Nhịp sống số

Thu phí tải nhạc trên Internet: Công bằng hay hợp thức hóa vi phạm?

Thu phí tải nhạc trên Internet: Công bằng hay hợp thức hóa vi phạm?

Vẫn còn những nghi ngờ.


Việc thu phí tải nhạc trên Internet sắp áp dụng tới đây (1-11) nhận được sự đồng tình của nhiều người làm âm nhạc. Lần đầu tiên người nghe phải ý thức về việc sẽ phải trả tiền “mua” sản phẩm âm nhạc trên mạng Internet - thứ mà trước đây họ được “xài chùa”. Và cũng là lần đầu tiên những người làm ra sản phẩm âm nhạc sẽ được hưởng lợi từ những sản phẩm phát hành trên mạng. Tuy nhiên, sắp đến ngày việc thu phí được áp dụng, vẫn còn những nghi ngờ về việc quy định liệu có đạt được sự đồng thuận về lợi ích giữa các bên liên quan.

Băng đĩa “chết” vì Internet

Những năm trở lại đây, ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam đang bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng tải nhạc miễn phí trên Internet và di động. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết trong 5 năm gần đây, sản lượng băng đĩa của Hiệp hội này sụt hơn 80%, nhiều hãng bị “bóp chết” vì  cứ sản xuất album mới là nắm chắc phần… thua lỗ.

Tương tự, việc tràn lan các ca khúc mới phát hành trên mạng cũng khiến ca sĩ “dở khóc, dở mếu”. Tùng Dương cho biết, vừa họp báo ra mắt album Li ti của anh (được thực hiện tại Đức) ngày hôm trước thì ngay hôm sau những ca khúc trong album đã chễm chệ trên nhiều trang mạng mà không một lời xin phép, chứ chưa nói đến việc trả tiền tác quyền. Trong khi đó, để ra mắt được một album ca sĩ đã phải trả tiền tác quyền không những cho các nhạc sĩ sáng tác mà còn cả nhạc sĩ phối khí, nhạc công... Trong khi các trang mạng thì coi đây là “món mồi béo bở” để khai thác. Do vậy, động thái quyết liệt thu phí tải nhạc trên Internet được cho là sẽ phần nào lấy lại công bằng cho những người làm nhạc.

Cụ thể, 15 website nghe nhạc lớn như Zing, Nhaccuatui, Nhac.vui.vn, Socbay.com, Nghenhac.info… sẽ đồng loạt thu phí tải nhạc thử nghiệm trên 100 album với mức 1.000 đồng/bài hát, hoặc thu theo thuê bao hàng tháng (nghe nhạc trực tuyến vẫn được miễn phí).
 
Doanh thu thu về sẽ chi 45% cho các đơn vị phân phối (website, dịch vụ), còn lại là cho đơn vị cung cấp nội dung (ca sĩ, nhạc sĩ, hãng ghi âm…). Với các ca khúc mới, công thức phân chia là 40%-60%. Các file ca khúc được thu phí tải về là những file do RIAV thực hiện và cung cấp. Các file ca khúc không do RIAV cung cấp không nằm trong phạm vi thu phí này.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2012 Việt Nam có khoảng 25 triệu người nghe nhạc trên web, 6 triệu người nghe nhạc trên điện thoại. Và với những con số này, ông Phùng Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty MVCorp - đơn vị trung gian trực tiếp thực hiện việc cung cấp kho nhạc từ RIAV tới các trang web tỏ ra lạc quan cho rằng với mức thu phí 1.000 đồng/bài hát, thì ngành công nghiệp nhạc số sẽ thu về hàng chục tỷ đồng. Con số này được nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và các đơn vị kinh doanh âm nhạc kỳ vọng.

Chờ đợi một sân chơi công bằng

Tại tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi ca sĩ, nhạc sĩ trên các lĩnh vực sử dụng âm nhạc, đặc biệt là trên lĩnh vực Internet, biểu diễn và những triển vọng trong lương lai” do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức mới đây, hầu hết các nhạc sĩ tham dự chung một bức xúc trước thực trạng họ luôn phải chịu phần thiệt thòi trong việc “ăn chia” tiền tác quyền, thậm chí là không nhận được gì.
 
Dù VCPMC đã được thành lập, nhưng trong số hàng nghìn chương trình được cấp phép biểu diễn thời gian gần đây, số chương trình họ thu được tiền là không nhiều. Vì vậy, hẳn có lý do để họ “lăn tăn” về việc họ sẽ được hưởng lợi công bằng hay không khi việc thu phí tải nhạc trên Internet được áp dụng.
 
Nhạc sĩ Quốc Trung thẳng thắn cho rằng việc thu phí tải nhạc trên Internet thực ra là một “sự thỏa hiệp mập mờ trong việc hợp thức hóa hành động sai trái nhiều năm qua của những trang web nghe nhạc. Người ta cần làm rõ trắng đen, đúng sai trong việc kinh doanh đó. Nếu sai thì tất cả các trang web phải đóng cửa rồi ngồi lại để bàn việc kinh doanh trong tương lai chứ không phải coi việc thu tiền như là ban ơn cho những nhà sản xuất với tâm lý là thu được chút nào hay chút đó còn hơn mất không.
 
Hơn nữa chỉ có một vài trang thu tiền thế còn những trang khác thì sao? Những trang thu tiền sẽ thu được đồng nào hay không khi mà vẫn đầy rẫy những trang cho miễn phí? Thu tiền cho những sản phẩm nào, của ai? Nếu có ai không đồng ý thì có đảm bảo là nhạc của họ không có trên đó không? Nếu không rõ ràng những việc đó thì lại vẫn như xưa, chẳng có gì thay đổi cả. Có chăng là những kẻ cướp đã trở thành ông chủ đàng hoàng thôi”.
 
Không ít nhạc sĩ cũng cho rằng việc thu phí “nửa vời” kiểu nghe miễn phí, chỉ thu phí tải nhạc chỉ là hình thức hợp thức hóa cho những trang nghe nhạc mà thôi. Bởi vì nếu vậy, người nghe thích thì cứ lên mạng mà nghe, chứ tải về làm gì, vừa mất tiền, vừa nhọc công. Nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng, đây là việc làm ngây ngô, trên thế giới chẳng ai làm thế.


Theo Linh Nhật

 An ninh thủ đô