Qua cuốn tiểu sử, người ta biết rằng Jobs hối hận vì đã không chịu phẫu thuật sớm hơn, ông thù ghét Android vì cố tình sao chép iOS. Ông cũng nhiều lần khóc (như khi bị đẩy ra khỏi Apple, khi xem quảng cáo Apple 1984 lần đầu, khi thấy Windows ăn cắp ý tưởng của Mac, khi ông muốn Apple II được bảo hành một năm thay vì 90 ngày, khi đề cập đến vấn đề quyền riêng tư...) và ông khóc nhiều đến nỗi nếu liệt kê gần nhau, Jobs hiện lên như một người đàn ông mong manh.
Kỷ niệm một năm ngày mất Steve Jobs, tạp chí Forbes đã phỏng vấn một số người bạn, đồng nghiệp của ông để hiểu hơn về thầy phù thủy công nghệ đã ra đi ở tuổi 56.
Steve Jobs qua đời ngày 5/10/2011. |
Giấu những chiếc Porsche
Kỹ sư phần mềm Randy Adams ban đầu từ chối lời đề nghị làm việc tại công ty NeXT của Jobs vào năm 1985. Ông chưa sẵn sàng trở lại sau khi bán đi công ty phát triển phần mềm desktop của mình. "Ông đang ném nó đi. Đây là cơ hội của cả đời người, và ông đang ném nó đi", Jobs nói. Và Adams đã nghĩ lại.
Ông dành một phần tiền kiếm được từ việc bán công ty để mua xe Porsche 911 cùng thời điểm với Jobs. Để tránh việc va chạm khi mở cửa, họ đỗ gần nhau với khoảng trống khá xa giữa hai xe. Một ngày Jobs hối hả tới bàn làm việc của Adams và nói họ phải lái xe đi chỗ khác. Tôi hỏi tại sao và cậu ấy trả lời: "Randy, chúng ta phải giấu mấy chiếc Porsches đi. Ross Perot sắp tới và cân nhắc việc đầu tư vào công ty, nên tôi không muốn ông ấy nghĩ chúng ta có nhiều tiền". Họ lái xe ra sau văn phòng NeXT ở Palo Alto, California và sau đó, Perot đầu tư 20 triệu USD vào công ty này năm 1987.
Adams cũng nhớ Bill Gates, nhà sáng lập Microsoft, có chuyến ghé thăm trụ sở NeXT vào mùa thu năm 1986. Lễ tân dưới sảnh gọi cho Jobs, khi đó đang ở trên tầng, để thông báo sự hiện diện của Gates. "Tôi thấy cậu ấy ngồi đó, không thực sự bận rộn. Nhưng cậu ấy không đứng dậy cũng chẳng gọi Gates lên. Jobs để Gates đợi gần một tiếng. Đó là thông điệp Jobs muốn nói với đối thủ". Còn các kỹ sư của NeXT tranh thủ cơ hội xuống tầng và trò chuyện với Gates cho tới khi Jobs quyết định mời ông vào.
Adams nhớ nhiều thứ về Jobs khi còn ở NeXT như khi ông mặc như một ông già Noel và trao những tờ 100 USD cho nhân viên. Một năm sau khi Jobs ra đi, Adams vẫn cảm nhận được sự mất mát quá lớn. "Cậu ấy mang đến động lực khó tin, truyền cảm hứng và nâng bạn lên. Tôi tin khi bạn ở bên Steve, bạn có thể làm mọi thứ. Bạn có thể thay đổi thế giới. Khi cậu ấy rời bỏ thế giới, cảm giác ấy cũng ra đi trong tôi. Sẽ chẳng có ai được như Steve".
Vết bẩn ở gian hàng mini
Sau cuộc phẫu thuật năm 2004, Jobs đã gặp một số phóng viên tại trung tâm mua sắm Stanford ở Palo Alto để giới thiệu thiết kế gian hàng mini chỉ khoảng 70 mét vuông (bằng nửa Apple Store thời điểm đó) với trần và sàn trắng tinh, tường thép không gỉ của Nhật.
Thiết kế cửa hàng trông rất đẹp trên giấy tờ nhưng không thực tế. Tường đầy dấu vân tay và sàn nhà in các vết đen. Khi tấm màn che cửa hàng được kéo xuống và khi Connie Guglielmo của Forbes nhìn xuống sàn, bà lập tức quay sang Jobs và hỏi ông có tham gia vào việc thiết kế không. Jobs nói có. "Rõ ràng bất cứ ai thiết kế cửa hàng này đều chưa bao giờ từng phải lau sàn nhà trong đời", Guglielmo nói. Jobs nhíu mày và bước vào trong.
Vài tháng sau, một lãnh đạo Apple kể cho Guglielmo nghe rằng ngay sau lễ công bố đó, Jobs đã yêu cầu tất cả các nhà thiết kế tới cửa hàng và thức cả đêm quỳ gối lau sạch bóng sàn nhà màu trắng.
'Họ sẽ quen với bàn phím ảo'
Marc Andreessen, chuyên gia về trình duyệt và sau trở thành nhà đầu tư, nhớ lại cuộc gặp gỡ với vợ chồng Steve Jobs vài tháng trước khi iPhone được công bố. "Mùa thu năm 2006, vợ chồng tôi ăn tối với Jobs. Ngồi bên ngoài nhà hàng ở California Avenue, Steve rút mẫu thử iPhone ra khỏi túi quần jean và nói: 'Tôi có thứ này muốn khoe ông'. Ông ấy giới thiệu các tính năng của thiết bị mới. Sau phút ồ, à... trầm trồ, tôi, một fan cuồng của BlackBerry, hỏi: 'Steve, cậu không nghĩ là việc thiếu bàn phím sẽ là vấn đề à? Mọi người có cảm thấy thoải mái khi gõ trực tiếp trên màn hình không?' Ông ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: 'Họ sẽ quen với việc đó".
Apple đã bán được hơn 250 triệu iPhone từ năm 2007 và đây là là một trong những smartphone ăn khách nhất thế giới.
Thẳng thắn và cay nghiệt
Guy Kawasaki, một người nổi danh trong cộng đồng các nhà phát triển Mac, đang làm việc ở văn phòng năm 1984 thì Jobs xuất hiện cùng một người nữa. Jobs hỏi Kawasaki nhận xét gì về chương trình dành cho Mac của công ty Knoware.
"Tôi nói hết với ông ấy những gì tôi nghĩ, toàn là quan điểm tiêu cực. Khi tôi kết thúc, ông ấy quay sang nhìn người đàn ông kia rồi nói với tôi: 'Giới thiệu với cậu đây là CEO của Knoware'. Đó chính là phong cách của Jobs. Nếu là người hâm mộ ông, bạn sẽ nói ông ấy biết cách xử lý những vấn đề khó nói. Còn nếu không thích, bạn sẽ nói ông ấy thiếu lịch thiệp", Kawasaki cho hay. Dù đối xử với mọi người như thế, lý do ông ấy vẫn lôi kéo được những con người tài năng cùng làm việc là ông ấy luôn đánh giá cao những ý tưởng, sản phẩm tốt. Nếu muốn thực hiện điều tuyệt vời, bạn có thể tới Apple. Nhưng đổi lại là sẽ có lúc bạn phải hứng chịu cảnh bẽ mặt".
Biểu tượng bàn tay trên màn hình
Nolan Bushnell, nhà sáng lập Atari và từng thuê Jobs năm 1974, nói điều ông nhớ nhất về Steve Jobs là cường độ làm việc: "Steve là người đầu tiên tôi thấy đang ngồi ở bàn làm việc vào buổi sáng sau một đêm thức trắng. Nhiều người nghĩ thành công cũng cần sự may mắn và biết chọn đúng nơi đúng thời điểm. Nhưng tôi nghĩ, nếu bạn chăm chỉ hơn bất cứ ai, bạn cũng đang tự tạo ra cho mình vô số sự may mắn. Jobs thích thảo luận về những ý tưởng lớn. Cậu ấy luôn thích nói về việc tạo ra sản phẩm và biết khi nào sản phẩm sẵn sàng có mặt trên thị trường".
Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Bushnell mua một ngôi nhà lớn ở Paris và mời tất cả bạn bè ở Thung lũng Silicon (Mỹ) tới dự tiệc, trong đó có Jobs dù ông đã rời Atari để thành lập Apple năm 1976. Trong khi mọi người mặc đúng kiểu trang phục đến dự tiệc, Jobs xuất hiện với chiếc quần jean Levi's.
Bushnell kể: "Ngày hôm sau, tôi uống cafe còn Steve uống trà, ngắm người dân Paris qua lại. Chúng tôi trò chuyện sôi nổi về tầm quan trọng của sự sáng tạo. Cậu ấy khi đó biết vòng đời của Apple II sắp kết thúc nhưng không hài lòng với Apple III. Cậu ấy mới bắt đầu hình thành ý tưởng về hệ thống Lisa và Macintosh. Chúng tôi bàn về phím di chuột trackball, về phím định hướng joystick và về chuột cũng như biểu tượng bàn tay nhỏ trên màn hình để chỉ vị trí của chuột. Lần cuối tôi gặp Jobs là một năm trước khi cậu ấy mất. Cậu ấy rất gầy nhưng không hề yếu đuối và nói 'tôi sẽ chiến đấu với điều này".
Câu chuyện Giáng sinh
Regis McKenna, chuyên gia marketing của Apple từ năm 1983 đến 1987, cho hay khi mới 22 tuổi, Jobs đã đi xe máy tới nhà McKenna và nói muốn xây dựng Apple thành thương hiệu toàn cầu.
"Năm 1998, vợ chồng tôi mua 5 chiếc iMac làm quà Giáng sinh cho mấy đứa cháu. Khi Molly, 5 tuổi, mở hộp, con bé reo lên: Cuộc đời thật đẹp'. Thật tiếc, iMac của Molly có vấn đề khi cửa ổ quang không mở. Người bán nói cậu ấy không có quyền đổi máy vì chính sách của Apple, trong khi việc sửa chữa lại mất vài tuần. Tôi gửi e-mail cho Jobs hỏi về chính sách đổi máy mới. Năm phút sau, điện thoại của tôi đổ chuông. Steve gọi và hỏi tôi vấn đề là gì và tên của người bán. 'Tôi sẽ gọi lại ngay', Steve nói. Vài phút sau, điện thoại lại đổ chuông và đầu dây kia là người bán hàng: 'Chúng tôi sẽ gửi một chiếc iMac mới cho cháu ông'. Tôi viết e-mail cảm ơn Steve vì đã mang đến một Giáng sinh tuyệt vời cho cô cháu gái. Jobs trả lời lập tức với nội dung đơn giản: 'Ho, ho, ho'.
Năm 1985, một tuần sau khi bị sa thải, Jobs trò chuyện với McKenna về kế hoạch tiếp theo của mình. "Steve nói Apple có thể hưởng lợi từ việc cậu ấy ra đi. Cậu ấy muốn giúp Apple bằng việc thành lập công ty. Jobs muốn công ty mới sẽ phát triển công nghệ mà Apple có thể sẽ sử dụng và đó là cách ông có thể làm lợi cho Apple. Thời điểm đó, Steve đã không nhận ra tuyên bố đó có ý nghĩa như thế nào", McKenna cho hay. Năm 1996, Apple mua NeXT với giá 429 triệu USD - một động thái để mời Jobs về và đây trở thành cuộc trở lại ngoạn mục nhất trong lịch sử các công ty Mỹ.
Steve Jobs là con người tổng hòa nhiều tính cách: vừa khắc nghiệt, thẳng thắn, tỉ mỉ, vừa ân cần, dễ xúc động. |
Một người bạn khi cần
Heidi Roizen (giờ là một nhà đầu tư) đứng đầu công ty T/Maker chuyên cung cấp phần mềm cho Mac vào thập niên 80. "Ngày 1/3/1989, Steve gọi cho tôi để bàn công chuyện. Vì đó là Steve nên tôi mới nghe máy bởi tôi mới nghe tin cha tôi qua đời đột ngột trong chuyến công tác ở Paris. Khi tôi kể chuyện xảy ra, ông ấy hỏi: 'Vậy sao cô còn làm việc? Cô cần về nhà. Tôi sẽ tới đó ngay'. Jobs tới nhà tôi, ngồi trên sàn cùng tôi trong khi tôi thổn thức trong suốt 2 tiếng. "Steve hỏi về cha tôi, về việc ông ấy quan trọng với tôi thế nào và điều tôi yêu nhất ở cha là gì. Mẹ của Steve cũng mới qua đời vài tháng trước đó và tôi nghĩ Steve hiểu tôi cảm thấy thế nào và biết tôi cần chia sẻ ra sao. Tôi luôn nhớ và trân trọng những điều ông ấy đã làm để an ủi tôi", Roizen nhớ lại.
Jobs soi xét mọi thứ
Emily Brower Auchard, làm việc trong đội PR của NeXT, cho hay Jobs luôn để ý và soi những chi tiết nhỏ nhặt nhất. "Một trong những nhiệm vụ của tôi là tham gia các cuộc phỏng vấn báo chí với Steve và ghi chú lại. Một lần trước khi diễn ra phỏng vấn, tôi phát hiện mình đang đi hai chiếc giày khác nhau. Tôi gọi điện cho sếp xin lời khuyên. Bà ấy bảo tôi phải giải quyết vấn đề ngay vì Steve chắc chắn sẽ nhận ra. Vì thế tôi vội vã lái xe đi mua đôi giày mới rồi quay trở lại NeXT. Đó là lần mua sắm được quyết định nhanh nhất trong đời tôi", Auchard cho hay.
Phỉ báng để đạt mục đích
Năm 1989, NeXT, đang vật lộn giành giật khách hàng, có cuộc họp với IBM để thảo luận về bản quyền phần mềm NeXTStep trên máy IBM OS/2. Một cựu lãnh đạo của NeXT (yêu cầu không tiết lộ tên) cho hay NeXT thực sự rất muốn thương vụ này thành công. Ban lãnh đạo hai công ty ngồi chờ Jobs tại trụ sở NeXT. Cuối cùng ông ấy cũng xuất hiện, quay sang lãnh đạo cao cấp của IBM và nói: "Giao diện người dùng của các ông dở ẹc". Có tiếng thở hắt từ các đại diện của cả hai công ty.
"Ông ấy là một chuyên gia đàm phán tài tình. Ông ấy 'thả bom' để làm nhụt chí mọi người. Ông ấy sẵn sàng lăng mạ, nói theo kiểu chúng tôi sẽ đồng ý làm vụ này những sản phẩm của các ngài chỉ là thứ rác rưởi. Nhưng ông ấy luôn nhận được thứ ông ấy muốn. Cuối năm đó, IBM đã đồng ý mua phần mềm với giá 65 triệu USD).