Vài ngày trở lại đây, cộng đồng mạng Việt Nam truyền tai nhau câu truyện về vụ việc mất điện thoại của một bạn trẻ tên Hà My. Điều lạ lùng nằm ở chỗ, người nhặt được điện thoại của Hà My không những không đem trả mà còn liên hệ lại với người mất để mặc cả và xin password.
Nhân vật chính của câu truyện là Hà My, một du học sinh đang theo học tại Singapore. Nhân dịp Giáng sinh và năm mới, cô gái này bay về Việt Nam để thăm gia đình và đi chơi với bạn bè. Tuy nhiên trong quá trình di chuyển, khi đi đến đoạn đường Bưởi giao với Hoàng Hoa Thám, Hà My đã để mất túi, trong đó có chiếc điện thoại iPhone 5S cùng tiền bạc và giấy tờ.
Sau khi bị mất túi, cô gái này sử dụng chức năng Find My Phone trên iCloud để định vị vị trí của chiếc máy và dùng chế độ Lost Mode để nhắn tin cho người cầm điện thoại.
"Làm ơn giúp đưa lại mình giấy tờ trong túi, mình biết bạn đang ở gần phố Dịch Vọng, mình không muốn nhờ công an tìm nên bạn làm ơn liên lại cho mình vào số 098*******".
Một trong số những tin nhắn được Hà My gửi đi bằng chế độ Lost Mode thông qua chức năng tìm kiếm Find My Phone trên iCloud.
Sau khi những tin nhắn như vậy được gửi đi, người cầm điện thoại đã chủ động liên lạc lại với Hà My. Chỉ có điều, người này không có ý định trả lại đồ mà nhắn tin lại với mục đích xin mật khẩu. Dù đã nói hết lý lẽ và đề nghị hậu tạ 5 triệu đồng nếu trả lại chiếc túi cùng toàn bộ giấy tờ, người nhặt được chiếc túi của Hà My vẫn không từ bỏ ý định muốn chiếm đoạt chiếc điện thoại.
Những tin nhắn trao đổi qua lại với người nhặt được chiếc túi được Hà My chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
Phẫn nộ trước hành động của người lạ, Hà My đã chủ động liên hệ với công an để nhờ các đơn vị chức năng vào cuộc và tiến hành xử lý.
Sang đến ngày 26/12, công an đã tìm ra người nhặt được đồ của cô gái này và mời đến trình diện. Sau khi có mặt tại cơ quan điều tra, người này đã đồng ý trả lại giấy tờ, đồng thời khai nhận đã làm mất chiếc điện thoại. Nghi ngờ trước lời khai có phần bất hợp lý, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét nhà ở của người này và tìm ra tang vật của vụ việc là chiếc iPhone 5S.
Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, hành vi nhặt được số tiền lớn mà không trả lại cho chủ sở hữu là phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự: Tội chiếm giữ trái phép tài sản. 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Trong trường hợp nếu người mất đã trình báo cơ quan Công an và thông báo rộng rãi về việc bị mất tiền, người nhặt được biết mà cố ý giữ lại không hoàn trả cho người mất thì khi bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”. |