Tờ báo lớn nhất Canada, The Globe and Mail vừa đăng một phóng sự dài mổ xẻ những nguyên nhân khiến BlackBerry ngày càng lụn bại từ bên trong. Xin lược trích những luận điểm cơ bản của bài viết này để độc giả có thể nắm được những nguyên nhân khiến đế chế BlackBerry sụp đổ.
Nội bộ bất đồng và chia rẽ sâu sắc
Nội bộ của Blackberry phát sinh những bất đồng từ những ngày đầu iPhone xuất hiện trên thị trường. Dàn lãnh đạo của công ty nửa muốn phát triển một chiếc điện thoại cảm ứng để bắt kịp với xu hướng tiêu dùng mới, nửa còn lại muốn BlackBerry giữ nguyên bản sắc của mình với những chiếc điện thoại dùng bàn phím vật lý.
Để giải quyết bài toán này, BlackBerry (khi đó là RIM) vẫn hợp tác với nhà mạng Verizon để sản xuất chiếc điện thoại cảm ứng Storm. Tuy nhiên, chất lượng của sản phẩm này không đạt yêu cầu và không thể "giết chết iPhone" như kỳ vọng. kể từ đó đến nay, Blackberry vẫn sản xuất song song điện thoại bàn phím QWERTY song song với điện thoại cảm ứng, nhưng không có model nào tạo ra được đột phá trên thị trường.
Bất đồng giữa Thorsten Heins (trái), Mike Lazaridis (giữa) và Jim Balsillie đã khiến BlackBerry mất ổn định ngay từ bên trong.
Những bất đồng về việc "cảm ứng hay không cảm ứng" kéo dài đến tận cuối năm ngoái, khi CEO Thorsten Heins của BlackBerry bày tỏ ý định tung ra mẫu smartphone Z10, một chiếc điện thoại mỏng có màn hình cảm ứng và sử dụng hệ điều hành BlackBerry 10. Đồng sáng lập Michael Lazaridis đã phản đối kế hoạch này vì cho rằng đây là một quyết định sai lầm. Heins đã không nghe theo ý kiến của Lazaridis và nhận lại một kết quả tồi tệ. Blackberry vừa báo lỗ 965 triệu USD, phần lớn khoản lỗ này là do chi phí phát sinh do lượng Z10 tồn kho và khó tiêu thụ trên thị trường.
Năm 2012 cũng là một năm nội bộ BlackBerry có sự thay đổi lớn. Jim Balsillie - đồng CEO với Henis - ôm hoài bão biến BlackBerry Messenger thành một dịch vụ nhắn tin đa nền tảng có thể thay thế cách thức nhắn tin truyền thống của viễn thông toàn cầu. Tuy nhiên, kế hoạch táo bạo này đã bị Thorsten Heins hủy bỏ và Jim Balsillie đã từ nhiệm để phản đối. Rốt cuộc, sau khi Jim Balsillie ra đi, BlackBerry đã tách BBM ra thành một công ty riêng và kinh doanh đa nền tảng giống như định hướng của Jim Balsillie. Sự thành bại của dịch vụ này vẫn là một câu hỏi lớn.
Sự thay đổi thị hiếu người dùng
Thời điểm iPhone vừa ra mắt, BlackBerry và không ít những công ty khác, trong đó có Microsoft, vẫn tỏ ra chủ quan. Hãng điện thoại Canada vẫn chỉ tập trung vào những khách hàng trung thành, đa số là doanh nhân và các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đó chỉ là biểu hiện bên ngoài của một công ty đang ở "chiếu trên". Trên thực tế, lãnh đạo của BlackBerry đã rất sốc khi tiếp cận chiếc iPhone. Đồng sáng lập Lazaridis đã nhận ra BlackBerry đang phải cạnh tranh với một chiếc điện thoại được "nhồi nhét" hệ điều hành kiểu như MAC OS. iOS của iPhone chiếm đến 700MB và sử dụng đến hai bộ xử lí, trong khi BlackBerry chỉ dùng một bộ xử lí và hệ điều hành có dung lượng vỏn vẹn 32MB. Không như BlackBerry, iPhone có một trình duyệt web đầy đủ. Điều đó có nghĩa là nó sẽ vắt kiệt sức của những nhà mạng như AT&T, điều mà trước đây chưa nhà mạng nào cho phép diễn ra. RIM thì ngược lại, hãng xài một trình duyệt đơn giản nhằm hạn chế dung lượng mà khách hàng tiêu thụ.
Trong một cuộc phỏng vấn, Lazaridis nhớ lại: "Tôi tự hỏi 'Làm thế nào mà họ (Apple) có thể khiến AT&T cho phép điều đó?'. Nó sẽ đánh sập hạ tầng mạng mất thôi. Và thực chất thì iPhone đã từng gây ra tình trạng đó một vài lần". Ngoài ra, ông cũng từng nói với nhân viên của mình rằng "nếu iPhone bắt kịp BlackBerry, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với một chiếc máy Mac, không phải một chiếc điện thoại Nokia".
Tuy lạc quan về những thế mạnh của BlackBerry như tính bảo mật và thời lượng pin, nhưng đó lại không phải là điều mà đại đa số người dùng quan tâm. Trong khi giới doanh nhân và doanh nghiệp vẫn trung thành với BlackBerry như một thói quen, thì hàng triệu người tiêu dùng đã "phát rồ" lên với một chiếc iPhone có thể cài thêm ứng dụng, giao diện đẹp và giàu tính năng giải trí. iPhone đã định nghĩa lại khái niệm smartphone, và giành chiến thắng bằng cách chinh phục số đông người tiêu dùng.
Nền tảng cũ kỹ và kém hấp dẫn
Vì được phát triển trên một nền tảng cũ, nên hệ điều hành BlackBerry đã kém thu hút hơn so với iOS hay Android . Theo trích dẫn của The Global anh Mail, những ứng dụng viết cho BlackBerry trông "ngờ nghệch" hơn so với những chương trình viết bằng các ngôn ngữ hiệu đại, và trình giả lập do RIM cung cấp không phản ánh chính xác trải nghiệm thực tế trên thiết bị. Đó là lời nhận xét của Trevor Nimegeers, người sáng lập nên công ty Wmode từng một thời gian dài viết app cho BlackBerry.
BlackBerry 10 xuất hiện muộn màng và khó có thể thu hút lại những nhà phát triển đã "di cư" sang iOS và Android.
Bên cạnh đó, RIM cũng đưa ra quá nhiều quy định trước khi cho phép ứng dụng chạy trên BlackBerry và điều này khiến cho sự sáng tạo của các nhà phát triển bị kìm hãm. "Các lập trình viên muốn mình phải được chào đón, không phải bị kiểm soát". Đó cũng là nguyên nhân mà những ứng dụng hot như Instagram hay Tumblr đã nói không với BlackBerry.
Hàng loạt thất bại mang tính hệ thống
Nội bộ chia rẽ và mất định hướng đã đẩy BlackBerry vào bóng tối. Công ty đã đưa ra nhiều quyết định để cứu vãn tình hình, nhưng nhiều trong số đó trở thành những thất bại cay đắng. Việc phát triển song song giữa BlackBerry OS 7 và BlackBerry 10 đã khiến nguồn lực của công ty bị phân tán. Nhóm phát triển BlackBerry OS 7 không có nhiều việc phải làm và thiếu định hướng trong việc phát triển một nền tảng đã lạc hậu, trong khi đó nhóm BlackBerry 10 làm việc hết công suất nhưng vẫn không kịp tiến độ để ra mắt sản phẩm.
Kết quả, chiếc Z10 ra mắt muộn và ế ẩm trên các gian kệ trưng bày. Người dùng trung thành của BlackBerry quá xa lạ với một hệ điều hành mới, trong khi đó những người dùng chưa từng dùng BlackBerry cũng không có nhiều động lực để mua sản phẩm này khi nó không có sự khác biệt với những smartphone cảm ứng trên thị trường.
Không chỉ thua trên mặt trận smartphone, mảng máy tính bảng của BlackBerry cũng không tìm được lối ra. Được phát triển dựa trên hạt nhân của QNX, chiếc BlackBerry Playbook được giới thiệu vào mùa thu 2010 nhưng phải đến tận mùa hè năm 2011 thiết bị này mới có mặt trên thị trường. Máy lại thiếu đi email, ứng dụng quản lí danh bạ hiệu quả và quan trọng là không có kho ứng dụng phong phú. Lại một lần nữa, RIM đã thất bại: Tablet của các đối thủ Apple, Samsung,...bán chạy nhờ khả năng hoạt động độc lập, còn Playbook phải phụ thuộc quá nhiều vào điện thoại BlackBerry.
Bại trận ở thị trường lớn nhất thế giới
Vào mùa hè năm 2010, nữ chủ tịch Barbara Stymiest của BlackBerry (khi đó là RIM) và đồng sáng lập Jim Balsillie đến công ty China Investment Corp (CIC), một tập đoàn đầu tư thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc với hi vọng thành lập một liên doanh. Những thông tin ban đầu cho thấy RIM và CIC đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào năm 2011. Theo đó, Trung Quốc đồng ý cho RIM trở thành nhà cung cấp hệ điều hành và thiết bị di động chính cho thị trường đông dân và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tuy nhiên, sự bất đồng nội bộ một lần nữa đã khiến BlackBerry lỡ vận. Đồng CEO Mike Lazaridis và nhiều giám đốc khác lo ngại rằng việc hợp tác với CIC sẽ khiến công ty không tập trung vào việc ra mắt điện thoại BB10 mới. Kế hoạch hợp tác này bị trì hoãn và dây dưa trong vòng hai năm và bị hủy hoàn toàn sau khi Thorsten Heins ngồi vào "ghế nóng".
Thất bại trên đất Mỹ (không thể cùng nhà mạng Verizon chiếm lĩnh thị trường cảm ứng từ bộ đôi iPhone và AT&T) cùng với việc không thể xâm nhập vào thị trường Trung Quốc, BlackBerry dường như đã đánh mất đi hai mảnh đất màu mỡ. Hãng hiện chỉ còn lại những người dùng trung thành ở Bắc Mỹ, một vài nước châu Âu và Đông Nam Á.