Mới đây, hai gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE đã bị liệt vào danh sách mối nguy cơ hiểm họa đối với an ninh nước Mỹ. Theo đó, các công ty và chính quyền Mỹ được khuyến cáo không nên có bất kì giao dịch nào đối với hai công ty trên của TQ. Ngoài ra, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ còn cho rằng nhà chức trách Mỹ, mà cụ thể là Ủy ban Đầu tư nước ngoài CFIUS, nên ngăn chặn các thương vụ sáp nhập và mua lại nếu chúng được thực hiện bởi hai công ty này.
- Huawei Honor - Xứng danh anh hùng
- Huawei chính thức ra mắt SmartPhone nhanh nhất thế giới
- Vì sao “đại gia” viễn thông Huawei của Trung Quốc bị ghẻ lạnh?
- Viễn thông VN 2011: 'Nhà giàu' cũng... khóc
Báo cáo này được cho là sẽ gây ra nhiều tranh cãi mới về vai trò của các công ty TQ tại Mỹ. Trong khi đó, công ty đa quốc gia được thành lập từ năm 1988 Huawei đang là nhà cung cấp chính cho BT – một hãng truyền thông của Anh, và là nhà cung cấp cơ sở hạ tầng cho mạng 4G của Everything Everywhere – một đứa con chung của hai nhà mạng Orange và T-Mobile. Hiện tại tốc độ phát triển của Huawei là rất nhanh chóng với tham vọng trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng và viễn thông lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ericsson (Thụy Điển).
Còn ZTE cũng đang có một danh tiếng khá lớn trong giới công nghệ, với vị trí thứ 4 trong số những nhà sản xuất ĐTDĐ toàn cầu với 90 000 công nhân trên toàn thế giới, và vị trí thứ 5 trong số những hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất.
2 đại gia TQ đang là hiểm họa của nước Mỹ?
Tuy nhiên hồi giữa tháng 7 vừa qua, ZTE đã chính thức vướng vào rắc rối với chính quyền Mỹ khi bị FBI đưa vào tầm ngắm do nghi ngờ có quan hệ bất hợp pháp với một công ty viễn thông khác của Iran là TCI. Trong sự việc này, ZTE đã từ chối cung cấp bất kỳ một tài liệu nào liên quan tới hoạt động của mình tại Iran, nhưng lại đồng ý đưa ra danh sách 19 nhân viên của mình đang phục vụ cho Đảng Cộng Sản Nhân dân Trung Hoa. ZTE còn viện dẫn những điều luật của TQ về việc hạn chế cung cấp thông tin, nhưng điều đó chỉ càng làm tăng thêm nghi ngờ của Mỹ rằng chính phủ TQ cũng đang nhúng tay vào việc này.
Trong bản báo cáo nói trên của Ủy ban Tình báo, chính phủ Mỹ còn được cảnh báo rằng không nên sử dụng bất kỳ một thiết bị, linh kiện nào có xuất xứ từ hai công ty trên để lắp ráp vào hệ thống máy tính của mình để tránh nguy cơ bị lộ thông tin qua các backdoor (cổng hậu) trong các thiết bị Router và Switch. Báo cáo này đã nhấn mạnh: “TQ có phương tiện, cơ hội và động cơ để sử dụng các công ty truyền thông nước mình vào mục đích gián điệp. Huawei và ZTE đã và đang phát triển rất nhanh chóng tại Mỹ, và điều đó khiến cho mối lo ngại của Ủy ban ngày một tăng cao… Trên thực tế, với những hành vi phá rối đã được đưa ra của họ, Ủy ban tin rằng việc nói lên những quan ngại về vấn đề này là điều cần làm ngay.”
Tuy nhiên, đại diện của Huawei tại Mỹ – Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đối ngoại William Plummer – đã có lời phản pháo như sau: “Những luận điểm vô căn cứ hoặc có mục đích nhắm tới Huawei nhưng lại phớt lờ những mối quan hệ thương mại và kỹ thuật đang trở thành mối đe dọa cho chính bản thân nước Mỹ trong các vấn đề nghề nghiệp và phát triển. Chúng không có lợi gì trong việc bảo đảm an ninh quốc gia nhưng lại có nguy cơ gây nên những căng thẳng chính trị… Huawei là một công ty đáng được tin cậy và tôn trọng.”
Còn về phía ZTE, công ty này cũng cho rằng mình “hoàn toàn không đồng ý” với tuyên bố trên của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, và rằng: “ZTE không nên bị đưa vào tầm ngắm trong sự việc này, mà chính là các đại gia phương tây.” Được biết, cuộc điều tra này đối với hai công ty của TQ đã kéo dài gần 1 năm, trong đó có cả phiên điều trần hồi tháng 9 vừa qua với sự tham gia của các nhân viên cấp cao thuộc cả 2 công ty. Trong đó, những người được hỏi đã khẳng định “chắc như đinh đóng cột” rằng không đời nào công ty của mình lại nhận tiền để tiếp tay cho chính phủ TQ và vi phạm luật pháp nước Mỹ. Tuy nhiên, mặc cho những lời giải trình và chứng minh, kết quả do Hạ viện Mỹ công bố vẫn rất bất lợi cho cả hai công ty.
Có ý kiến cho rằng, sở dĩ hạ viện Mỹ cố gắng thúc đẩy cuộc điều tra với hai công ty đến từ TQ này cũng là một trong những động thái làm lợi cho chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra mỗi lúc một rầm rộ. Và hơn ai hết, nước Mỹ là người đang cảm nhận rất rõ sức nóng từ “quả bóng Trung Quốc” ngày một phình to ngay sau lưng mình. Do đó, cũng dễ hiểu khi lần này họ cần phải làm thật mạnh tay để ngăn chặn sự bành trướng của hai gã khổng lồ tham vọng kia. Phát biểu trên chương trình 60 minutes vào Chủ Nhật của tập đoàn truyền thông CBS, Chủ tịch ủy ban Mike Rogers khẩn thiết nói rằng: “Nếu các bạn muốn bảo vệ những bằng sáng chế của mình, nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư của người tiêu dùng và cuối cùng là an ninh của nước Mỹ thì xin bạn hãy chọn các giải pháp dành cho doanh nghiệp khác ngoài 2 công ty Huawei và ZTE”.
TQ liệu có đang đứng đằng sau giật dây?
Tuy không phải chịu nhiều áp lực như Mỹ nhưng với mối lo ngại tương tự, mới đây Australia đã ra lệnh cấm Huawei tham gia bỏ thầu với tư cách là nhà cung cấp cho dự án National Broadband Network trị giá 38 tỷ AUD của quốc gia này.
- Hai gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc là
Huawei và ZTE đã bị liệt vào danh sách mối nguy cơ hiểm họa đối với an
ninh nước Mỹ - Tốc độ phát triển của Huawei là rất nhanh chóng với tham vọng trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng và viễn thông lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Ericsson (Thụy Điển). - ZTE với vị trí thứ 4 trong số những nhà sản xuất ĐTDĐ toàn cầu với 90 000 công nhân trên toàn thế giới, và vị trí thứ 5 trong số những hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất. - Cuộc điều tra này đối với hai công ty của TQ đã kéo dài gần 1 năm, trong đó có cả phiên điều trần hồi tháng 9 vừa qua với sự tham gia của các nhân viên cấp cao thuộc cả 2 công ty - Nước Mỹ là người đang cảm nhận rất rõ sức nóng từ “quả bóng Trung Quốc” ngày một phình to ngay sau lưng mình. - Mới đây Australia cũng đã ra lệnh cấm Huawei tham gia bỏ thầu cho dự án trị giá 38 tỷ AUD. |
Tham khảo: Guardian/genk