Khởi nghiệp

Tại sao Dropbox vẫn thành công dù phải cạnh tranh với iCloud, Google Drive, SkyDrive ?

 Mọi người thường muốn đồ công nghệ của mình phải là một thiết bị đa năng. Đã là smartphone thì phải có ứng dụng email, trình duyệt web, và đủ loại phần mềm khác để biến điện thoại của bạn vừa là một công cụ làm việc hữu ích, vừa là một thứ đồ chơi. Các ứng dụng và dịch vụ này gần như đã trở thành các thứ bắt-buộc-phải-có trên thiết bị di động ngày nay, từ những smartphone giá rẻ cho tới các sản phẩm cao cấp đầu bảng của mọi nhãn hiệu. Bản thân chúng không phải là một sản phẩm (product), chúng là những tính năng (feature) giúp cho sản phẩm (chính là thiết bị bạn đang sở hữu) được hoàn thiện hơn.

 

 


Đó là quan điểm của một số người về mối quan hệ giữa “tính năng” và “sản phẩm” – một lằn ranh mỏng manh. Một sản phẩm được hình thành dựa trên những tính năng mà nó sở hữu, do vậy, ta chỉ có thể phân biệt ở chỗ liệu một “tính năng” có thể đứng riêng để trở thành một sản phẩm độc lập, hay phải được kết hợp vào một sản phẩm lớn hơn để có thể mang lại giá trị.

Trong nỗ lực thâu tóm Dropbox bất thành của Apple, CEO huyền thoại Steve Jobs đã nhận định bản thân Dropbox là một tính năng, không phải là một sản phẩm. Bản thân Dropbox chỉ có thể tồn tại và phát triển khi nó được nằm trong một nhóm các tính năng và sản phẩm khác. Đồng tình với quan điểm này, Farhad Manjoo – cây bút nổi tiếng của Slate – đã viết thêm: “Ngày nay nhu cầu đồng bộ hóa đã mở rộng ra mọi thiết bị mà ta đang sử dụng. Và người có thể giải quyết triệt để nhu cầu này là các công ty đang sở hữu hệ thống (hệ điều hành) đó, nói cách khác sẽ là Google, Apple hay Microsoft, chứ không phải một hãng thứ ba như Dropbox.” Theo họ, Dropbox sẽ cần được bán kèm một đống tính năng khác, trong một sản phẩm khác nếu nó muốn tồn tại.

Tuy vậy quan điểm này lại không giải thích được thành công của Dropbox cũng như một số dịch vụ được xem như “đi kèm” hoặc “clone” khác. Một startup thu hút được 100 triệu người dùng chắc chắn phải có một chiến lược nào đó đúng đắn, kể cả khi nó bị phủ nhận bởi cả Apple lẫn Microsoft, và “chiến lược nào đó” này chủ yếu là chất lượng dịch vụ của Dropbox, đặc biệt là khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh.

Ngạc nhiên là, việc xây dựng và phát hành một công cụ như một sản phẩm độc lập thường mang ại kết quả tốt hơn khi đưa nó thành một tính năng đi kèm trong một sản phẩm lớn. Các công ty đánh cược tất cả những gì mình có vào việc hoàn thiện một tính năng duy nhất chắc chắn sẽ tạo ra một phần mềm chất lượng cao. Không giống như Apple, Microsoft hay bất kỳ ông lớn nào khác, các công ty này bị đặt trong tình thế luôn phải đưa ra những đổi mới trong mọi khía cạnh của sản phẩm, nếu muốn tồn tại và phát triển.

Ngay từ khi ra mắt, đã có nhiều ý kiến cho rằng iCloud, ứng dụng đồng bộ đám mây của Apple trên nền tảng iOS và OS X, sẽ gây thất vọng cho người dùng. Dịch vụ được xây dựng cẩu thả, hoạt động không ổn định, nhanh chóng làm nản lòng những người hay phải chuyển đổi qua lại giữa các nền tảng. Nhưng giống như những phần mềm khác như iTunes hay Game Center, bất chấp hàng năm trời chờ đợi của người dùng, cùng những nỗ lực của các doanh nghiệp khác, Apple lại chẳng có động thái nào cho thấy hãng đang ưu tiên cho việc sửa lỗi và sẽ nhanh chóng khắc phục sự cố. Vì sao? Đơn giản là bởi ông lớn này không việc gì phải vội vã. Apple kiếm tiền từ việc bán laptop, không phải từ việc cung cấp dịch vụ đồng bộ dữ liệu.

Với Dropbox, mọi chuyện lại khác hẳn. Dịch vụ này thu hút người dùng bằng tính ổn định, được tích hợp vào nhiều ứng dụng và dịch vụ khác, đồng thời cũng đều đặn cho ra mắt những tính năng mới và tốt hơn bất chấp thực tế rằng hiện tại Dropbox đã tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với iCloud. Dropbox như vậy, và sẽ luôn phải như vậy, vì nếu không nó sẽ bị các đổi thủ vượt mặt và bỏ lại phía sau. Khi đó toàn bộ công ty sẽ lao đao, thậm chí khó có thể tồn tại.

Một số ứng dụng và dịch vụ khác cũng ở vào tình thế tương tự như Dropbox. Một ứng dụng Calendar chưa hoàn thiện sẽ không phải là mối bận tâm lớn của Apple. Ứng dụng mặc định chỉ dừng lại ở những tính năng sơ khai nhất và nó gần như đã bị Apple bỏ rơi. Flexibits, công ty xây dựng nên công cụ lịch nổi tiếng Fantastical, thì không thể làm như vậy. Họ sẽ phải làm việc không ngừng để cho ra mắt những tính năng mới và hoàn thiện hơn, trước khi các đối thủ có thể làm được điều tương tự.

Những kẻ sở hữu nền tảng ban đầu chỉ cần các sản phẩm “đủ dùng” để giúp họ bán được nền tảng của mình (Đó thường là các sản phẩm mặc định đi kèm). Trong khi đó với các bên thứ ba thì sản phẩm “đủ dùng” vẫn là chưa đủ. Muốn tồn tại, họ buộc phải tung ra các sản phẩm vượt trội hơn hẳn đối thủ. (Và tất nhiên cũng hơn hẳn các sản phẩm mặc định đi kèm kia).

App.net là một mạng xã hội mà ở đó người dùng phải trả 36 USD một năm hoặc 5 USD một tháng để được truy cập. Công ty gần đây vừa giới thiệu thêm tùy chọn lưu trữ dữ liệu mới, qua đó tạo ra một trải nghiệm lưu trữ – xã hội mà theo nhà sáng lập Dalton Caldwell, có thể được người dùng sử dụng “để tạo ra bất cứ thứ gì họ muốn”

Vậy liệu Twitter có thể ra mắt một tính năng tương tự? Rõ ràng Twitter đang nắm trong tay một lợi thế cực lớn là lượng người dùng áp đảo hoàn toàn. Nhưng khi một công ty vốn đã quá “nổi tiếng” nhiều năm với thông báo lỗi Fail Whale (vì quá tải lưu lượng) mở dịch vụ lưu trữ, liệu người dùng có đủ tin tưởng để đưa dữ liệu của mình lên mây?

Twitter, giống như iCloud (với đa số người dùng) ở điểm nó miễn phí. Công ty tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo. Nói cách khác, người dùng khi đó sẽ như một sản phẩm để giúp công ty thu được tiền từ các nhà quảng cáo. Trong khi đó, nguồn thu chủ yếu của App.net, cũng như Dropbox hay Fantastical, là từ các khoản phí định kì hàng tháng hay hàng năm của người sử dụng. Tiền nào của nấy, người dùng trả tiền để sử dụng thì chắc chắn sản phẩm hay dịch vụ cũng phải tốt hơn hẳn “đồ miễn phí”.

Mọi thứ đều có giá của nó. Khi phát triển một “tính năng” duy nhất, công ty phải chịu những rủi ro cao hơn hẳn. Thêm vào đó, để duy trì vị trí dẫn đầu, các công ty phải đảm bảo được sự tập trung nguồn lực một cách liên tục, cũng như duy trì sức sáng tạo trong một thời gian dài.

Những công ty đặt cược sự tồn tại của mình vào một tính năng duy nhất thay vì chỉ là một phần của một hệ thống lớn hơn cũng dễ bị tổn thương hơn các công ty khác. iCloud không nhất thiết phải hoàn hảo, Apple chỉ cần nó hoạt động ở mức “đủ dùng” để họ tích hợp vào hệ thống, qua đó giúp hãng có thể bán thêm được những sản phẩm mang lại nguồn thu thực sự – Mac, iPad hay iPhone…

Nếu Dropbox, hay App.net, hay Fantastical không hoạt động tốt, đó cũng là dấu chấm hết cho cả công ty. Điều đó có nghĩa rằng muốn tồn tại, các công ty này buộc phải quan tâm nhiều hơn về chất lược dịch vụ và phải chứng minh được giá trị của họ với người dùng. Phát triển và hoàn thiện “tính năng” của mình không phải là sở thích, đó là sinh kế của các công ty này.

Xem thêm: Một số phương pháp tối ưu hóa cho việc sử dụng Dropbox

Theo Pandodaily