Từ ngày hệ thống ống dẫn nước sạch sông Đà đưa vào khai thác sử dụng, đã 4 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống khiến hàng vạn hộ dân Hà Nội khốn đốn vì thiếu nước sạch. Người dân lo lắng không biết "lịch sử” có lặp lại lần thứ 5, khi mà cơ quan quản lý khai thác hệ thống đường ống nước sạch chưa đưa ra được giải pháp nào mang tính lâu dài, mà chỉ đổ lỗi cho khách quan.
Rủ nhau đi mua nước sạch
Chiều 16/12, ống dẫn nước sạch sông Đà tại Đại lộ Thăng Long, đoạn đi qua địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị vỡ. Vậy là suốt trong 3 ngày liên tục, 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Thanh Xuân... khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.
Một người dân phải lấy nước uống để tắm cho con mình. Ảnh: A.Đ - KL
Tại một số địa bàn giáp ranh giữa các khu dân cư dùng nước sạch của Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Viwaco (thuộc Tổng Công ty Vinaconex) "nhộn nhịp” cảnh người dân tay xách, nách mang, lỉnh kỉnh xô, chậu, gồng gánh đi xin nước. Ở những cụm dân cư dùng "toàn tập” nước sạch sông Đà của Viwaco thì người dân chỉ còn cách đi mua từng xô nước sạch, từng bình nước sạch về để nấu ăn và đánh răng rửa mặt, còn tắm thì... tạm hoãn vì nhân thể trời đang rét đậm. "Mấy hôm nay tôi không được tắm vì không có nước, đến cơ quan phát ngượng vì người bốc mùi, đành phải xịt nước hoa át đi. Tắm còn có thể nhịn được, nhưng thiếu nước để ăn, uống, vệ sinh cá nhân thì không tài nào chịu nổi...” – ông Nguyễn Khởi Tạo, 57 tuổi, ở phường Khung Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bức xúc.
Một thầy giáo ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Mất nước đến là khổ! Cả tối qua hầu như không ngủ, sáng dậy mắt lờ đờ nhưng không có nổi 1 giọt nước nào để đánh răng rửa mặt cho tỉnh táo còn lên trường...
Nghĩ đi nghĩ lại chỉ có mấy chai nước uống trong tủ lạnh. Và rồi một cảm giác êm ái đến "tê tái" khi rửa mặt bằng nước mát trong cái thời tiết không thể "mát" hơn..."
Sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 3, xảy ra vào tháng 11/2013
Bà Phạm Thị Luyến, 45 tuổi, ở Khu tập thể Vilexim, 35 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, gia đình bà đã bị mất nước đã 3 ngày nay. Bể dự trữ nước chỉ dùng được trong 1 ngày, 3 ngày rồi lúc thì cả nhà phải ăn dắt díu nhau đi ăn cơm hàng cháo chợ. Theo bà Luyến, đau nhất là do không nhận được thông tin mất nước, trong khi nhà lại lắp đặt hệ thống máy bơm tự động nên đã bị cháy máy bơm, vì máy bơm vẫn chạy mà không có nước.
Nhìn cảnh người dân tay xô, tay chậu đi tắm nhờ, giặt nhờ, đi xin nước, mua nước về sinh hoạt khiến người ta nhớ lại thời bao cấp, muốn có 1-2 thùng nước để dùng thì phải xếp hàng từ 4-5h sáng, thậm chí đặt gạch xếp hàng cả đêm. "Tôi cứ ngỡ ở vùng sâu, vùng xa mới thiếu nước sinh hoạt. Ai ngờ sống giữa Thủ đô mà cũng phải chịu cảnh "ăn lông ở lỗ”, không có nước ăn, uống, vệ sinh tắm giặt...” – bà Luyến than thở.
Khách hàng là... kẻ đi xin?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (thuộc Tổng Công ty Vinaconex) cho biết, sự cố vỡ ống đã được khắc phục xong từ 11h ngày 18/12. Sau khi bơm xả xúc đường ống thì chậm nhất là đến 5h chiều 18/12, những hộ dân sống dọc theo trục Đại lộ Thăng Long sẽ có nước sinh hoạt, còn những địa bàn dân cư xa hơn có thể đến sáng 19/12 mới có nước. Tuy nhiên, tính đến sáng 19/12, vẫn còn nhiều hộ dân trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai... chưa có nước sinh hoạt, nhiều gia đình vẫn phải đi mua nước về đánh răng rửa mặt.
Điều đáng nói là sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà khiến hàng vạn hộ dân khốn đốn nhưng lại không hề nhận được bất cứ sự chia sẻ nào từ phía Công ty kinh doanh nước sạch sông Đà và Tổng Công ty Vinaconex. Chị Hoàng Thị Nga, ở tổ 41 Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội) cho biết, đến chiều 18/12, sau tròn 3 ngày mất nước chị và nhiều người ở tổ 41 không thể chịu đựng được tình cảnh thiếu nước đã phải đến tận trụ sở Công ty Viwaco hỏi cho rõ thông tin bao giờ đơn vị này cấp nước trở lại cho người dân, nhưng cũng không hề nhận được bất cứ thông tin gì từ phía Công ty.
Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất trong vụ mất nước lại là những hộ kinh doanh, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống. Anh Hoàng Hữu Chiến ở Đại Từ, phường Đại Kim (Hà Nội) cho biết, đến ngày thứ 2 mất nước thì anh quyết định cáo lỗi cùng khách hàng sẽ không mở hàng vì không có nước. Anh Chiến ủ rũ: "Tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả nhưng lại phải đóng cửa hàng vì thiếu nước. Nếu cứ mất nước liên tục thế này thì nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ như gia đình tôi sẽ thiệt hại nặng nề. Không được đền bù thì thôi, nhưng chí ít cũng phải có lời xin lỗi từ phía công ty kinh doanh nước sạch. Đằng này từ hôm mất nước, chúng tôi không có bất cứ thông tin gì từ cơ quan này...”.
Tạm thời vỡ thì lại vá
Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Ông Nguyễn Anh Việt khẳng định Viwaco chỉ bán nước nên không có trách nhiệm ngồi bàn với Công ty CP Nước sạch Vinaconex để bàn biện pháp khắc phục. Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn thì cho biết, hiện tại chỉ dừng lại ở việc vỡ thì vá, còn lâu dài là phải lắp thêm đường ống nữa song song với đường ống cũ để không bị gián đoạn trong việc cung cấp nước cho người dân. "Chúng tôi cũng đã tính làm đường ống khác bằng thép chạy song song với đường ống cũ. Tuy nhiên, hiện đang kẹt vốn và quy hoạch...” – ông Tốn cho hay.
Đường ống bị vỡ đang được "vá" lại. Ảnh: A.Đ - K.L
Như vậy là các đơn vị có liên quan đến sự cố vỡ ống dẫn nước sạch sông Đà thuộc Tổng Công ty Vinaconex đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đưa ra được một giải pháp hữu hiệu nào để giải quyết dứt điểm sự cố vỡ ống. Vậy thì việc người dân lo lắng "lịch sử” rất có thể lặp lại lần thứ 5, thứ 6, thứ 7 và thứ n... là hoàn toàn có cơ sở. Trong kinh doanh phải luôn tâm niệm câu "khách hàng là thượng đế”, nhưng xem ra những khách hàng nước sạch của Vinaconex đang sống ở Hà Nội không phải là "thượng đế”, mà là những kẻ đi xin của cơ chế xin – cho thời bao cấp. Vậy thì hàng vạn hộ dân Thủ đô vẫn luôn phải chuẩn bị tâm lý: Làm người rừng giữa Thủ đô...
Mời bạn đọc thêm: Những câu nói đột nhiên nổi tiếng trong giới trẻ năm 2013
Thu Thủy