháo AK-176, trước mặt đài chỉ huy tàu hộ vệ Gepard 3.9.
Ngoài Việt Nam, hiện tàu hộ vệ Gepard Project 11661K mang tên Dagestan (Hải quân Nga) cũng được trang bị hệ thống Palma nhưng được bố trí ở phía đuôi tàu để nhường chỗ cho hệ thống phóng thẳng đứng tên lửa hành trình Kaliber NKE.
Cũng theo ông Ignatov, trong khuôn khổ triển lãm DSA 2014 tại Malaysia, nhiều nước ở Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm tới hệ thống Palma.
Hệ thống pháo - tên lửa phòng không Palma được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên không (gồm máy bay, trực thăng, bom hàng không, tên lửa hành trình chống tàu), mục tiêu trên biển (tàu cỡ nhỏ) và thậm chí là cả mục tiêu đất liền. Nó có thể tham chiến cùng lúc với 6 mục tiêu ở cự ly 200m đến 8.000m, độ cao tối đa 3.500m, thời gian phản ứng (chiến đấu) chỉ trong 3-5 giây.
Quá trình thử nghiệm phóng tên lửa dẫn đường Laser Sosna - R
Vũ khí trang bị cho hệ thống gồm: 2 pháo 6 nòng cỡ 30mm AO-18KD/6K30GSh đạt tầm bắn 200-4000m, độ cao 3.000m, tốc độ bắn đạt tới 10.000 phát/phút (2 khẩu); 8 tên lửa hải đối không tốc độ siêu âm dẫn đường bằng laze Sosna-R (đạt tầm bắn 1.300-8.000m, độ cao diệt mục tiêu 2-3.500m).
Hệ thống điều khiển hỏa lực của Palma gồm: camera hồng ngoại, đo xa laze, hệ thống dẫn đường laze cho tên lửa và đài radar bám bắt mục tiêu 3Ts-99.
Đọc thêm: Toàn cảnh vụ người TQ xả súng dữ dội vào lính biên phòng ở Quảng Ninh
Theo: Kiến thức