Chính xác thì Mr. Ferrari – Toru Kirikae chính là "cha đỡ đầu" của Ferrari tại Nhật Bản. Không có ông, Ferrari chỉ là 1 thương hiệu bình thường như bao thương hiệu xe thể thao khác tại đây thay vì được nâng lên tầm biểu tượng như bây giờ. Danh tiếng của Toru Kirikae cũng lan truyền ra ngoài biên giới Nhật Bản, do đó khi được ngài Miura – cũng là 1 nhà sưu tầm siêu xe có tiếng tại đây ngỏ ý gặp mặt Mr. Ferrari, tôi đã không ngần ngại gật đầu đồng ý.
Bộ sưu tập của Miura thuộc diện "không nhất thì nhì" tại Nhật Bản dù vậy cũng khó mà kiểm chứng luận điểm này bởi rất nhiều đại gia Nhật chơi xe chứ không khoe xe. 2 người đã là bạn cũ từ cách đây hàng chục năm với đặc điểm chung gắn kết là sự tâm huyết, đam mê dành cho Ferrari nói riêng và siêu xe nói chung.
Trước khi xuất phát từ tòa nhà nơi Miura trưng bày bộ sưu tập siêu xe của mình, ông cho tôi xem một vài bức ảnh đã sờn chụp lại ông và Mr. Ferrari đang dạo chơi với 2 người bạn đồng hành là chiếc Lamborghini Countach LP400 cùng Ferrari 365BB. Miura hoài niệm rằng đó đã là 30 năm trước và 2 người cũng chưa có dịp gặp mặt từ đó, ông cũng vô cùng hồi hộp khi được gặp lại người bạn cũ sau quãng thời gian dài xa cách.
Khi gặp mặt Mr. Ferrari lần đầu tiên, ấn tượng của tôi về ông là "1 quý ông Nhật Bản truyền thống đích thực". Kirikae làm mê hoặc người đối diện khi ông hồi tưởng lại những tháng ngày huy hoàng của giai đoạn mà mình gọi là "bùng nổ siêu xe" tại Nhật Bản. Từ ánh mắt và nụ cười của ông toát lên nhiệt huyết tràn đầy và tình cảm chan chứa khó che đậy với siêu xe. Ông tự nhận chưa bao giờ là 1 nhà sưu tập xe đúng nghĩa, thay vào đó là 1 người cầm lái luôn trân trọng từng khoảnh khắc ngồi trong xe của mình.
Cảm hứng của Kirikae khởi nguồn từ năm 1971 khi ông 24 tuổi. Ông hồi tưởng lại thời khắc đó đang cầm lái chiếc Nissan Skyline GT-R và tán gẫu cùng 3 người bạn khác thì bất chợt gặp 1 chiếc Dino 246GT đỏ trên đường. "Chưa bao giờ tôi thấy chiếc xe nào sở hữu đường nét quyến rũ tới vậy", nhà triệu phú Nhật Bản bình luận.
"Màu sơn, các bề mặt gọn gàng, đường nét tổng thể cong tròn quyến rũ, tất cả đã đánh gục tôi ngay thời điểm đó. Tôi tưởng tượng cảnh mình sở hữu 1 chiếc Dino như vậy. Trước đó, tất cả những gì tôi biết là xe thể thao Nhật Bản và động cơ xoay Wankel của Mazda".
Nhận ra tiềm năng của Ferrari sẽ chinh phục không ít người mê xe như mình, Mr. Ferrari bắt đầu nhập khẩu xe từ châu Âu với tốc độ ngang ngửa với Cornes – nhà phân phối Ferrari chính hãng duy nhất lúc đó. Ông cũng tự thành lập một cửa hàng của riêng mình có tên Racing Service Dino – vinh danh dòng xe đã mang ông tới với Ferrari là chiếc Dino 246GT. Cửa hàng này tới nay vẫn còn hoạt động và vẫn là điểm đến thường xuyên của giới chơi xe Ferrari trong khu vực.
Nhận ra nét hoài nghi trong khuôn mặt của tôi, Kirikae giải thích rằng nguồn thu giúp ông có thể kiên trì bám đuổi Ferrari từ đó đến giờ không tới từ mảng kinh doanh xe, cũng không thừa kế từ cha mẹ mà là nhờ những trường dạy karate mà ông khai mở vào thập niên 1980. Nếu không có chúng, Racing Service Dino có lẽ đã là thành tựu cuối cùng mà ông đạt được bởi cái đam mê của ông chỉ có thể dùng cụm từ "đắt đỏ" để mô tả.
Cứ thế, tình yêu của ông dành cho Ferrari lớn dần. Tới năm 1982 ông thành lập Câu lạc bộ chủ xe Ferrari tại Nhật Bản với tư cách chủ tịch. Trong suốt giai đoạn bùng nổ siêu xe tại đất nước này từ giữa thập niên 1970 tới cuối thập niên 1980, Kirikae nỗ lực hết sức để đảm bảo cụm từ "Ferrari" được truyền tải tới nhiều đối tượng nhất có thể. Ông muốn Ferrari trở thành biểu tượng xe thể thao Italia tại Nhật Bản giống như hình ảnh của chúng trong trái tim ông.
Xe Ferrari, khi đó là 1 món hàng châu Âu xa xỉ, lại đánh đúng vào gu mua sắm của người Nhật lúc đó. Nền kinh tế tăng trưởng phi mã dẫn tới mức sống người dân tăng mạnh, kéo theo đó là nhu cầu hưởng thụ. Du khách Nhật trên toàn cầu khi đó trở thành nguồn sống của không ít thương hiệu xa xỉ. 80% doanh số của Louis Vuitton trên đại lô Champ Elysees, Paris tới từ đây. Cửa hàng Chanel độc lập đầu tiên được mở tại Mỹ ở Hawaii – địa điểm du lịch và nghỉ dưỡng ưa thích của người dân Nhật Bản.
Ferrari, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Kirikae, bắt đầu tạo dựng được hình ảnh tại Nhật. Cuốn tự truyện của ông về Ferrari giúp người dân đại chúng cũng biết đến hãng xe Italia thay vì chỉ dừng lại ở tầng lớp thượng lưu. "Tôi cảm thấy thực sự mãn nguyện, mãn nguyện vì Ferrari được công nhận", Kirikae hồi tưởng với nụ cười trên môi.
Tuy nhiên, khi Ferrari ra mắt F40, rất nhiều người đã tỏ ý nghi ngờ thương hiệu Italia và khả năng thực sự của siêu xe này, cho rằng đó chỉ là chiêu thức PR thổi phồng quá đáng. Cảm thấy bất công và bực tức vì những tin đồn vô căn cứ, Mr. Ferrari quyết tâm chứng tỏ rằng chúng không hề có cơ sở. Cách thức mà ông chọn thực hiện đến tận ngày hôm nay vẫn còn gây tranh cãi.
F40 khi đó là dòng xe đại chúng đầu tiên phá vỡ rào cản 200 mph (320 km/h) và Kirikae cho rằng có thể chứng minh sức mạnh thật sự của xe bằng cách tự mình – 1 con người bình thường, cầm lái đạt đến vận tốc này. Không chờ tới sự giúp đỡ của Maranello, ông chạy thử xe tại 1 đường đua kín và quay lại toàn bộ công đoạn xe đạt đến 320 km/h nhưng lại quên mất chi tiết quan trọng nhất – đồng hồ đo tốc độ.
Thay vì tới đường đua 1 lần nữa, Kirikae quyết định thực hiện lại trên cao tốc với tốc độ cao nhất đạt được là 317 km/h. Ngay khi sự việc được lan truyền, báo đài địa phương liên hệ với ông để xác nhận sự thật và Kirikae tự hào gật đầu không chút suy nghĩ.
Sự việc đáng lẽ đã dừng lại ở đó nếu như đoạn video ghi lại hình ảnh cabin chiếc F40 trong bài test nặng đô trên cao tốc không bất ngờ rò rỉ ra ngoài khiến Kirikae bị chỉ trích, thậm chí miệt thị bởi công chúng. Cáo buộc lái xe thiếu an toàn và án phạt 1.800 USD cũng khiến ông lao đao vì nguy cơ không được cầm lái nữa.
Kirikae cho biết ban đầu cảnh sát cũng chẳng biết video đăng tải hình ảnh chiếc F40 là của ai cho đến khi ông tự thừa nhận. Khi đó, các cuộc đua đêm diễn ra gần như mọi nơi trên cao tốc Nhật và văn hóa đại chúng khu vực cũng rất khác so với hiện giờ. "Nếu bây giờ tôi làm như vậy thì chắc chắn tôi không thể ngồi đây nói chuyện với anh, án phạt sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều và sự phẫn nộ của cộng đồng cũng kinh hoàng không kém", ông thừa nhận.
Dù đây là "1 điểm đen" trong sự nghiệp của Mr. Ferrari nhưng ông chưa bao giờ hối hận vì đã làm điều đó bởi mình đã chứng minh được những tin đồn vô căn cứ là sai, danh tiếng "fan cuồng" của Kirikae cũng ngày một lan rộng.
Sau màn biểu diễn lừng danh và không kém phần tai tiếng đó, Kirikae theo đuổi đam mê tốc độ cùng Ferrari từ cuối thập niên 1990 cho tới đầu thập niên 2000 khi 3 lần vô địch Ferrari Challenge Japan liên tiếp (1999 – 2001). Ngay cả bây giờ khi đã 72 tuổi, ông vẫn thường xuyên thách thức đường đua trên chiếc 458 Challenge.
Sau cuộc trò chuyện, tôi cũng có dịp diện kiến garage riêng khiêm tốn của Mr.Ferrari. Không ngoài dự đoán, không 1 mẫu xe nào ở đây thoát được mác "ngựa chồm" và nằm đủ ở mọi phân khúc, mọi lứa tuổi. Ferrari 456 GT, 458 Speciale, thậm chí cả chiếc 365BB đã từng gắn bó với ông từ 1976 vẫn được chăm chút kỹ lưỡng, cẩn thận. Số xe còn lại trong bộ sưu tập toàn Ferrari được Kirikae lưu giữ tại Racing Service Dino.
Trên thế giới, số người tâm huyết với Ferrari như ông Toru Kirikae chỉ đếm trên đầu ngón tay, số người đủ tâm, đủ tài phổ biến đam mê cá nhân của mình ra toàn xã hội thì có lẽ chỉ duy nhất một. Ngọn lửa cảm hứng trong lòng Kirikae với Ferrari vĩnh viễn bất biến, câu chuyện của ông cũng sẽ còn lưu truyền mãi cùng với sự tồn tại của thương hiệu Italia.
Theo: Autopro.com.vn