Vài năm trở lại đây dịch vụ cho vay tiền mặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM diễn ra sôi động với quảng cáo tràn lan tại cột điện, bờ tường cùng đủ các chiêu trò và lời mời gọi để thu hút người vay.
Cho vay tiền mặt với lãi suất 3.000-11.000 đồng/ngày, vay không cần thế chấp, "alo là có tiền" được các đầu mối quảng cáo rộng rãi.
Dù đã được các cơ quan quản lý, đơn vị chức năng cảnh báo nhưng tình trạng người dân vướng vào “tín dụng đen” vẫn xảy ra.
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Bộ Công an, trong giai đoạn 2014-2017, cả nước đã xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan “tín dụng đen”. Trong đó có tới 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản… với số tiền chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Các "ngân hàng cột điện" phổ biến trên đường phố Hà Nội hiện nay. Ảnh: Quang Thắng.
Nhằm hạn chế tình trạng cho vay phi pháp này, mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành để hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”.
Một trong những nội dung quan trọng là yêu cầu các ngân hàng thương mại quản lý chặt cán bộ, nhân viên không được tham gia các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.
Thực tế, nhiều băng nhóm cho vay bị triệt phá thời gian qua đã phát hiện không ít trường hợp có sự tiếp tay của cán bộ làm trong ngành ngân hàng.
Cũng theo chỉ đạo của thống đốc, các vụ, cục chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn. Cần kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan.
Để khắc phục trực tiếp hoạt động của các băng nhóm “tín dụng đen” trên thị trường, các vụ, cục chức năng phải đẩy nhanh tiến độ trả lời yêu cầu của cơ quan điều tra về giám định tài chính, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ điều tra vụ án liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền các chính sách mở rộng, đa dạng loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Khuyến khích phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô tại tất cả vùng, miền với thủ tục nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, để hạn chế nguồn vốn cung ứng cho hoạt động phi pháp này.
Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với đơn giản thủ tục vay vốn để người dân, khách hàng dễ dàng vay khi có nhu cầu.
Với hoạt động cho vay ngang hàng, vay trực tuyến đang diễn ra, Thống đốc yêu cầu các vụ, cục phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế, quy định pháp luật để quản lý cụ thể.
Thống đốc yêu cầu các đơn vị trên phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về công tác giám định tài chính nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với các vụ án hình sự liên quan đến “tín dụng đen”.
Phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với học sinh, sinh viên về chính sách, quy định của pháp luật trong hoạt động vay và cho vay.
Theo: Zing.vn
Nhân viên ngân hàng "thụt két" hơn 100 tỷ khiến 20 cán bộ hầu toà
(Techz.vn) Ngày 23/4, TAND tỉnh Đắk Lắk tiến hành phiên tòa sơ thẩm hình sự 20 bị cáo từng là cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch huyện Krông Bông của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) về các hành vi tham ô, lừa đảo, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tạo điều kiện để bị cáo Chu Ngọc Hải chiếm đoạt hơn 114 tỷ đồng.