Top 6 vụ ăn cắp công nghệ tại Mỹ có 'bàn tay' Trung Quốc: Số 4 làm thay đổi thế giới
1. Kỹ sư phần mềm Trung Quốc ăn cắp công nghệ đầu máy
Diêu Húc Đông (William Yao) 57 tuổi, là một kỹ sư công nghệ sinh ra ở Trung Quốc và sau đó nhập quốc tịch Hoa Kỳ. Ông ta đã bị FBI ra lệnh bắt giữ liên bang sau khi cáo buộc ông này đánh cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và chuyển về Trung Quốc.
Theo đó, Diêu Húc Đông trong thời gian làm kỹ sư cho một công ty sản xuất đầu máy xe lửa ở Chicago vào năm 2014 đã bí mật tải xuống 3.000 tập tin điện tử có chứa thông tin bằng sáng chế và bí mật thương mại, trong đó bao gồm 9 bản sao hoàn chỉnh mã nguồn phần mềm hệ thống kiểm soát được thiết kế để vận hành đầu máy của công ty này theo chiều sâu.
Tuy nhiên, mãi đến 2017, công ty đầu máy của Mỹ mới phát hiện ra và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Ngay sau khi phát hiện vụ việc và điều tra, FBI đã ban hành lệnh bắt giữ liên bang với Diêu Húc Đông. Nhưng mãi đến ngày 10/7 vừa qua, bản cáo trạng mới được công bố.
Diêu bị buộc 9 tội trộm cắp bí mật thương mại. Nếu bị bắt và kết án, kỹ sư phần mềm này đối mặt với án 10 năm tù giam. Tuy nhiện hiện tại Diêu Húc Đông đang sinh sống và làm việc tại một doanh nghiệp chuyên về viễn thông và ô tô ở Trung Quốc.
2. 10 điệp viên Trung Quốc ăn cắp bí mật công nghệ hàng không
Năm 2018., bộ Tư pháp Mỹ truy tố một nhóm điệp viên Trung Quốc cố tình ăn cắp công nghệ hàng không từ các công ty Mỹ tại thành phố Tô Châu.
Theo đó, 10 người trong đó có các đặc vụ của Bộ An ninh Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô đã tìm cách hack vào hệ thống máy tính của một công ty Mỹ và một công ty Pháp có văn phòng tại thành phố Tô Châu.
Thậm chí nhóm này còn cài đặt nhiều chuỗi phần mềm độc hại để chuyển dữ liệu, sử dụng website của các công ty để hack dữ liệu người dùng, và tìm cách thâm nhập qua công ty đăng ký tên miền.
Những người này được cho là nhắm đến loại động cơ phản lực cánh quạt sản xuất bởi liên doanh của một công ty Pháp có văn phòng tại Tô Châu và một công ty Mỹ. Công nghệ này được cho là sẽ được chuyển giao cho các công ty của Trung Quốc để có thể sản xuất một động cơ tương tự mà không phải bỏ tiền và thời gian nghiên cứu.
3. Kỹ sư Mỹ gốc Hoa đánh cắp công nghệ mật cho Trung Quốc
Năm 2018, bộ Tư pháp Mỹ đã bắt giữ một kỹ sư người Mỹ gốc Hoa vì tội tội đánh cắp dữ liệu công nghệ turbin của tập đoàn công nghiệp Mỹ General Electric, đưa tài liệu sang Trung Quốc bằng cách giấu vào các tệp ảnh kỹ thuật số.
Theo đó, Xiaoqing Zheng, 55 tuổi, công dân Mỹ nhưng có quốc tịch Trung Quốc đã bí mật ăn cắp các bí mật công nghiệp của GE từ năm 2014, chuyển về Trung Quốc hàng nghìn tài liệu quý giá. Tập đoàn Mỹ bắt đầu giám sát Zheng sau khi kỹ sư này bị phát hiện chuyển nhiều hồ sơ về công nghệ turbin đến tài khoản email cá nhân.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) còn phát hiện Zheng làm việc cho nhiều công ty Trung Quốc hoạt động trong cùng lĩnh vực công nghệ với GE Power, công ty con của GE chuyên sản xuất và mua bán công nghệ máy phát điện.
Khi FBI bắt giữ và khám nhà, họ đã phát hiện một sổ tay về hoạt động gián điệp cho Trung Quốc. Quyển sổ trình bày chi tiết những quyền lợi mà Bắc Kinh hứa tưởng thưởng cho những ai mang công nghệ về nước.
Zheng bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại bán cho nước ngoài, mức án dành cho Zheng là 10 năm tù cùng khoản tiền phạt 250.000 USD. Sau khi ra tù sẽ bị quản thúc không giam giữ 3 năm.
4. Huawei ăn cắp hàng loạt công nghệ của Mỹ
Đầu năm 2019, Huawei vướng phải nghi án Huawei ăn cắp công nghệ kính phủ kim cương của công ty Mỹ. Miraj Diamond Glass – tên chính thức của sản phẩm này, có khả năng chịu lực cao hơn 6 lần và chống xước tốt hơn 10 lần so với Gorilla Glass.
Năm 2016 khi Huawei muốn sao chép công nghệ liên quan đến phần bản lề của những chiếc MacBook Pro. Cụ thể, Huawei đã phát triển khớp nối cho MateBook Pro giống như MacBook Pro 2016, cho phép bản lề của máy tính mỏng hơn trong khi màn hình vẫn gắn với bảng mạch. Huawei được cho là đã tiếp cận nhiều nhà cung ứng và đưa cho họ các biểu đồ như của Apple nhưng phần lớn đều nhận ra linh kiện và từ chối sản xuất cho Huawei.
Vào năm 2014, T-Mobile đã kiện Huawei, cáo buộc công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ liên quan đến Tappy. Đây là một cánh tay robot có nhiệm vụ thực hiện các bài kiểm tra chất lượng QC (Quality Control).
Thậm chí một nhân viên khác của Huawei sau đó đã lén tháo rời các bộ phân của robot và bỏ vào trong túi sách. Huawei sau đó đã thừa nhận rằng robot của họ không tốt bằng T-Mobile. Đây là lý do dẫn đến hành vi trộm cắp công nghệ.
Chính những vụ ăn cắp công nghệ liên tục này của Huawei là một phần lý do đã khiến Mỹ phải liệt công ty này vào những mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia, qua đó ban lệnh cấm hợp tác công nghệ giữa các công ty của Mỹ và Huawei.
5. Kỹ sư Trung Quốc đánh cắp chip bán dẫn sử dụng trong quân sự
Yi-Chi Shih, 64 tuổi, một kỹ sư điện sống tại Los Angeles (Mỹ), đã bị Bộ tư Pháp Mỹ kết tội đánh cắp công nghệ chip bán dẫn sử dụng trong các hệ thống quân sự của Mỹ để chuyển về Trung Quốc.
Ông này cùng với đồng phạm là Kiet Ahn Mai đánh cắp sản phẩm và chuyển chúng cho Công ty Công nghệ GaStone Thành Đô (CGTC) - một doanh nghiệp chuyên sản xuất sản xuất linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp vi sóng nguyên khối.
Công nghệ chip bán dẫn bị đánh cắp được sử dụng trong tên lửa, hệ thống dẫn đường tên lửa, máy bay chiến đấu, ứng dụng radar và "chiến tranh điện tử".
Hầu hết các chip này được sử dụng trong cả không quân, hải quân và các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc. Shih có thể đối mặt với án tù lên tới 219 năm. Mai, đồng phạm của người này, cũng bị 10 năm tù.
6. Kỹ sư Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Apple cho Trung Quốc
Jizhong Chen và Xiaolang Zhang là 2 kỹ sư của Apple đã bị Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) kết tội đánh cắp bí mật công nghệ của Apple liên quan đễn xe tự hành. 2 kỹ sư này đã cố gắng chuyển 100 bức ảnh được chụp bên trong tòa nhà phát triển dự án xe tự lái và hơn 2.000 tệp tin chứa tài liệu bí mật và độc quyền của Apple, trong đó có hướng dẫn sử dụng, sơ đồ và biểu đồ cho hãng Xmotors tại Trung Quốc.
Chen bị bắt một ngày trước khi dự định bay về quê với lý do thăm cha bị ốm. Cheng và Zhang phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm và mức phạt tối đa 250.000 USD.
Trong những năm gần đây, tòa án Mỹ đã truy tố nhiều vụ việc đánh cắp sở hữu trí tuệ, và hầu hết đều liên quan đến Trung Quốc. Ông Adam Hickey, Phó Trợ lý Tổng chưởng lý Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, đã từng nói rằng kế hoạch “Made in China 2025” thực chất chính là một “lộ trình cho hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ” .
Kể từ năm 2011, hơn 90% các cáo buộc gián điệp kinh tế của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đều có liên quan đến Trung Quốc. Gần đây, hơn 2/3 các vụ trộm cắp bí mật thương mại liên bang hầu như đều bắt nguồn từ Trung Quốc.