Điện thoại Trung Quốc đã không còn quá xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam trong những năm trở lại đây. Những chiếc smartphone cấu hình cao, thiết kế đẹp, nhiều tính năng độc đáo cùng giá thành hấp dẫn đã phần nào thu hút sự chú ý trên thị trường điện thoại vốn rất nhộn nhịp của nước ta. Ngoài việc cạnh tranh trực tiếp với các hãng điện thoại tên tuổi, các đại diện như Oppo, Haier, Xiaomi, Gionee còn phải cạnh tranh lẫn nhau, trong đó, giá thành là một yếu tố quyết định.
Việt Nam là thị trường tiêu thụ smartphone đầy tiềm năng
Đã từ lâu, Việt Nam được coi là thị trường đầy tiềm năng, là mảnh đất cực kỳ màu mỡ của các hãng điện thoại. Theo những con số thông kê mới đây nhất, tổng giá trị nhập các ngành hàng liên quan đến điện thoại đã đạt trên 8 tỷ USD và số lượng tiêu thu điện thoại mỗi năm đạt 17 triệu chiếc, trong đó có 7 triệu chiếc smartphone. Bởi vậy, ngoài các hãng tên tuổi như Samsung, Apple, Nokia, LG, Sony, các đại diện từ Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhắm đến Việt Nam như một thị trường chủ đạo để phân phối sản phẩm.
Việt Nam là thị trường smartphone đầy tiềm năng đối với các hãng điện thoại tên tuổi trên thế giới. Ảnh : Tinmoi.vn
Không phải thời gian gần đây, người tiêu dùng trong nước mới được tiếp xúc với các mẫu điện thoại đến từ Trung Quốc. Các điện thoại nhái các mẫu điện thoại cao cấp, những sản phẩm có những tính năng độc đáo như pin chờ hàng tháng trời, đèn pin tích hợp,… đều không còn quá xa lạ đối với chúng ta. Nhắc đến các điện thoại Trung Quốc, người Việt Nam vẫn có những dè bỉu, những ấn tượng không tốt ăn sâu vào tâm chí. Mọi thứ chỉ thay đổi khi có sự xuất hiện của các hãng tên tuổi như : Xiaomi, Gionee, Huawei, Oppo, ZTE… Những chiếc smartphone với cấu hình cao, màn hình đẹp, chụp ảnh tốt cùng giá thành hấp dẫn, các hãng điện thoại láng giềng đã góp phần vào một thị trường smartphone vốn đã nhộn nhịp nay càng trở nên sầm uất hơn.
Giá thành – yếu tố quyết định của smartphone Trung Quốc
Khác với những thương hiệu lớn như Sony, Samsung, Nokia hay HTC thường có các dòng sản phẩm trải dài theo nhiều phân khúc nhằm cạnh tranh trong việc chiếm lĩnh thị trường, tùy theo từng thương hiệu, các nhà sản xuất Trung Quốc lại có những hướng đi khác nhau, nhưng đa phần rơi vào phân khúc tầm trung và giá rẻ.
Với giá thành từ 9 triệu đồng trở nên, người tiêu dùng trong nước không ngại ngần lựa chọn các sản phẩm của các hãng tên tuổi thay vì một sản phẩm của Trung Quốc
Lenovo, đại diện đầu tiên của đất nước láng giềng, đã có hơn 7 năm kinh nghiệm triển khai các phân khúc smartphone của mình tại thị trường Việt Nam. Với các dòng sản phẩm chủ đạo như A, P, S, K và Vibe, Lenovo dần chiếm lĩnh được thị trường và đứng vững trước những hãng tên tuổi. Song, những năm trở lại đây việc đầu tư tích cực vào dòng điện thoại cao cấp Vibe đã khiến Lenovo gặp phải rất nhiều khó khăn bởi giá thành của dòng điện thoại này rất cao và không thoát khỏi tâm lý chung của người tiêu dùng Việt. Với giá thành từ 9 triệu đồng trở nên, người tiêu dùng trong nước không ngại ngần lựa chọn các sản phẩm của các hãng tên tuổi thay vì một sản phẩm của Trung Quốc. Đây là một bài học lớn dành cho các hãng sau này.
Dòng Vibe của Lenovo đã không thật sự thành công bởi giá thành rất cao. Ảnh : DroidDrun
Tuy việc cung cấp Vibe Series đã thất bại, nhưng Lenovo vẫn còn đó những sản phẩm rất được ưa chuộng ở mức giá dưới 4 triệu đồng như những đại diện thuộc dòng S và dòng P. Nắm bắt được điều đó, những tên tuổi như Haier, Xiaomi, Gionee, Huawei, Oppo… dần thâm nhập vào thị trường Việt Nam, ban đầu với các mẫu smartphone có giá thành thấp nhằm một mục đích duy nhất, khiến người tiêu dùng biết đến hãng và họ đã thực sự thành công.
Những tháng ngày sau đó là sự đổ bộ ồ ạt ở rất nhiều phân khúc khác nhau nhưng đến 60% sản phẩm có giá thành dao động từ 2 đến 6 triệu đồng. Ngoài việc kéo lại thị phần từ các hãng tên tuổi về phía mình, các hãng điện thoại Trung Quốc còn “gườm” mặt và cạnh tranh lẫn nhau. Và giá thành là một trong những yếu tố sống còn.
ZTE khá khôn ngoan khi lựa chọn Viettel làm đơn vị bảo trợ khi tràn vào Việt Nam. Ảnh : AndroidPolice
Trong các đại diện đến từ đất nước đông dân nhất thế giới, ZTE có vẻ khôn ngoan hơn khi họ nhận Viettel là đơn vị bảo trợ, song, ZTE không thực sự thành công khi sản phẩm của họ không thực sự tốt và nhận được rất nhiều ý kiến chê bai. Xiaomi, Haier, Oppo, Gionee gia nhập muộn hơn những phần nào chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Việt với các sản phẩm cấu hình cao, thiết kế đẹp và mức giá dễ chịu như Gionee Elife S5.5, Oppo Find 5 mini, Xiaomi Mi3. Cùng với việc MediaTek tham gia vào sản xuất vi xử lý trên di động, các smartphone đến từ Trung Quốc lại có thêm cơ hội sở hữu một mức giá ngày càng rẻ và các hãng đưa ra rất nhiều chương trình hậu mãi "khủng" để đẩy mạnh sản phẩm của mình.
Trước đây, người dùng phải bỏ ra hơn 5 triệu đồng để sở hữu một chiếc smartphone ứng ý thì ngày nay, với những đại diện đến từ Trung Quốc, mức giá này có thể mua được những mẫu điện thoại thực sự ứng ý. Xiaomi, Haier, Gionee, Lenovo đang cạnh tranh nhau từng chút một, đặc biệt là ở giá thành để thu hút sự quan tâm của thị trường.
Oppo đang đánh mất thị phần bởi những mẫu smartphone có giá thành cao hơn so với các hãng điện thoại Trung Quốc khác. Ảnh : GSMdome
Trong những hãng kể trên, có vẻ như Oppo nằm ngoài cuộc chạy đua về giá, các sản phẩm của họ thường có mức giá thành rất cao bởi thiên hướng của hãng nhắm đến là việc cạnh tranh toàn cầu. Các mẫu điện thoại cao cấp của Oppo thường có giá ngang hoặc cao hơn các siêu phẩm đến từ Nokia, HTC hay thậm chí là Samsung cho dù về tính năng, cấu hình không ngang bằng. Oppo vốn là một thương hiệu rất mạnh ở thị trường Trung Quốc, bởi thế dường như họ không bao giờ hạ mình với Xiaomi, Haier, Gionee... Điều này rất có lợi cho Oppo ở sân nhà, nhưng ở Việt Nam có lẽ họ nên xem lại định hướng của mình khi mà những tháng gần đây, các sản phẩm của hãng điện thoại này đã không nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng khi giá thành mới là yếu tố quyết định.