SPT đang muốn khai tử công nghệ CDMA của mạng S-Fone để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) mà các mạng di động lớn của Việt Nam đang sử dụng nhằm cứu vãn tình thế vô cùng khó khăn của mạng này.
Ngày 1/7/2003, mạng di động đầu tiên phá thế độc quyền S-Fone ra đời theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa SLD Telecom (Hàn Quốc) và SPT trong thời hạn 15 năm. Vào thời điểm đó, S-Fone là mạng có doanh thu trên mỗi thuê bao cao nhất trong các mạng di động. Điều đó chứng tỏ, những người giàu nhưng chán độc quyền đã chọn S-Fone cho dù lúc đó mạng di động này chỉ phủ sóng khoảng 12 tỉnh thành và thua xa 2 mạng di động của VNPT. Nhiều người đã kì vọng sự xuất hiện của slogan độc đáo “Nghe là thấy” sẽ mang lại luồng gió mới cho thị trường này.
Thế nhưng, sự xuất hiện của người mở đường phá thế độc quyền trên thị trường thông tin di động S-Fone lại là câu chuyện buồn. Một thời gian khá dài mô hình tổ chức luôn có những bất đồng quan điểm dẫn đến chuyện “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” trong dự án S-Fone của SPT và đối tác, nhiều cơ hội kinh doanh vàng đã trôi tuột qua trước mắt. Những câu chuyện về bội tín đã được nhiều người trong cuộc nhắc đến như là nguyên nhân của sự đổ vỡ của hai đối tác từng “chung lưng đấu cật”. Cuối cùng, năm 2010 SK Telecom đã tuyên bố rút khỏi dự án S-Fone và đặt SPT vào cảnh lặn lội đi tìm đối tác mới để chống lưng cho mạng S-Fone. SK Telecom tuyên bố rút lui khỏi dự án trong bối cảnh hàng loạt mạng di động ở Việt Nam và thế giới cũng tuyên bố khai tử công nghệ này. Trên thực tế, thiết bị đầu cuối là vấn đề đau đầu nhất cho các mạng CDMA ở VN bởi chủng loại ít và giá đắt nên gần như không thể xã hội hóa việc bán máy cho khách hàng.
Sau đó, SaigonTel đã mua cổ phần của SPT và tham gia HĐQT của công ty, đồng thời có nhiệm vụ tìm kiếm đối tác cả trong và ngoài nước để đầu tư vào mạng S-Fone. Thế nhưng, SaigonTel không đủ sức lấp khoảng trống sau khi SK Telecom rút lui khỏi dự án S-Fone. Cùng cảnh ngộ với EVN Telecom, S-Fone trở thành con nợ của các mạng di động lớn khi mà khoản cước kết nối không có khả năng chi trả. Chưa hết, phí tần số, quỹ viễn thông công ích mà S-Fone phải đóng cũng ở cảnh “khất nợ dài dài”. Từ đó, S-Fone trở thành “người Mỹ trầm lặng” trên thị trường di động VN.
“Thay máu” công nghệ cho S-Fone
Cuối năm 2011, trong những dự báo về xu hướng ICT năm 2012, Câu lạc bộ Nhà báo ICT đã đưa ra nhận định “Số phận của S-Fone sẽ được quyết định trong năm 2012” bởi mạng này không thể giữ nguyên hiện trạng "ngắc ngoải". Mới đây, có thông tin cho rằng SPT đã xác lập một kế hoạch mang tính cách mạng là “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 800 MHz. Báo BĐVN đã liên hệ với bà Trần Thị Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT của SPT nhằm tìm hiểu thông tin trên. Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Bình cho biết là chưa thể cung cấp bất cứ thông tin gì xung quanh vấn đề này.
Trả lời báo BĐVN hồi năm ngoái về vấn đề liệu S-Fone có chuyển đổi công nghệ hay không? Ông Tôn Minh Thông, Phó Tổng giám đốc SPT cho biết, nếu S-Fone tìm được đối tác đầu tư thì việc chuyển đổi công nghệ có thể xảy ra khi đối tác có tiềm lực và thấy cần thiết phải thay đổi công nghệ.
Giới chuyên môn cho rằng, việc S-Fone thay máu công nghệ từ CDMA sang HSPA giống như mạng 3G mà Viettel, VinaPhone và MobiFone đang cung cấp không phải là giải quyết bài toán nâng cấp hệ thống mạng của mình. Trên thực tế, vài năm trước S-Fone đã dùng công nghệ CDMA 2000 1X EVDO để tiến lên 3G trên nền tảng mạng CDMA hiện tại. Thậm chí, thời điểm S-Fone tuyên bố đã phủ sóng 3G trước thời gian khá xa khi mà Bộ TT&TT chưa thi tuyển 3G. Như vậy, việc thay máu công nghệ cho mạng S-Fone là giải quyết vấn đề khó khăn cơ bản nhất của mạng này là máy đầu cuối cho khách hàng.
Tuy nhiên, cuộc thay máu công nghệ sẽ vô cùng tốn kém bởi S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm… Ngoài việc đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại cho khách hàng. Giới chuyên môn nhận định đây là cuộc chơi tiêu tốn tới vài trăm triệu USD và nhanh nhất phải đến năm 2013, S-Fone mới giải quyết xong vấn đề này.
Hiện chưa rõ ai đứng “chống lưng” cho S-Fone thay máu công nghệ nhưng nhiều người tin rằng đó không phải là Saigon Tel.