Với mục đích chạy đua về độ mỏng, nhẹ và những đường nét thiết kế trau chuốt, liền mạch trong các smartphone đỉnh cao của mình thì những mẫu thiết kế với pin nguyên khối ngày càng được các nhà sản xuất khai thác triệt để.
Bạn có nhận thấy điểm gì chung trong thiết kế ở các smartphone đỉnh cao của Apple, Motorola và Nokia gần đây? Mặc dù mang những phong cách khác nhau nhưng iPhone, Motorola Droid Razr Maxx và Nokia Lumia 900 điều có một điểm chung đó là thiết kế nguyên khối, nghĩa là không thể tháo rời chúng để thay pin một cách dễ dàng.
Apple đã sử dụng thiết kế nguyên khối ngay từ bản iPhone đầu tiên của hãng và cho đến hiện nay mặc dù có những cải tiến vượt bậc nhưng các phiên bản iPhone vẫn giữ thiết kế pin không tháo rời và đây là một trong những yêu tố làm nó trở thành chiếc điện thoại có thiết kế đẹp và thành công nhất hiện nay. Nhà sản xuất Đài Loan HTC cũng có được thành công khi áp dụng kiểu thiết kế này cho mẫu smartphone đầu tiên chạy Mango của hãng – chiếc HTC Radar. Gần đây, hai phiên bản chạy Windows Phone cao cấp của Nokia là Lumia 800 và 900 hay chiếc N9 đều có thiết kế pin tương tự.
Thẩm mĩ và tiên lợi
Trước hết, ưu điểm dễ thấy nhất của các điện thoại nguyên khối đó là tính thẩm mĩ so với các điện thoại còn lại. Người dùng ngày càng thích những sản phẩm có thiết kế mượt mà, đơn giản mà sang trọng theo phong cách unibody hơn và đó cũng là một lí do lớn để các nhà thiết kế đi theo xu hướng pin không tháo rời. Jerry Hart, Giám đốc phụ trách sản phẩm Windows Phone của Nokia trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNET khi được hỏi về lí do chọn thiết kế pin nguyên khối trên Lumia 800 và sắp tới là 900 đã nói: “Chúng tôi đã nỗ lực để sản xuất một thiết bị đẹp mắt, được tạo ra từ polycarbonat nguyên khối với các chi tiết được gia công chính xác”. Ông còn nói thêm rằng thiết kế unibody có được nhờ pin nguyên khối làm cho điện thoại trở nên: “liền mạch”, “cực kì chắn chắn” cũng như “không có các đường phân chia làm mất cảm giác tuyệt vời khi cầm điện thoại và đạt được độ tinh khiết trong thiết kế”.
Một lí do quan trọng nữa là thiết kế pin nguyên khối giúp các nhà sản xuất tạo được các mẫu điện thoại ngày càng mỏng hơn mà không phải đổi mới nhiều về công nghệ nhờ lượt bỏ được các rãnh nhỏ, cơ cấu đóng mở nắp cũng như các khe hở để bạn có thể tháo lắp pin trong thiết kế điện thoại. Các kĩ sư cũng có thể thiết kế các viên pin với các hình dạng kích thước phù hợp nhất để cung cấp đủ điện tích mà không cần quan tâm đến việc mẫu pin của mình có dễ tháo lắp không. Điều này còn giúp các nhà thiết kế công nghiệp tạo ra những mẫu điện thoại với đường nét sáng tạo. Qua bảng số liệu sau có thể thấy với thiết kế pin không tháo rời ngày càng giúp các nhà sản xuất tạo ra các mẫu điện thoại với dung lượng pin lớn hơn trong khi vẫn duy trì một vòng eo siêu mẫu.
Điện thoại |
Dung lượng pin |
Thời gian đàm thoại |
Độ dày |
iPhone 4S |
1.430 mAh |
8 giờ |
9,4 mm |
Motorola Droid Razr |
1.780 mAh |
12,5 giờ |
7,1 mm |
Motorola Droid Razr Maxx |
3.300 mAh |
21,5 giờ |
8,9 mm |
Nokia Lumia 800 |
1.450 mAh |
13 giờ |
11,9 mm |
Nokia Lumia 900 |
1.830 mAh |
7 giờ |
11,4 mm |
HTC Radar |
1.520 mAh |
8 giờ |
10,9 mm |
Motorola Droid Razr là một minh chứng cho sự thành công trong thiết kế pin nguyên khối khi trở thành chiếc smartphone mỏng nhất thế giới tại thời điểm ra mắt mà vẫn duy trì một thời lượng pin lên tới 12,5 giờ đàm thoại liên tiếp. Và nhà sản xuất điện thoại từ Mỹ tiếp tục khai thác sự thành công từ thiết kế này trong sản phẩm vừa mới ra mắt của hãng chiếc Motorola Droid Razr Maxx khi dung thời lượng pin của máy lên gấp đôi người tiền nhiệm. Hơn nữa, máy vẫn duy trì một độ mỏng chưa đến 9 mm.
Đối với các sản phẩm của Apple thì thiết kế pin không tháo rời còn có nguyên nhân về sự tối ưu phần cứng. Steve Jobs vị CEO quá cố của Apple cho biết thiết kế với các cell pin tách rời và cung cấp năng lượng độc lập cho từng linh kiện có thể giúp các thiết bị di động của họ bền, nhẹ và mỏng hơn và đặt được sự cân bằng trong thiết kế. Mặt khác, khi xuất hiện lỗi hay hỏng hóc có thể nhanh chóng phát hiện và thay thế dễ dàng các cell pin này.
Các mẫu điện thoại với pin không tháo rời cũng sở hữu độ bền tốt hơn so với các máy tháo rời bởi pin của bạn sẽ không bị lung lay hay bật ra trước các va chạm nhẹ hay khi bạn vô ý đánh rơi điện thoại. Mặt khác với lớp vỏ kín điện thoại có khả năng giữ nguyên các đặc điểm của các kinh kiện bên trong mà không làm thiết kế điện thoại trở nên gồ ghề hơn, dày hơn.
Cái khôn đi kèm cái khó
Tuy vậy thiết kế pin không tháo rời cũng khiến người sử dụng băn khoăn khi điện thoại gặp sự cố. Đối với một chiếc điện thoại có pin có thể tháo lắp được thì khi gặp vấn đề mà cả nút nguồn cũng không phát huy tác dụng thì việc mà người dùng thường làm là tháo pin ra, đợi một lúc rồi lắp và khởi động lại. Ngoài ra, khi pin bị hỏng hoặc chai bạn chỉ cần mua một viên mới và thay thế một cách đơn giản. Với một điện thoại có pin nguyên khối khi gặp vấn đề tương tự các giải pháp trên đều không thể thực hiện được. May thay, các nhà sản xuất như Nokia, Apple hay Motorola đều đã đưa ra các giải pháp để khắc phục các rắc rối trên. Thường thì khi điện thoại gặp trục trặc người dùng có thể ấn và giữ nút nguồn trong vài giây hoặc sử dụng tổ hợp phím đặt biệt để thiết lập lại phần mềm cho máy (hard reset). Nokia cũng hướng dẫn các phương pháp đã được tích hợp sẵn trong điện thoại để khôi phục lại phần mềm như tình trạng mới xuất xưởng để đề phòng những trường hợp tồi tệ nhất. Trong trường hợp pin điện thoại gặp vấn đề, về phần Apple, hãng sử dụng các cửa hàng bán lẻ của mình để hỗ trợ các sản phẩm khi gặp sự cố như một cách giúp khách hàng có được sự trợ giúp tin cậy và nhanh chóng ngay gần nhà. Đối với Motorola và Nokia người dùng sẽ phải chờ đợi điện thoại của mình gửi về nhà máy để thay pin và trong một số trường hợp họ có thể phải chờ đợi vài ngày thậm chí là vài tuần.
Tiếp nối sự ra đời của các mẫu Lumia và Droid Razr, trong thời gian tới có thể các thế hệ điện thoại mới với pin nguyên khối sẽ ra đời và tạo nên những sự đột phá trong thiết kế. Và với các smartphone này các nhà thiết kế có thể tạo ra những mẫu mã với sự thay đổi triệt để giúp các nhà sản xuất cho ra đời những sản phẩm mới, thoát khỏi các thiết kế sáo mòn trước đây. Đối với những mối quan tâm về sự khó khăn khi các điện thoại kiểu này hỏng pin các nhà sản xuất đang có được những giải pháp đúng hướng. Nhưng một lần nữa câu hỏi đặt ra là trung bình hàng tháng người dùng sẽ phải sửa chữa pin điện thoại của họ bao nhiêu lần. Và để có được sự tin tưởng của người dùng với các điện thoại có pin nguyên khối các nhà sản xuất cần giải quyết được hai vấn đề sau: Thứ nhất, cung cấp các smartphone với dung lượng pin lớn như Droid Razr Maxx để có thể xử lí một khối lượng ngày càng lớn các công việc phục vụ nhu cầu của người dùng; tuổi thọ pin phải đảm bảo ít nhất là hơn hai năm. Thứ hai, các nhà sản xuất cần thiết lập một quy trình rõ ràng nhanh chóng và thuận tiện để giúp khách hàng giải quyết các vấn đề, giảm thiểu thời gian sửa chữa máy bởi người dùng rất ghét việc phải sống thiếu chú dế bên cạnh.
Theo Thế Giới Số 149