Giờ đây, nhìn sản phẩm của Apple, người ta còn phải “đoán” xem đó là phiên bản nào!
Trước khi đi vào bài viết, người viết muốn đưa ra cho bạn đọc một câu hỏi: bạn có thể phân biệt bằng cách nhìn từ xa một chiếc iPad không? Hay bạn sẽ phải hỏi người sở hữu, đây là phiên bản nào? Tương tự, bạn có phân biệt được iPhone 4 hay iPhone 4S? (Đó là còn chưa kể đến "cặp đôi hoàn hảo" iPhone 5 và 5S).
Bạn có tin tưởng rằng nhìn qua mà phân biệt được 2 chiếc máy này?
Hay những chiếc máy này?
Trước đây, khi nhắc tới Apple là người ta sẽ nghĩ ngay đến một công ty với sức sáng tạo vô hạn, đột phá trong từng mẫu thiết kế sản phẩm. Thật đáng tiếc, những sự sáng tạo của họ gần đây dần đi vào “lối mòn” và chẳng còn mang vị thế của một kẻ dám thách thức cả thế giới vì sự dẫn đầu, sự duy nhất của mình. Có vẻ như, mất Steve Jobs, không còn bậc “phù thủy” nào đủ cao tay để thổi cái hồn, cái thách thức mọi chuẩn mực vào sản phẩm của Trái táo cắn dở nữa.
Apple đang nhớ Steve Jobs
Hẳn Apple không muốn điều này thành sự thật
Nhiều nhân vật tiếng tăm từng làm việc cho Apple đã lên tiếng về sự “suy tàn” về mặt danh tiếng của Apple. Cựu giám đốc của Apple, Larry Ellison – hiện đang là CEO của Oracle – nói thẳng ra rằng Apple sẽ thất bại khi không còn Steve Jobs. Trong khi Steve Wozniak – đồng sáng lập Apple – lại chọn cách “bóng gió” hơn khi bày tỏ niềm thích thú với sự mới mẻ của Android và dự đoán hệ điều hành này sẽ sớm “đè bẹo” iOS. Và gần đây nhất là nhà thiết kế Hartmut Esslinger – người đã cùng Jobs thiết kế ra chiếc máy tính Mac đầu tiên – cũng cho rằng Apple không còn là một công ty đi đầu về sáng tạo và đột phá nữa.
Hết Larry Ellison, cựu giám đốc..
Rồi Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập, mất kiên nhẫn với những thiết kế của Apple
Trở về “thời xưa”, Hartmut Esslinger làm việc tại công ty thiết kế Frogdesign. Công ty này đã từng là nhà thiết kế hình ảnh toàn cầu cho các sản phẩm của Sony cho đến khi Apple kí một thỏa thuận độc quyền trị giá 1 triệu USD vào năm 1982. Kể từ đó, Esslinger đã cùng Steve Jobs “định nghĩa” một ngôn ngữ thiết riêng, hoàn toàn mới lạ cho các dòng máy tính Mac trong khoảng một thập kỉ, thời kỳ mà máy Mac có thể cạnh tranh “sòng phẳng” với những chiếc PC của “một lô” các nhà sản xuất khác (rất giống cuộc chiến iPhone vs Android bây giờ).
Hartmut Esslinger, người tạo ra rất nhiều thiết kế đột phá cho Apple
Vào thập niên 80, ngôn ngữ thiết kế Snow White do Esslinger sáng tạo đã giúp những sản phẩm của Apple trở nên thu hút, khác biệt và hoàn toàn mới lạ so với những sản phẩm công nghệ thời đó. Điển hình như chiếc Apple Snow White 3 hay còn gọi là Macphone được ra đời năm 1984 là sự kết hợp giữa điện thoại bàn, màn hình cảm ứng cùng bút cảm ứng stylus. Hay như chiếc Apple Snow White 1 ra mắt năm 1982 được coi là tiền thân của những tablet iPad ngày nay. Những ý tưởng táo bạo, có phần điên rồ của Esslinger khiến cho những sản phẩm của Apple trở nên đột phá, đặc biệt hơn và cũng là nền tảng cho sự sáng tạo của Apple trong suốt những năm qua.
Apple Snow White 1, tiền thân của những iPad ngày nay
Macphone (Apple Snow White 3), tiền thân của iPhone?
Có thể nói Esslinger là một trong những người đầu tiên và có công đầu trong việc tạo dựng nên thành công ngày nay của Apple. Với những đóng góp cũng như sự hiểu biết về quá trình phát triển của Apple kể từ thuở ban đầu, Esslinger nhận định Apple ngày nay cũng giống như Sony ở những năm 80 của thế kỉ trước, ngủ quên trên thành công và quên mất công việc sáng tạo. Ông cho rằng Apple đã sai lầm, khi đã thay thế sự sáng tạo của Steve Jobs bằng một CEO chỉ biết lo lắng lợi nhuận, lợi nhuận và … thật nhiều lợi nhuận.
Tim Cook là một CEO làm kinh doanh hơn là làm công nghệ
Dẫn chứng cho điều này, Esslinger coi iPhone 5C là ví dụ điển hình cho sự thiếu sáng tạo, đột phá mà mục đích chính chỉ đơn giản là tăng lợi nhuận. Ông cho rằng, chiếc iPhone 5C là sự tụt hậu trong thiết kế của Apple khi sử dụng phần vỏ nhựa rẻ tiền và lòe loẹt, điều không được phép thấy trên những sản phẩm cao cấp, những sản phẩm duy nhất mà Apple chế tạo! Nó là sự sao chép đáng thương việc làm rất thành công của Nokia với dòng sản phẩm Lumia của mình. iPhone 5C như lời thừa nhận sự cạn kiệt ý tưởng trong các thiết kế.
iPhone 5C là một "thảm họa thiết kế"
Cho dù vậy, nếu như là một sản phẩm giá rẻ đúng nghĩa, thì có lẽ iPhone 5C đã chẳng bị chê tơi tả đến thế. Song với cái giá “trên trời” của 5C nhằm mục đích lợi nhuận, khách hàng có thể tìm đến các sản phẩm cao cấp của Samsung hay nhiều thương hiệu khác có cấu hình mạnh mẽ hơn nhiều.
Tất nhiên, Esslinger cũng thừa nhận rằng đổi mới, sáng tạo là điều không phải cứ nói là được. Hơn thế, Apple là một công ty, và điều quan trọng đối với một công ty vẫn là lợi nhuận. Có thể Apple muốn “định nghĩa” lại thế nào là sản phẩm tầm trung, nhưng cho dù vậy thì họ cũng đã đi sau. Ngủ quá lâu trong sự ì ạch, trì trệ và rập khuôn thì rồi cũng đến lúc lợi nhuận bắt đầu đi xuống. Hơn ai hết, Apple là người hiểu rõ nhất điều này, khi những sản phẩm trong thập niên 90, thời kỳ mà họ không có “phù thủy” Steve Jobs trong tay, đã thất bại nặng nề do thiếu sự đổi mới, và công ty chứng kiến nguy cơ sụp đổ nhãn tiền.
Apple, thay đổi hay là chết?
Mặc dù về mặt kinh doanh, Apple vẫn đạt mức tăng trưởng lớn, nhưng những con số đang che giấu cho sự bất lực của Apple. Khách hàng tại trị trường Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, đã công khai chỉ trích chiếc iPhone 5C, chiếc máy “khác” nhất được Apple giới thiệu trong những năm gần đây (lưu ý, “khác” không phải là sáng tạo). Đổi mới giờ chỉ còn là lịch sử, và một chiếc “iPhone” có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu. Người ta bây giờ phải “đoán” tên thiết bị, thay vì “bật” ra ngay được cái tên sản phẩm của Apple.
Đọc thêm: Cạn kiệt sáng tạo, Apple bị "trẻ trâu" Xiaomi vượt mặt?