SmartBand SWR10 có phong cách thiết kế đóng gói giống như chiếc đồng hồ thông minh SmartWatch SW2, có thể nhìn thấy sản phẩm bên trong xuyên qua vỏ hộp. Bộ SmartBand SWR10 bao gồm 1 lõi cảm ứng trung tâm, 2 sợi dây đeo cao su với độ dài khác nhau, 1 cáp micro-USB để sạc pin cho lõi cảm ứng.
SmartBand SWR10 nguyên hộp
Dây cao su có khoang rỗng ở giữa, có thể dễ dàng nhét vào hoặc lấy lõi cảm ứng ra. Sau khi nhét lõi cảm ứng vào, phần viền dưới bụng khoang ôm khít bộ cảm ứng để chống nước lọt vào trong. Một bên dây là các lỗ xỏ, đầu dây bên kia là một nút tròn có vân đồng tâm và chữ “Sony” ở mặt trên, mặt dưới là 2 kim xỏ để cố định chiếc SmartBand trên tay người dùng.
Lõi cảm ứng có một nút bấm và 3 đèn LED báo hiệu trạng thái, mặt bên có một cổng micro-USB để sạc pin. Sau khi được sạc đầy, SWR10 có thể hoạt động liên tục 5 ngày.
Kết nối
Dây đeo SmartBand có nhiều màu để lựa chọn
SmartBand SWR10 có thể kết nối với dòng sản phẩm Xperia của Sony và một số sản phẩm của các hãng khác như Nexus 4, Nexus 5, HTC One M8, Samsung Galaxy Note III, Samsung Galaxy S4 và S5
Tác dụng chính của SWR10 là giúp người dùng ghi nhận các sinh hoạt hàng ngày. Chức năng cơ bản nhất của SWR10 là đếm bước, đồng thời đưa các sự kiện lên khung thời gian bằng các ký hiệu đơn giản cùng các ghi chú để nhắc nhở do người dùng tạo ra.
SmartBand SWR10 kết nối với các smartphone Sony bằng phương thức NFC. Sau khi hai thiết bị đã kết nối thành công với nhau, kết nối này sẽ duy trì bằng sóng Bluetooth. Người dùng có thể theo dõi tình trạng kết nối, mức năng lượng tính bằng thời gian sử dụng và các thiết lập của SWR10 qua ứng dụng Smart Connect của Sony.
Sử dụng
Thông qua Smart Connect, người dùng có thể thiết lập các tính năng như báo thức, báo cuộc gọi đến và thiết lập ứng dụng được tương tác khi bấm vào nút điều khiển trên SWR10, ứng dụng mặc định được tương tác là Media Player (Walkman).
Ứng dụng Smart Connect và các tham số thiết lập cho SmartBand
Khi người dùng bấm và giữ nút điều khiển trên SWR10, Smart Connect sẽ chuyển qua lại giữa 2 chế độ Day mode (ngày) và Night mode (đêm). Bấm nút điều khiển 1 lần, 3 chiếc đền LED sẽ báo hiệu SWR10 đang ở chế độ ngày hay đêm. Nếu 3 chiếc đèn LED lần lượt sáng lên theo thứ tự 1-2-3 là SWR10 đang ở Day mode; nếu 3 chiếc đèn LED chớp tắt theo quy luật 13-2-13-2-13 (đèn số 1 và số 3 sáng lên rồi tắt cùng lúc, sau đó đến đèn số 2 sáng lên) thì SWR10 đang ở Night mode. Khác biệt của 2 chế độ này là Night mode sẽ khoá chức năng điều khiển của SWR10 đối với ứng dụng tương tác, có nghĩa là bạn sẽ không thể nghe nhạc trong đêm, đồng thời ứng dụng Lifelog sẽ ghi nhận trạng thái của người dùng là đang ngủ.
Lựa chọn ứng dụng tương tác với nút điều khiển trên SmartBand
Để tương tác với ứng dụng được chỉ định như Walkman, Smart Camera hay Find Phone – Smart extension, người dùng chỉ cần bấm và nút điều khiển trên SWR10, chờ đến khi 3 chiếc đèn LED đều sáng lên đủ, tiếp tục gõ lên mặt SWR10 để khởi động ứng dụng trên smartphone. Tuỳ theo đặc trưng của ứng dụng ứng với thao tác gõ lên bề mặt SWR10 từ 1 đến 3 lần liên tục.
Công dụng của nút điều khiển trên SmartBand với các ứng dụng tương ứng
Đối với ứng dụng Walkman, gõ 1 lần (single tap) là chơi nhạc hoặc tạm dừng, gõ 2 lần liên tục (double tap) là chuyển sang bài kế tiếp (next), gõ 3 lần liên tục (triple tap) là quay về bài trước (back). Đối với ứng dụng Smart Camera, gõ 1 lần là chụp ảnh, gõ 2 lần là quay phim, gõ tiếp 2 lần trong khi đang quay là dừng lại.
Lifelog
Ứng dụng không thể thiếu khi bạn đã sắm một chiếc Smartband SWR10 là Lifelog. Đây là ứng dụng được Sony phát triển để ghi lại những sự kiện trong sinh hoạt hàng ngày, kể cả lộ trình di chuyển của bạn. Người dùng có thể tải Lifelog trên Google Play, và chạy trên hệ thống Android 4.4 trở lên
Khởi động và đăng nhập ứng dụng Lifelog
Để sử dụng Lifelog, bạn cần đăng nhập bằng tài khoản đăng ký miễn phí với Sony Entertainment Network hoặc tài khoản PlayStation Network (PSN). Sau khi đăng nhập, bạn cần nhập vào chiều cao và cân nặng của bạn để Lifelog có thể tính được lượng calories tiêu hao đối với mỗi hoạt động.
Màn hình chính của Lifelog, nhấn vào từng mục dữ liệu và thiết lập mục tiêu hoạt động hàng ngày
Các chỉ số mà Lifelog ghi nhận lại là mức năng lượng tiêu hao (calories), số bước chân (steps), thời gian đi bộ, thời gian chạy bộ, thời gian ngủ, thời gian hoạt động xã hội qua các ứng dụng như tin nhắn và chat, số lượng ảnh chụp (kể cả chụp từ camera và screenshot), thời gian nghe nhạc, thời gian xem phim, thời gian chơi game, thời gian đọc sách và thời gian duyệt web.
Nhấn vào các ký hiệu trên màn hình để xem chi tiết
Trên mỗi chỉ số, người dùng có thể tự đặt ra mục tiêu trong ngày cho mình, Lifelog sẽ lưu và thống kê theo ngày, tuần, tháng và năm. Người dùng có thể xem lại chỉ số hoạt động của mình trong từng ngày.
Khi người dùng bấm 2 lần (double press) nút điều khiển trên SWR10, Lifelog sẽ tạo 1 ghi chú (bookmark) trên khung thời gian tương ứng với thời điểm hiện tại. Song song đó, người dùng có thể tạo các ghi chú này bằng tay trên khung thời gian của Lifelog kể từ điểm tương ứng với hiện tại trở về trước, không tạo được bookmark ở thời điểm tương lai.
Xem lại hành trình của ngày hôm trước bằng cách kéo khung thời gian lùi lại
Bên cạnh các chỉ số hoạt động, Lifelog còn ghi lại lộ trình di chuyển của người dùng trong mỗi ngày. Bạn có thể xem lại đường đi và các điểm dừng của mình trong suốt một ngày bằng cách kéo chạy khung thời gian của Lifelog, hình người ở giữa màn hình và các ký hiệu phía trên đó sẽ cho biết trạng thái và hoạt động của người dùng được ghi nhận tại thời điểm đó.
Kết luận
Trải nghiệm sơ bộ cho thấy SmartBand SWR10 là một sản phẩm khá thú vị, người dùng có thể thông qua sản phẩm này để nhìn lại thói quen cuộc sống hàng ngày, chu kỳ sinh hoạt hàng tuần và hàng tháng của mình. Qua đó có thể cải thiện những thói quen sinh hoạt chưa tốt.
Khuyết điểm của SWR10 là kết nối chưa được ổn định, hay bị đứt kết nối mặc dù đang ở ngay bên cạnh chiếc smartphone Xperia. Trong một số trường hợp tín hiệu GPS không tốt, điện thoại không thể định vị được thông qua phương thức A-GPS, kết quả sẽ bị sai lệch tương đối lớn về vị trí và đường đi được ghi nhận lại trong Lifelog. Cuối cùng, tốc độ đồng bộ hoá thông tin cũng còn khá chậm.