Kinh doanh giá trị thực hay lợi dụng tâm lí? Đó là câu hỏi mà hôm nay tôi muốn đặt ra cho các nhà sản xuất công nghệ. Có thể trả lời luôn là các nhà sản xuất làm cả 2 cách trên để kiếm lời, họ tạo ra những sản phẩm tốt nhưng cũng đồng thời biết cách nắm bắt tâm lí người tiêu dùng để bán được nhiều hàng. Tùy từng thời điểm mà các nhà sản xuất áp dụng các cách trên, và vấn đề của người tiêu dùng thông minh là phải nhìn nhận ra thời điểm mua sản phẩm hợp lí.
Thế kỉ trước, kĩ thuật đã thay đổi lịch sử loài người. Đến thế kỉ này, điều thay đổi nhiều nhất cuộc sống của chúng ta chính là công nghệ. Con người muốn phát triển được thì phải cần có công cụ. Công cụ kĩ thuật đã tạo nên nền công nghiệp hiện đại. Công cụ công nghệ làm thay đổi hoàn toàn cách chúng ta tiếp cận phương pháp theo hướng đơn giản hơn, thông minh hơn. Công nghệ tạo nên những điều kì diệu, không chỉ với những người sử dụng mà còn cả với những nhà sản xuất. Hai người giàu nhất hành tinh đến thời điểm hiện tại theo thống kê của Forbes hay Bloomberg là Bill Gates và Carlos Slim Helu đều là những ông chủ của các hãng kinh doanh công nghệ (công nghệ thông tin và viễn thông), trong 3 tập đoàn kinh tế lớn nhất Hàn Quốc, các hãng công nghệ chiếm đến 2 (Samsung, LG), top 10 thương hiệu giá trị hàng đầu cũng có sự góp mặt của 5 thương hiệu công nghệ: Google, Apple, IBM, Microsoft, At&T…Tất cả những thống kê tương tự cho ta thấy công nghệ đã tạo ra những giá trị như nào về mặt kinh tế vĩ mô.
Những sản phẩm công nghệ ngày nay được chú trọng phát triển cả phẩn cứng lẫn phần mềm. Không thể phủ nhận là chúng ngày càng tốt lên nhưng có xứng đáng với cái giá mà chúng ta phải trả thêm? Hầu hết các nhà sản xuất đều nâng cấp các dòng sản phẩm theo chu kỳ năm, nhưng số dòng sản phẩm thì cũng gần bằng số tháng trong năm vậy là tháng nào cũng có sản phẩm mới ra mắt, và để bắt kịp xu thế thì đúng là chỉ lợi cho nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất cứ ngày ngày thuê quảng cáo và thao thao bất tuyệt về những điểm đặc biệt mà sản phẩm mới mang lại, những nâng cấp “đáng giá”,… trong khi người tiêu dùng thì hoàn toàn bị động trong việc “tỉnh táo” để quyết định. Phần lớn những đánh giá của người tiêu dùng bây giờ được quyết định bởi những thông số do nhà sản xuất đưa ra, và đặc biệt là từ các trang đánh giá. Thử hỏi bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa 1,2Ghz hay 1,5Ghz, bạn có thể đánh giá được 320ppi so với 358ppi,… tất cả những thứ đó chỉ làm bạn cảm thấy yên tâm hơn. Tất nhiên không thể phủ nhận tất cả các nâng cấp, nhưng cần tỉnh táo để đánh giá các nâng cấp. Theo tôi, những nâng cấp dưới 20% so với sản phẩm cũ thì sẽ là không sáng suốt nếu bạn quyết định mua.
Các nhà sản xuất có đội ngũ Marketing rất khéo léo,rất biết cách khơi gợi ham muốn của người tiêu dùng. Để ý một chút, ta sẽ thấy chiến lược mà các nhà sản xuất ngày nay hay dùng: Chiến lược tiệm cận mong muốn. Chiến lược này sẽ khai thác tối đa một mẫu thiết kế: khi nghiên cứu, họ sẽ tập trung phát triển một mẫu điện thoại cấu hình cao nhất có thể, nhiều tính năng mới nhất có thể,… Nhưng khi đưa ra thị trường, họ sẽ đưa ra những mẫu kém hoàn hảo hơn một chút và họ sẽ “để dành” những chi tiết còn thiếu so với bản “tiêu chuẩn” vào mục đích nâng cấp. Có thể thấy điều này ở những mẫu nâng cấp cách nhau 3-6 tháng.
Dễ thấy nhất, bạn có thể nhìn sang mẫu Xperia Z của Sony, rõ ràng Xperia Z là một màn “chào hàng” và khi mọi người đã mua Xperia Z thì sẽ có chung nhận định: Giá mà máy có màn hình đẹp hơn chút nữa, camera tốt hơn chút nữa hay màn hình lớn hơn chút nữa,…thì tuyệt. Và bạn thấy đấy, các mẫu Xperia Z mới như Ultra hay Hanomi sẽ “thỏa mãn” những mong muốn này. Hay gần nhất là mẫu HTC one mở rộng, có màn hình lớn hơn và CPU được nâng cấp,….
Một món ăn ngon sẽ tuyệt hơn nếu để cho người ăn cảm giác thòm thèm. Tại sao phải làm thế? Vì người ta sẽ tiếp tục muốn thưởng thức món ăn đó. Và mục tiêu của các hãng cuối cùng là doanh số và khai thác tối đa các thiết kế mà họ đã đổ tiền vào nghiên cứu. Khi bạn nâng cấp sản phẩm, bạn có để ý rằng ngoài việc bạn đã bỏ một số tiền để mua máy mới thì chính những thiết bị “lỗi thời” mà bạn mới mua mấy tháng trước thôi cũng có giá trị sụt giảm. Thế là thiệt hại thêm gia tăng. Đồng ý là những sản phẩm đó đã phục vụ bạn, nhưng liệu chúng có giá như thế? Trung bình, khi dùng “siêu phẩm”, kể từ lúc mới ra mắt cho đến lúc có bản nâng cấp mới, mỗi máy sẽ “khấu hao” khoảng 500.000 đ/tháng, thậm chí còn hơn nếu bạn nào mua máy mới lúc đang sốt: Các siêu phẩm như iPhone 5, Z10,… khi mới “về” đều có giá trên “hai chục củ”, để rồi sau 3 tuần, số tiền khấu hao hàng ngày không dưới 6 số 0. Apple áp dụng chiến lược tập trung phát triển sản phẩm, tất cả trong một, nhưng Apple cũng áp dụng chiến lược khai thác tối đa 1 mẫu thiết kế với các mẫu S.
Điểm dễ nhận thấy với những kiểu nâng cấp kiểu này là không có sự khác biệt lớn về hình dáng bên ngoài của sản phẩm, như Iphone 4 với 4S, S3 với S4,…Khi các nhà sản xuất quảng bá cho các dòng “nâng cấp” này, họ sẽ không chú trọng làm nổi bật toàn bộ sản phẩm mà chỉ tập trung vào 1 hoặc vài “chức năng mới” như Siri của Iphone 4s, S4 với chức năng cuộn màn hình bằng mắt,… Phương pháp này đánh đúng vào tâm lí người tiêu dùng : mong muốn sự ho&agravagrave;n hảo “all in one”. Con người luôn có mong muốn hoàn thiện, và đương nhiên là đối với cả những gì mà họ sở hữu nữa, nếu đã thấy chức năng theo dõi mắt người dùng ở trên S3 hoạt động tốt thì sẽ sao có thể bỏ qua chức năng dùng mắt cuộn màn hình trên S4? Thêm vào đó là việc thành công trong việc “reo rắc” vào đầu của một bộ phận tín đồ: sản phẩm thể hiện đẳng cấp, sành điệu. Và thế là nếu không phải là sản phẩm mới nhất thì cảm giác “lỗi thời” sẽ choáng lấy tâm trí.
Việc nâng cấp sản phẩm kiểu này đem lại doanh số cao cho các nhà sản xuất,khai thác và sử dụng hiệu quả hơn các thiết kế, nhưng bù lại, nó lại mang cho người dùng cảm giác bị lỗ thời chỉ sau một thời gian ngắn. Nặng nề hơn là cảm giác bị phản bội,móc túi một cách trắng trợn vì sản phẩm mau “mất giá” , như là khi bạn vừa mua S4 chưa được bao lâu thì giờ đây, có đến 3 mẫu S4 mới ra mắt: Active, Zoom,LTE-A, rồi cả giới truyền thông và Samsung đều đang tập trung vào siêu phẩm Note3. “Đạo đức” nhất trong chiến thuật này có lẽ chỉ có Apple, vì họ chỉ nâng cấp sản phẩm một năm một lần (cho dù không phải tất cả các nần cấp đều đột phá) nhưng giá của những bản nâng cấp này thì không hề dễ chịu.
Xin được nhắc lại, tôi không phủ định các mẫu nâng cấp, ví dụ: từ S2 lên S3 hay từ Iphone 3 lên Iphone 4,… nhưng bạn hãy tỉnh táo để không bị các nhà sản xuất “móc túi”. Như đã đề cập ở trên, khi nào bạn nên quyết định nâng cấp sản phẩm? Theo đề xuất của tôi thì đó là khi sự nâng cấp ở mức trên 20%.
Ví dụ nếu bạn chú trọng đến Camera, bạn đang sử dụng loại 8 “chấm”, thế thì đừng mua sản phẩm mới nếu nó có số “chấm” dưới 10,… Vậy vì sao lại là 20%? Tại vì theo nghiên cứu của Techz thì trong nghành công nghiệp và công nghệ tiêu dùng, sự chênnh lệch 20% là trong ngưỡng “linh động được”, cụ thể hơn thì bạn sẽ không thể cảm nhận được sự khác biệt trong ngưỡng 20% của các sản phẩm công nghệ một cách rõ rệt. Điều mà 20% đó mang lại chủ yếu là cảm giác yên tâm, thỏa mãn- chính tâm lí là chìa khóa cho doanh số của các sản phẩm “nâng cấp”.
Sản phẩm là công cụ, cho đến khi công cụ ấy vẫn đáp ứng tốt nhu cầu của bạn thì theo tôi, nâng cấp sản phẩm là không cần thiết (tất nhiên nếu bạn có điều kiện hay đam mê thì không tính tới). Nếu là người tiêu dùng thông minh, các bạn hãy chú trọng đến giá trị sử dụng của sản phẩm nhiều hơn chứ không phải là chạy theo những gì mà các bạn đọc được từ những quảng cáo.