Điện thoại

Tại sao iPhone và điện thoại Android ngày càng đắt đỏ?

Tại sao iPhone và điện thoại Android ngày càng đắt đỏ?

Chỉ cần nâng dung lượng lưu trữ, giá smartphone sẽ lên theo. Chẳng hạn, iPhone XS bản 512 GB có giá 1.349 USD, cao hơn 35% mốc 1.000 USD.

iPhone XS Max thậm chí còn đắt hơn. Có cảm giác iPhone XS là miếng vàng chứ không phải chiếc điện thoại thông thường.

Vấn đề chưa dừng lại ở đó. Làn sóng iPhone mới khơi mào cho xu hướng tăng giá của các thương hiệu khác như Google, Huawei và OnePlus. Chẳng hạn, giá bán OnePlus 6T đã cao hơn 3,8% so với OnePlus 6 ra mắt cách đây 6 tháng, và cao hơn 37,6% so với model cách đây hai năm.

iPhone XR không "rẻ" như iFan từng nghĩ.

Ngay như iPhone XR, vốn được coi là iPhone “giá rẻ” nhưng giá vẫn cao hơn 7% so với iPhone 8 (ra mắt năm ngoái), và hơn 15% so với iPhone 7. Xu hướng tăng giá còn xuất hiện trên phân khúc sản phẩm khác của Apple như iPad Pro và MacBook Air.

Khi iPhone X phá mốc 1.000 USD năm 2017, khách hàng dần chấp nhận sự thật này và các nhà sản xuất smartphone khác được đà lấn tới.

Tất nhiên, giá cao cũng đồng nghĩa với tính năng và chất lượng smartphone cao hơn. Khả năng xử lý, công nghệ camera, thời lượng pin và tốc độ kết nối của smartphone cải thiện theo thời gian.

Công nghệ tốt hơn và nhanh hơn đồng nghĩa với chi phí cao hơn. Hãng sản xuất cũng phải chi không ít cho công tác R&D tìm ra vật liệu mới, chưa kể lạm phát cũng ảnh hưởng tới giá thành phẩm.

Bằng việc tăng giá bán, Apple, Samsung và các nhà sản xuất smartphone khác đang tạo ra phân khúc siêu cấp, kiếm lời nhiều hơn trên mỗi sản phẩm bán ra.

Âu cũng là hợp lý khi người dùng có xu hướng sở hữu smartphone lâu hơn, phải ba năm trở ra mới mua mới. Nếu không làm vậy, nhà sản xuất sẽ rất khó sống.

Giá tăng theo năm

OnePlus 6T tăng giá dù ra sau phiên bản đời đầu chỉ 6 tháng.

Nếu không xét tới một vài ngoại lệ, giá smartphone đang tăng dần theo năm, rõ rệt nhất khi so với bảng giá cách đây hai năm. IDC cho biết dù giá smartphone có giảm nhẹ trong năm 2018 nhưng giá trung bình đã đạt mốc 345 USD, tăng 10,3% so với năm 2017.

iPhone là ví dụ điển hình nhất. Các mẫu Plus và Max mới đang tăng giá nhanh. Hiện iPhone XS Max đang là chiếc iPhone đắt giá nhất trong lịch sử Apple.

Ngay cả Samsung Galaxy S, S Plus và Note cũng tăng giá. Trước khi Galaxy Note 9 chạm ngưỡng 1.000 USD, Galaxy S9 Plus đã tiệm cận giá bán iPhone X.

Ở phân khúc thấp hơn, OnePlus tăng giá mỗi lần ra mắt máy mới. OnePlus 6 có giá 529 USD khi lên kệ tháng 6, nhưng chỉ bốn tháng sau OnePlus 6T đã vọt lên 549 USD.

OnePlus 6T tăng giá 37,6% so với model 2016 tại thị trường Mỹ. Tại Anh, sản phẩm này tăng giá tới 51,7% trong hai năm qua.

Google tăng giá một mạch Pixel 3.

Nhận xét về trào lưu này, Ken Hong, giám đốc cao cấp phụ trách truyền thông toàn cầu của LG, cho rằng các nhân tố chính như giá linh kiện, giá sản phẩm đối thủ, khuyến mãi nhà mạng, thuế… đã tác động tới giá bán smartphone nói chung.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn, LG V35 có giá thấp hơn mẫu máy LG V30 trước đây. Pixel 2 và Pixel 2 XL có giá ngang với Pixel và Pixel XL.

Tuy nhiên, khi ra mắt Pixel 3, Google đã tăng giá một mạch tới 23% cho “bằng chị bằng em” dù không thêm nhiều công nghệ hay thay đổi thiết kế.

Chi phí sản xuất smartphone đắt lên?

Cũng như tất cả sản phẩm điện tử, smartphone được cấu thành từ nhiều linh kiện do nhiều hãng khác nhau sản xuất. Nếu giá linh kiện tăng lên, đương nhiên giá smartphone cũng tăng theo.

Nhu cầu về dung lượng lưu trữ cũng đẩy giá bán lên cao. Các nhà cung cấp phải xây thêm nhà máy, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu này.

iPhone XS Max có giá tới 1.449 USD nhờ được trang bị nhiều công nghệ và linh kiện đắt giá.

Trong khi đó, tích hợp thành phần phức tạp như camera trước cảm biến độ sâu 3D cho iPhone X, hoặc camera dùng nhiều thấu kính hơn trên Huawei Mate 20 Pro cũng đẩy giá lên cao.

Đó là chưa kể tới chất liệu như kính, gốm cho lưng điện thoại hoặc nhôm cao cấp cho khung máy.

Chi phí xây dựng dây chuyền công nghệ mới cũng rất tốn kém. Chẳng hạn, Samsung phải xây mới dây chuyền sản xuất kính cong và màn hình OLED dẻo cho smartphone.

Ngoài những yếu tố đó ra, nhà sản xuất muốn tăng giá bán để tối ưu lợi nhuận, nhất là với trường hợp Apple - theo nhận xét của Ben Wood, phân tích viên cao cấp tại CCS Insight.

Samsung chi nhiều tiền cho xây dựng nhà máy sản xuất màn hình smartphone.

Đâu là giá trần?

Những chiếc smartphone 1.000 USD của Apple và Samsung chỉ là khởi đầu. Các nhà phân tích tin rằng người mua sẽ sẵn sàng chấp nhận chừng nào smartphone còn là phương tiện giao tiếp chính hàng ngày.

Tuy nhiên, trong khi Apple tìm cách tối đa lợi nhuận và thực tế kiếm lời nhiều nhất trong số các nhà sản xuất smartphone, việc định giá cao giúp đối thủ còn lại dễ thở hơn và có nhiều “đất sống” hơn.

Giá cao với phân khúc smartphone cao cấp nhất không đồng nghĩa với giá bán đều tăng, nhất là với phân khúc bình dân và tầm trung. Chẳng hạn Motorola Moto G6 và E5 được đánh giá rất tốt trong khi giá bán giữ nguyên không đổi - 250 USD.

Thương hiệu Honor của Huawei cũng được đánh giá tích cực nhờ cân bằng tốt giữa giá trị và giá bán. Các tên tuổi khác như Xiaomi, Nokia, Oppo, Asus… đang lấp đầy khoảng trống bằng cách tạo ra smartphone cho số đông người dùng.

Do vậy, mỗi phân khúc đều có khoảng không phát triển. Smartphone cao cấp ngày càng đắt tiền, trong khi sản phẩm bình dân và tầm trung giá ngày càng phù hợp hơn.

Theo: Zing

 

Huawei nộp bằng sáng chế smartphone tràn viền 100%, chỉ có loa thoại

(Techz.vn) Huawei đã đệ trình bằng sáng chế smartphone mới lên USPTO (Cục thương hiệu và bản quyền sáng chế Hoa Kỳ), với thiết kế màn hình tràn viền 100% và chỉ có duy nhất một lỗ chứa dải loa thoạị.