Nhịp sống số

Nỗi hối hận muộn màng của cô gái quyết tâm từ bỏ Facebook

Nỗi hối hận muộn màng của cô gái quyết tâm từ bỏ Facebook
Rắc rối mà Jill gặp phải:
-Rắc rối khi sử dụng dịch vụ Spotify
-Mất liên lạc với bạn bè
-Rắc rối khi tìm nhà và tìm bạn cùng phòng.

Jill Krasny là phóng viên kiêm biên tập viên của chuyên mục “Your Money” trên trang tin Businessinsider. Mặc dù là một người tiếp xúc nhiều với mạng Internet, đặc thù công việc phải gắn bó chặt chẽ với các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Song vì một số lí do, gần đây, Jill đã tự tay xóa tài khoản của mình trên mạng xã hội lớn nhất hành tinh - Facebook. Có lẽ những rắc rối mà Facebook mang đến như vấn đề bảo mật, quyền riêng tư, rò rỉ thông tin cá nhân… đã khiến Jill phải đưa ra quyết định này; và việc chấm dứt sử dụng Facebook có thể sẽ khiến cô tránh xa được những phiền toái không đáng có. Nhưng mọi chuyện liệu có đơn giản như vậy? Hãy cùng GenK khám phá những trải nghiệm của Jill qua bài viết sau nhé!




Vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình, tôi quyết định từ bỏ việc sử dụng mạng xã hội lớn nhất hành tinh - Facebook. Tôi thấy rằng sử dụng Facebook dường như chẳng mang tới điều ý nghĩa nào cho mình, thế nhưng bây giờ, tôi cũng phải đặt nghi ngờ rằng liệu ngưng sử dụng Facebook có phải là một quyết định sáng suốt của bản thân?


Tôi băn khoăn về điều này không phải bởi vì Facebook đang “thay máu”, ngày càng có những đổi thay đột phá thu hút người dùng hơn; cũng không phải bởi vì tôi không thể bỏ lỡ được việc “rình mò” hoạt động của bạn bè mình trên mạng xã hội này. Đơn giản chỉ bởi vì khi “tạm rời xa” ngôi nhà Facebook, tôi đã gặp phải không ít điều bất tiện.


Rắc rối với Spotify


Nhược điểm lớn nhất của việc không sử dụng Facebook là tôi bị mất kết nối với bạn bè trên Spotify (một dịch vụ chia sẻ âm nhạc trực tuyến). Tuy tôi không muốn nói chuyện với nhiều người trong số họ ngoài đời thực, nhưng tôi rất muốn biết những gì họ đang nghe trên Spotify. Sự tích hợp giữa Facebook với các ứng dụng khiến tôi có thể làm được điều này; tuy nhiên, khi ngưng dùng Facebook, đó quả là một “nhiệm vụ bất khả thi” đối với tôi. Bạn bè không thể liên lạc, kết nối được với tôi; còn bản thân tôi cũng không thể kết bạn được hay chỉ đơn giản là xem danh sách nghe nhạc của những người bạn cũ.



Không có cách nào để vượt qua khó khăn này. Tôi tìm đỏ mắt trên trang trợ giúp người dùng của Spotify nhưng không hề thấy một dòng hướng dẫn việc kết bạn với những người-không-phải-là-Facebooker! Và hiện tại, tôi phải khám phá thế giới muôn màu của âm nhạc bằng những cách quá lỗi thời (như qua các blog âm nhạc, radio,…) - không quá tệ, nhưng hình thức này vẫn không thú vị bằng việc chia sẻ một bài hát mới yêu thích của mình như trên Spotify.


Tương tự như vậy, người dùng không sử dụng Facebook có thể gặp trở ngại nếu họ muốn sử dụng các mạng xã hội hay ứng dụng, đơn cử như Pinterest và Instagram- hai cái tên mà nhờ sự tích hợp chặt chẽ với Facebook đã ngày càng phổ biến hơn đối với cộng đồng mạng. Tôi không quá quan tâm tới việc chia sẻ trên những trang web hay ứng dụng này; tuy nhiên, việc quá nhiều ứng dụng hay mạng xã hội phổ biến được tích hợp với Facebook có thể khiến nhiều người như tôi cảm thấy hụt hẫng và khó khăn khi ngưng sử dụng mạng xã hội này.


Mất liên lạc


Từ lâu, tôi đã nhận thức được ảnh hưởng của việc tạm dừng sinh hoạt trên Facebook đối với đời sống thực của mình. Nhiều người xem quyết định điên rồ của tôi là một “cái tát” trời giáng vào mặt; một số khác lại không thể hiểu nổi tại sao tôi lại muốn bỏ lỡ thói quen theo dõi suy nghĩ, tâm tư, tâm trạng mỗi ngày của họ; và chưa kể tới cả những bức ảnh thú vị được họ chia sẻ trên Facebook nữa.



Thế nhưng, vào thứ Bảy tuần qua, tôi đã thấm thía được sự tệ hại của quyết định này. Tôi đã bỏ lỡ lời mời từ một người bạn tới dự bữa tiệc Memorial Day đơn giản chỉ vì lời mời đó được đăng tải trên Facebook của cậu ta; nhưng tôi lại không có một tài khoản trên mạng xã hội này. Tất nhiên, với nhiều người nói chung và tôi nói riêng, Facebook không phải là một mạng xã hội hoàn hảo; nhưng ít ra nhờ có nó, tôi vẫn không bị “lỡ hẹn” với những sự kiện quan trọng của bạn bè; mà việc có một email, một tài khoản Twitter hay LinkedIN chưa đủ để giúp tôi có thể đảm bảo cho những kết nối của mình hoàn toàn thông suốt, đầy đủ, trọn vẹn.


Khủng hoảng nhà ở


Cuối cùng, không có tài khoản Facebook sẽ ảnh hưởng đến một vấn đề, mà nếu nghe qua bạn sẽ chẳng thấy có liên quan mấy, đó là thị trường nhà ở vốn đang khá bức bối ở New York. Tại một thành phố “đất chật người đông” như thế này, có được cho riêng mình một ngôi nhà quả là một điều khó khăn và vì lẽ đó, tôi phải kiếm tìm cho mình một người bạn để cùng thuê trọ.

Nhiều người nghĩ rằng, đây là một vấn đề đơn giản để vượt qua; nhưng trong thời đại mà “người người dùng Facebook, nhà nhà dùng Facebook”, thời đại mà Facebook là "người đại diện" trên Internet của chúng ta đối với nhà tuyển dụng lao động, bạn cùng phòng hay thậm chí cho một cuộc hẹn trong tương lai. Tôi cảm thấy rằng nếu không có Facebook, rất khó khăn để thuyết phục với những người bạn muốn thuê phòng với mình rằng tôi không phải là một kẻ lừa đảo, không phải là một kẻ “quỵt tiền” nhà hay luôn “khất lần” tiền nhà từ ngày này qua ngày khác.




Không một lí do nào trong số này đủ để “kéo” tôi kết thân trở lại với mạng xã hội lớn nhất hành tinh; nhưng chúng cũng đủ để khiến tôi xem xét lại quyết định-mà theo nhiều người là điên rồ-này của mình.


Còn bạn, đã bao giờ bạn muốn nhấn nút “DELETE” với tài khoản Facebook của mình?


Tham khảo: Business Insider