Kỳ 2: Rủi ro cho người dùng
Kỳ 1 của loạt bài viết này đã cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan, cũng như những cách nhận biết cơ bản về mặt hàng “xách tay”, cũng như “chính hãng”. Trong kỳ này, chúng tôi cũng cấp thêm những khía cạnh so sánh giữa hàng xách tay, hàng chính hãng,…
Tổng kết lại ở thị trường Việt Nam, sản phẩm Apple có các dạng hàng hóa sau đây:
1.Hàng chính hãng mới 100%: là loại hàng hóa nhập từ các kênh phân phối chính thức, được kiểm định chất lượng của các cơ quan chức năng, được nhận đầy đủ các chế độ bảo hành, hậu mãi của Apple.
Ưu điểm: Đã nói ở trên.
Nhược điểm: thường có giá cao nhất, về Việt Nam thường muộn hơn so với các kênh bán hàng khác.
Hàng chính hãng phải qua nhiều khâu, tốn nhiều chi phí rồi mới tới được tay khách hàng, nên có giá khá cao
2.Hàng xách tay: là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được đưa về thông qua các con đường như nhờ bạn bè mua về, nhập lậu trốn thuế,…. không thông qua kiểm định chất lượng của Bộ TT&TT.
Ưu điểm: thường là giá thành rẻ hơn mặt hàng chính hãng, có sự hỗ trợ từ phía cửa hàng về mặt bảo hành, sửa chữa, với mức độ tùy chính sách của từng cửa hàng. Đặc biệt, do đặc thù chuộng hàng Apple ở Việt Nam mà loại hàng này thường về rất sớm, nhiều khi ngang với các thị trường lớn.
Rủi ro: không đảm bảo về chất lượng, sản phẩm bị ăn cắp sẽ bị xoá thông tin bảo hành trên hệ thống của Apple, sẽ gặp rủi ro về pháp lý cho khách hàng khi tiêu thụ mặt hàng này.
3.Hàng Refurbished (tân trang chính hãng): là sản phẩm trả lại của khách hàng sau quá trình dùng thử nhưng không vừa ý, được Apple tiến hành kiểm tra lại, thay pin mới, đóng seal và bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng mới.
Ưu điểm: giá rẻ, vẫn nhận được cam kết bảo hành từ chính hãng (tuy nhiên riêng với iPhone thì không nhận được chế độ bảo hành toàn cầu).
Rủi ro: nhiều cửa hàng nhập về loại hàng này nhưng bán với mức giá tương đương hàng mới 100%, gây thiệt hại cho người sử dụng.
Hàng refurbished
4.Hàng làm mới (hàng dựng): Là sản phẩm được một số đơn vị tự lắp ghép từ các bộ phận riêng lẻ có chất lượng kém, hoặc “rã” từ nhiều sản phẩm hỏng hóc khác, sau đó tự in lại thông số dán lên vỏ hộp và đóng seal bán như sản phẩm mới.
Rủi ro: chất lượng kém do không được kiểm định, không được nhận chính sách bảo hành của hãng.
5.Hàng trả (trôi) bảo hành: Là sản phẩm mới (thân máy) dùng trả bảo hành cho khách hàng theo chính sách bảo hành 1 đổi 1. Tình trạng ban đầu là chưa kích hoạt (như máy mới). Khi tiến hành kích hoạt, thời hạn bảo hành tự động được tính theo như của máy cũ.
Ưu điểm: người dùng tinh ý có thể mua được máy rẻ, chất lượng tốt, vẫn có bảo hành chính hãng.
Rủi ro: thời gian bảo hành của máy không còn đủ 12 tháng theo chính sách của hãng. Đặc biệt, do Apple chỉ chấp nhận 1 đổi 1 đối với thành phần bị lỗi (tức là máy) nên phụ kiện thường được các cửa hàng bán kèm là dạng “lô”, kém chất lượng.
Làm thế nào để mua được hàng chính hãng, hoặc hàng xách tay với đúng giá trị của nó?
Trước hết phải khẳng định, mọi tuyên bố “hàng chính hãng giá rẻ” chắc chắn không bao giờ chính xác. Tiền bạn không mua được hạnh phúc, nhưng nó mua được chất lượng, và trong trường hợp này, là mua được sự an tâm. Hàng chính hãng phải qua nhiều khâu kiểm tra, đóng nhiều loại thuế, đặc biệt là phải đầu tư các gian hàng đạt chuẩn của Apple.
Theo như quan sát của chúng tôi tại các F.Studio, các gian hàng đạt chuẩn cấp 1 của Apple đều có chi phí đầu tư rất tốn kém: phải đặt tại các trung tâm thương mại, khu vực gần trung tâm thành phố, phải có các trang thiết bị phục vụ quá trình tham quan, mua hàng của khách theo tiêu chuẩn quốc tế. Riêng 1 mặt bàn đá, dùng để đặt các mẫu sản phẩm cũng có giá thành hàng chục ngàn đô la Mỹ.
Đầu tư cho các cửa hàng Apple Store chính thức cực kỳ đắt đỏ, nên không thể có "hàng chính hãng giá rẻ"
Chính vì vậy, nếu chấp nhận mức giá cao, muốn có cảm giác yên tâm thực sự khi mua hàng, cần các chế độ bảo hành, hậu mãi tốt nhất, thì bạn có thể đến các cửa hàng có tên trên trang chủ của Apple để mua sắm.
Nếu tìm đến các cửa hàng thông thường, các bạn cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết như sau:
-Hàng chính hãng Apple bán tại Việt Nam nếu nhập qua các kênh phân phối chính thức sẽ có tên mã: iPhone: tên mã có đuôi là: VN/A, iPad: tên mã có đuôi là TH/A, Macbook tên mã có đuôi là ZP/A. Nếu gặp một chiếc iPhone đầy đủ nhãn mác của đơn vị nhập khẩu nhưng tên mã là LL, ZP hoặc KH, J thì chắc chắn đó là một chiếc máy được đóng lại seal.
-Nhớ kiểm tra IMEI trên vỏ hộp và máy phải trùng khớp. Ngoài ra, lên trang check bảo hành của Apple để tiến hành kiểm tra thời hạn bảo hành của máy. Cách làm này có thể check được các loại máy trôi bảo hành, Refurbished.
-Yêu cầu lấy hóa đơn VAT, kiểm tra IMEI ghi trên hóa đơn xem có trùng khớp với trong máy hay không.
Khi mua hàng chính hãng, bạn cần yêu cầu xuất đầy đủ các loại hóa đơn, chứng từ
Ngoài ra, dưới đây là một vài hình ảnh so sánh để giúp các bạn nhận ra phụ kiện lô, xuất hiện trong các sản phẩm đóng lại seal để bán với giá mới (ảnh: Số Hóa):
Nếu các điều kiện hàng chính hãng không được đảm bảo, bạn chỉ nên mua nó với mức giá của hàng xách tay mà thôi!
Chúc các bạn mua được chiếc máy "chuẩn" với mức giá hợp lý.
Đọc thêm: Phân biệt hàng Apple chính hãng và xách tay Apple tại Việt Nam (Kỳ 1)