Điện thoại

Smartphone uốn dẻo sẽ là xu hướng phát triển tiếp theo?

Smartphone uốn dẻo sẽ là xu hướng phát triển tiếp theo?

Câu trả lời các chuyên gia đưa ra là những công nghệ hiện tại chưa đủ để tạo ra một chiếc điện thoại uốn dẻo với giá thành phù hợp với túi tiền người dùng.

 

 

Chúng ta mới trải qua quý I của năm 2013, nhưng có vẻ như xu hướng của năm nay đã được xác định. Những smartphone xếp vào hàng bom tấn như Sony Xperia Z, HTC One, Samsung Galaxy S4 hay LG Optimus G Pro đều có màn hình 4,7 đến 5 inch, độ phân giải Full HD, còn mật độ điểm ảnh luôn ở mức trên 400 ppi.

Vấn đề là ở chỗ, các chuyên gia đã đưa ra nhận định: tích hợp màn hình Full HD trên smartphone là một sự phí phạm, bởi mắt thường của người dùng không thể nhận biết được độ nét nếu mật độ điểm ảnh cao quá 350 ppi. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, sẽ có một loại màn hình nét hơn cả Full HD ra đời, hay công nghệ màn hình điện thoại sẽ “biến tướng” đến đâu trong năm sau hoặc năm sau nữa?

Những smartphone màn hình Full HD như Sony Xperia Z đã bị xem là một sự lãng phí công nghệ.

Ông Calvin Hsieh, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của NPD DisplaySearchcho biết, nhiều khả năng cuộc đua về độ nét màn hình sẽ dừng lại, bởi đi kèm với màn hình siêu nét là một mối quan ngại khác - thời lượng pin. Điện thoại có màn hình càng nét đồng nghĩa với việc nó càng tiêu tốn nhiều điện năng hơn, trong khi pin của điện thoại thì không thể quá lớn, nhằm đảm bảo kích thước siêu mỏng của những chiếc smartphone hiện nay.

Khi được hỏi về triển vọng của một công nghệ màn hình được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua là màn hình uốn dẻo, ông Hsieh cho biết: “Màn hình uốn dẻo có thể giúp tạo ra các thiết bị đeo tay, nhưng thị trường chưa sẵn sàng cho điều đó. Điều người dùng hứng thú ở màn hình uốn dẻo chính là họ có cơ hội sở hữu những sản phẩm mỏng hơn, nhẹ hơn và cơ động hơn".

“Tuy nhiên, màn hình LCD luôn yêu cầu một hệ thống đèn nền, do đó nó khó có thể uốn dẻo. Đối với màn hình AMOLED, các tấm màn hình uốn dẻo với độ phân giải cao vẫn cần thêm thời gian để phát triển. Ở giai đoạn hiện tại, màn hình uốn dẻo chưa thể đáp ứng được những yêu cầu về độ phân giải và chi phí sản xuất.

Màn hình uốn dẻo là một công nghệ hứa hẹn, nhưng tính thực tiễn của nó chưa cao.

Một công nghệ màn hình khác cũng được nhắc đến, đó là màn hình không viền (edge-to-edge), giúp tạo ra các sản phẩm có thiết kế rất đẹp mắt. Ở thời điểm hiện tại, một số smartphone đã có viền màn hình cực mỏng, nhưng vẫn chưa có một model nào ra đời với thiết kế không viền màn hình.

Ông Hseih giải thích: “Trên smartphone, phần viền bao quanh màn hình là nơi để chứa các mạch tín hiệu. Phần viền này có thể rất mỏng nhưng không thể loại bỏ chúng”. Điều này đồng nghĩa với việc, gần như không thể tạo ra những chiếc điện thoại không viền, như một số bản concept xuất hiện trên mạng thời gian vừa qua, ít nhất là ở điểm hiện tại".

Có vẻ như, sau công nghệ màn hình Full HD, công nghệ màn hình điện thoại sẽ phát triển theo chiều hướng nào vẫn còn là một câu hỏi chưa thể trả lời ngay ở thời điểm này.

Đọc thêm: Smartphone 2013 với những xu hướng phát triển mới

Theo Đức Nam/Infonet