Cuộc sống vốn quá phụ thuộc vào Internet và mạng xã hội đôi khi gây ra những phiền toái cho con người, có lẽ không ít người từng hơn một lần mong muốn mình chưa từng biết đến Facebook.
Thực ra, điều này đã xảy ra một vài lần trong năm vừa qua, Facebook “sập mạng” trong thời gian ngắn đã đủ khiến “cư dân mạng” chao đảo. Chúng ta gần như không biết làm gì để giết thời gian, bị mất kết nối với người thân, mất đi một thói quen, nhưng cũng chưa nghiêm trọng lắm vì chúng ta biết những sự cố này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.
Trải nghiệm “nỗi đau” này rõ ràng nhất có lẽ là những người từng bị khoá tài khoản Facebook vĩnh viễn, nghĩa là mọi hoạt động trước đây, mọi hình ảnh, tinh nhắn, các liên hệ đều biến mất. Nhưng sẽ ra sao nếu điều này xảy ra với 1 tỷ khách hàng của Facebook?
Mặc dù cả có hàng trăm triệu người dùng liên tục, thế nhưng phải nhắc lại là tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào sự điều hành và quản lý của mội đội ngũ mà đứng đầu là nhà sáng lập Mark Zuckerberg. Như vậy nếu anh này “ngắt điện”, phải chẳng tất cả chúng ta đều sẽ không còn dùng được Facebook?
Điều này có lẽ khó mà xảy ra, nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng đã quá phụ thuộc vào một cuộc sống ảo trên mạng. Hãy thử tưởng tượng một ngày, Facebook biến mất hoặc bị các nhà chức trách “cấm cửa”, liệu cuộc sống của con người sẽ như thế nào?
Mỗi mạng xã hội lại có những điểm mạnh riêng, nhưng về cơ bản nó sẽ là nơi để con người thể hiện cảm xúc, ghi lại những trạng thái và tương tác với bạn bè. Các mối quan hệ này được cho là khá “ảo”, nhưng dù sao phần lớn chúng cũng vẫn dựa trên những mối quan hệ thực.
Nếu Facebook tan dã, nó cũng giống như một vương quốc sụp đổ vậy, mỗi người sẽ tìm những bến đỗ khác nhau, có thể là Google+, Twitter, Zing Me,… Những mạng xã hội này cũng cung cấp nhiều tính năng tương tự, thậm chí là vượt trội so với Facebook, nhưng nhiều khi sẽ chẳng có nghĩa gì nếu chúng ta mất những mối liên hệ đã dày công gây dựng trong quá khứ. Chẳng hạn có một người bạn chuyển sang dùng Zing Me, có người khác lại dùng Google Plus, có người vì quá phân vân mà không dùng nữa. Khi đó, chúng ta khó mà tìm được nơi để chia sẻ cảm xúc của mình.
Có thể một vài người sẽ tìm cách quay trở lại phương thức truyền thống như thời kỳ Internet chưa xuất hiện, nhưng điều đó khó mà xảy ra ở thời đại hiện nay, khi mà con người đã quá quen với việc “sống ảo”. Chúng ta vẫn sẽ cần những mạng xã hội mới, có điều sự sẻ chia sẽ không còn sâu sắc, hoặc cần một thời gian dài gây dựng lại.
Chịu ảnh hưởng hơn cả có lẽ là những người đang kiếm tiền từ Facebook. Từng có một thống kê cho thấy Facebook góp phần tạo ra 227 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới, bao gồm cả việc kinh doanh từ Facebook, tìm việc làm nhờ Facebook hoặc ngược lại, tuyển dụng qua Facebook.
Mạng xã hội do Mark Zuckerberg tạo nên đã góp phần thay đổi phương thức kinh doanh trên toàn thế giới nhờ vào các phương thức đẩy quảng cáo, fanpage, group,… Thế nên nếu không có Facebook, có lẽ đến cả nền kinh tế thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng không hề nhẹ.
Sự cần thiết của mạng xã hội
Chúng ta vẫn thường chỉ trích về sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống con người, nhưng có lẽ, chính con người đã tự tạo ra những vỏ bọc cho mình. Thay vì nói chuyện trực tiếp, mọi hoạt động giao tiếp đều có thể được thực hiện qua màn hình smartphone hay máy tính.
Như đã nói ở trên, Facebook nói riêng hay các mạng xã hội nói chung có vai trò không thể thay thế trong đời sống hiện tại. Không chỉ là nơi chia sẻ cảm xúc, kinh nghiệm, tin tức thời sự hay công cụ nhắn tin trao đổi, Facebook có vai trò quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống mà có lẽ phải khi nó biến mất, người ta mới cảm nhận được tầm quan trọng rộng lớn như thế nào.
Nếu một ngày không có Facebook, cuộc sống của hàng trăm triệu người sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ, có thể về cả vật chất lẫn tinh thần. Bạn bè, người thân mất liên lạc với nhau, các tổ chức, doanh nghiệp thiếu nơi trao đổi với người dùng, các nhãn hàng không có nơi quảng cáo,…
Bạn cũng đừng nghĩ không có Facebook, mọi chuyện sẽ trở về như thời kỳ trước đó, chẳng hạn như con người trao đổi với nhau bằng thư từ, nhắn tin bằng điện thoại, viết những trang blog dài thay vì một vài câu trạng thái ngắn ngủi,… Sẽ có những cái tên thay thế cho Facebook, hoặc con người sẽ chuyển sang một trạng thái “sống ảo” khác. Đó có lẽ đã là một quy luật phát triển của loài người.