Tư vấn

Thế nào là một chiếc điện thoại Made in Việt Nam?

Thế nào là một chiếc điện thoại Made in Việt Nam?

Sau sự góp mặt của chiếc điện thoại "Made in Việt nam" đầu tiên có tên gọi Vivas Lotus S1 của VNPT, nhiều mẫu điện thoại được coi là Made in Việt Nam khác đã liên tiếp xuất hiện. Tiêu biểu trong số này là Vivas Lotus S2 và Bphone của Bkav. Tuy vậy, với việc linh kiện của máy được nhập về từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, nhiều người băn khoăn về việc liệu gọi những chiếc điện thoại này là một sản phẩm Made in Việt Nam có hoàn toàn chính xác?

Mỗi người sẽ có một cách lập luận và lý giải khác nhau. Tuy vậy để có thể trả lời chính xác cho câu hỏi này, chúng ta sẽ phải tìm hiểu sâu hơn từ khía cạnh luật pháp.

Theo công ước quốc tế về việc hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hải quan (Công ước Kyoto sửa đổi và bổ sung), xuất xứ hàng hóa được định nghĩa là “quốc gia mà tại đó hàng hóa được chế biến và sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn được áp dụng trong biểu thuế hải quan, giới hạn về số lượng hoặc các biện pháp khác liên quan đến thương mại”.

Về phía Việt Nam, quy định về cách xác định nguồn gốc xuất xứ của một món hàng hóa được ghi khá rõ tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ.

Theo quy định này, khái niệm cơ bản trong xuất xứ hàng hóa được giải thích: “là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Trong các quy tắc về việc quy định xuất xứ, người ta còn chia nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thành 2 dạng khác nhau, bao gồm xuất xứ thuần túy (Wholly Obtained – WO) và xuất xứ không thuần túy (Not Wholly Obtained – Not WO).

Bphone luôn được nhà sản xuất tự hào vì là sản phẩm Made in Việt Nam (Ảnh: Trần Hiệp - Diễn đàn Tinh tế).

Trong số này, hàng hóa có xuất xứ thuần túy (WO) có thể được hiểu đơn giản là mọi hoạt động liên quan đến sản xuất và nguyên vật liệu đều bắt nguồn từ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.

Rõ ràng nhất khi lấy ví dụ về hàng hóa có xuất xứ thuần túy (WO) là ở lĩnh vực nông thủy sản. Các sản vật do quá trình nuôi trồng, đánh bắt… đều sẽ được xếp vào dạng có xuất xứ thuần túy.

Nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm được chia thành 2 dạng khác nhau, bao gồm xuất xứ thuần túy (Wholly – WO) và xuất xứ không thuần túy (Not Wholly – Not WO). Do tính chất đặc thù gồm nhiều loại linh kiện đến từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, điện thoại di động thường được xếp vào dạng hàng có xuất xứ không thuần túy.

Còn với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy (Not WO), loại hàng hóa này được cấu thành từ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu của hai hoặc nhiều nước.

Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy được công nhận có xuất xứ từ một quốc gia, vùng lãnh thổ khi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này.

Đối với pháp luật Việt Nam, hàng hóa được gọi là có xuất xứ không thuần túy khi phần tỷ lệ phần trăm giá trị nguyên liệu nhập khẩu lớn hơn 30% so với tổng giá trị của hàng hóa đó.

Như vậy, với các định nghĩa và mô tả rất rõ ràng kể trên, có thể thấy những chiếc điện thoại di động sản xuất tại Việt Nam được xếp vào loại hàng hóa có xuất xứ không thuần túy. Điều này là do phần nhiều linh kiện hay nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất đều phải nhập khẩu từ các nước bên ngoài.

Và như vậy, với những chiếc điện thoại được sản xuất tại các nhà máy của Samsung, Vivas Lotus S1, Vovas Lotus S2 và mới đây nhất là Bphone, những mẫu máy này được gọi là các sản phẩm Made in Việt Nam là hoàn toàn chính xác.

 

Việt Nam sản xuất 100 triệu điện thoại và 2 triệu chiếc TV trong 6 tháng

(Techz.vn) Bên cạnh hàng triệu chiếc điện thoại và tivi, sản xuất ô tô và xe máy cũng là những ngành có sản lượng lớn với hàng chục nghìn sản phẩm.