Nhịp sống số

Những khó khăn khi triển khai IPv6 tại Việt Nam

Những khó khăn khi triển khai IPv6 tại Việt Nam

Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu, triển khai thế hệ địa chỉ mới nhằm thay thế cho IPv4 nhưng tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng và nhận thức hết tầm quan trọng của vấn đề này.

Ngày 15/4/2011, châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới chính thức hết địa chỉ IPv4. Việc sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tham gia hoạt động trên Internet. Tổ chức tên miền quốc tế (ICANN) nhận định đây là mốc đặc biệt trong lịch sử phát triển Internet và tương lai của mạng kết nối toàn cầu sẽ phụ thuộc vào giao thức IPv6 (có không gian địa chỉ lớn hơn và được ví như "mặt trời" so với "quả bóng" IPv4).

Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra những rào cản lớn với các doanh nghiệp trên thế giới khi chuyển sang IPv6 là vấn đề nhận thức, khả năng hỗ trợ của nhà sản xuất thiết bị, trình độ nhân lực và chi phí.

Thiết bị di động tràn ngập khiến nguồn IPv4 cạn kiệt.
Thiết bị di động tràn ngập khiến nguồn IPv4 cạn kiệt. Ảnh: jeffkorhan.

Chi phí luôn là một thách thức đối với các cơ quan, tổ chức ở các nước, đặc biệt là Việt Nam nằm trong số các quốc gia đang phát triển và phải ưu tiên ngân sách cho các vấn đề thiết yếu. Bù lại, VN được các chuyên gia đánh giá là có ưu thế về sự tương thích IPv6 với các thiết bị hiện có. Là thị trường năng động nên nguồn thiết bị được cập nhật nhanh theo kịp xu thế, khả năng tương thích không phải rào cản lớn nhất đối với Việt Nam.

Vấn đề khó khăn ở đây, theo nhận định của giới chuyên môn, là sự nhận thức thiếu đầy đủ và không đến nơi đến chốn từ phía doanh nghiệp Internet, thể hiện ở hành động bề nổi, không đi vào thực chất. Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, Việt Nam xuất hiện khá sớm trên bản đồ phân bổ IPv6 thế giới (có vùng địa chỉ IPv6 đầu tiên ngay từ năm 2004) và đã có những thời điểm nằm trong các quốc gia dẫn đầu khu vực về số lượng vùng địa chỉ IPv6 được cấp phát, nhưng tỷ lệ sử dụng trên thực tế lại rất thấp.

Bên cạnh đó là sự nhận thức thiếu đồng bộ và nhất quán từ phía các Bộ, Ngành, đơn vị có liên quan, trong khi triển khai IPv6 lại đòi hỏi huy động nguồn lực tổng hợp. Xã hội dường như có chung quan điểm rằng nâng cấp lên IPv6 là việc riêng của các doanh nghiệp ISP và các cơ quan quản lý nhà nước.

Trước tình hình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia (IPv6TF) và VNNIC dự kiến tổ chức hội thảo "IPv6 - Công nghệ và ứng dụng với Việt Nam" tại Hà Nội ngày 31/5 và 1/6. Đây là lần đầu tiên một sự kiện lớn, quy mô quốc tế về IPv6 được tổ chức tại Việt Nam nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6.

Giao thức Internet hay còn gọi là địa chỉ IP là chuỗi số được phân cho mỗi máy tính, website hay thiết bị kết nối Internet (không phải domain - tên miền website). Giao thức IPv4 chứa 4,3 tỷ địa chỉ IP nhưng sự bùng nổ của các thiết bị có khả năng hỗ trợ Internet trên toàn cầu đã khiến nguồn địa chỉ này cạn kiệt vào năm 2011. Giao thức IPv6 đã ra đời, mang đến không gian địa chỉ lớn hơn, dễ quản lý với cấu trúc định tuyến phân cấp, bảo mật cao và hỗ trợ thiết bị di động tốt hơn (thời điểm ra đời IPv4 chưa tồn tại khái niệm thiết bị IP di động).

<>