Mới đây dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại hình ảnh thử nghiệm một thiết bị bay tự chế ở Bắc Giang. Đây là một mô hình máy bay với vẻ ngoài được thiết kế giống với những chiếc tiêm kích SU-37 do Nga sản xuất. Chiếc máy bay này có thể bay lượn một cách có điều khiển trên bầu trời.
Có một điều khá bất ngờ khi mô hình bay này là thành quả ngày đêm mày mò tự chế của cậu học trò có tên Ưng Sĩ Sơn. Sơn là học sinh của lớp 11A13 của trường THPT Lục Ngạn số 1, tỉnh Bức Giang.
Cậu học trò Bắc Giang cùng chiếc máy bay mô hình tự chế.
Theo những người đăng tải đoạn clip, chiếc SU-37 chỉ là một trong số những mẫu máy bay mô hình mà Sơn tự chế tạo và sở hữu. Đây cũng là sản phẩm được Sơn ưng ý nhất. Chiếc máy bay mini này có thể đạt tốc độ cao nhất lên tới 70 km/h. Đặc biệt hơn, Sơn có thể điều khiển thiết bị của mình nhào lộn nhiều vòng trên không trước khi hạ cánh an toàn.
Sơn cho biết cậu đam mê chế mô hình máy bay RC (điều khiển từ xa) từ khi còn nhỏ. Đến năm lớp 9, cậu mới có cơ hội tiếp xúc với thể loại máy bay này và biến ước mơ thành hiện thực.
Những ngày đầu, nam sinh Bắc Giang lên mạng tìm kiếm các câu lạc bộ mô hình RC để tìm hiểu và tự học hỏi.
Sau hơn một năm tích góp tiền trích từ quà ăn sáng mẹ cho, Ưng Sĩ Sơn đã mua được bộ linh kiện điện để lắp ráp và tạo nên chiếc máy bay mô phỏng Su-37. Tuy nhiên, việc điều khiển sản phẩm rất khó, không phải ai cũng thành công.
Clip ghi lại màn biểu diễn của Sơn cùng những chiếc máy bay mô hình của mình.
Trước đó, cậu học trò quê Bắc Giang được đánh giá khá cao bởi năng khiếu kỹ thuật đặc biệt của mình. Theo nhiều người có thâm niên trong lĩnh vực chơi máy bay mô hình, những người mới mua máy bay về để chơi sẽ không thể điều khiển máy bay được thành thục như vậy. Chỉ có những người đã có nhiều kinh nghiệm mới có thể làm chủ thiết bị của mình và điều khiển nó hoạt động ở vận tốc cao.
Bên cạnh việc chế tác máy bay mô hình, Sơn còn có khả năng lắp ráp ô tô mô hình và thậm chí là cả những cánh tay robot. Theo chia sẻ của Sơn, cậu bé này muốn tập tành làm thêm nhiều món đồ chơi khác nhưng còn vướng nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nguyên vật liệu cho thiết bị của mình. Mơ ước của Sơn sau này là được theo học những ngành nghề liên quan đến các thiết bị điện, điện tử.
Tham khảo Zing