Trong khi hết Samsung tới HTC, và sắp tới là cả Sony và LG sẽ cho ra mắt những smartphone cao cấp của mình trong năm 2015, những người yêu thích các sản phẩm Lumia vẫn như đang “ngồi trên đống lửa”, còn nhà sản xuất Microsoft lại tỏ ra cực kỳ bình tĩnh. Gã khổng lồ phần mềm Mỹ tung ra hệ điều hành mới một cách chậm chạp, các sản phẩm gần đây đều thuộc phân khúc tầm trung, giá rẻ và cũng chẳng có tính năng nào thực sự gây được ấn tượng với người dùng.
Đã gần một năm kể từ khi sản phẩm cao cấp nhất trong dòng Lumia là Lumia 930 ra mắt, Microsoft dù đã thâu tóm mảng dịch vụ và thiết bị của Nokia nhưng vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy, họ sẽ tạo ra một thiết bị mang tính cách mạng cả.
Trước đó, với những sản phẩm như Lumia 920, Lumia 1020, chiếc phablet Lumia 1520 đình đám hay thậm chí cả một sản phẩm giá rẻ như Lumia 520, Nokia dù không thực sự thành công nhưng vẫn mang lại cho người yêu mến thương hiệu này một cái nhìn tích cực. Hoặc ít nhất, họ cũng cống hiến cho người yêu công nghệ những sản phẩm đứng đầu thực sự tốt, chẳng hạn như Lumia 1020 là lựa chọn số 1 cho một chiếc cameraphone, còn Lumia 520 lại ghi dấu bởi thiết kế đẹp cùng hiệu năng ấn tượng trong tầm giá.
Microsoft tung ra hàng loạt sản phẩm Lumia giá rẻ, nhưng không gây được nhiều dấu ấn.
Trong khi đó, sau khi chính thức về tay Microsoft, dòng Lumia đón nhận thêm sản phẩm mới đầu tiên chính là chiếc Lumia 535. Trái ngược với kỳ vọng của người tiêu dùng, Lumia 535 bị cho là có mức giá không thực sự rẻ với những gì mang lại, chưa kể đến một vài lỗi khá nặng, đặc biệt là lỗi điều khiển màn hình cảm ứng.
Có lẽ, đó cũng là mở màn cho một cuộc chơi không mấy suôn sẻ của Microsoft trong thế giới smartphone hiện nay, nơi mà iOS, Android đang thống trị.
Vậy phải chẳng, Microsoft đã mắc phải sai lầm gì khi phát triển dòng Lumia?
Nói đến thành công hay thất bại của một chiếc điện thoại hay một dòng sản phẩm, có lẽ 2 yếu tố dễ thấy nhất, đó chính là thiết kế và tính năng (hay hệ điều hành), tiếp đó có thể là phương thức phát triển sản phẩm và một phần không nhỏ đến từ yếu tố thương hiệu. Trong trường hợp của Lumia với Microsoft, có lẽ gã khổng lồ Redmond đã gặp phải thiếu xót ở hầu hết những mặt này.
Ra sản phẩm một cách tràn lan và thiếu trọng tâm, chỉ trong vòng vài tháng, dòng Lumia đã đón nhận thêm tới hàng chục model khác nhau mà có lẽ ít ai nhớ đầy tủ tên của chúng. Từ Lumia 535, Lumia 435, cho đến Lumia 532, 640, 640XL, những sản phẩm na ná nhau từ tên gọi cho đến thiết kế, và chắc chắn là cả tính năng nữa. Điều này khiến chúng trực tiếp cạnh tranh lẫn nhau chứ chưa nói đến “đấu đá” với người ngoài (là những hãng khác).
Về thiết kế, dẫu biết rằng thiết kế vỏ nhựa polycarbonat nhiều màu sắc dễ thu hút người mua, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên thiết kế dạng này xuất hiện từ những chiếc Lumia của 3 năm trước, vậy mà Microsoft vẫn tiếp tục duy trì hay có cải tiến nhưng cũng không thực sự ấn tượng.
Ngoài 2 sản phẩm ở tầm giá cao là Lumia 830 và Lumia 930 có sử dụng khung kim loại, các sản phẩm còn lại vẫn là thuần nhựa với những dạng thiết kế có phần nhàm chán. Sự khác biệt trong thiết kế của những sản phẩm gần đây có lẽ chỉ nằm ở chỗ, có chiếc máy để góc vuông, có chiếc máy bo tròn, bổ sung thêm một hai màu sắc hoặc kéo dãn một chút để có màn hình lớn hơn.
Nếu thiết kế vẫn chưa đủ để người mua nhàm chán thì lại đến hệ điều hành. Những cải tiến trong các bản cập nhật 8.0, 8.1 gần đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Microsoft về cả giao diện lẫn tính năng, thế nhưng chúng vẫn chưa thể được coi là một đối thủ xứng tầm với 2 “ông lớn” iOS và Android.
Hệ điều hành Windows 10 được cho là sẽ thống nhất các nền tảng trên cả máy tính, tablet và smartphone, hứa hẹn sẽ mở ra một tương lại mới cho những chiếc máy của Microsoft sau này. Tuy nhiên mãi đến nay, người dùng Windows Phone vẫn chưa thể biết đến khi nào chiếc máy của mình mới được cập nhật. Ngược lại, 2 đối thủ của Windows Phone vẫn hàng ngày, hàng giờ cập nhật những tính năng mới mẻ và đầy hấp dẫn cho những chiếc máy của họ.
Nếu yếu tố “hệ điều hành” thành công, nó sẽ có thể cứu vãn lại những thiếu xót về mặt hình thức kể trên. Với những công bố gần đây của Microsoft, Windows 10 có lẽ sẽ chưa thể được cung cấp đến người dùng trong một sớm một chiều, tuy nhiên có từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ có những chiếc máy mới, chạy hệ điều hành Windows 10 trên thị trường.
Phải chăng Satya Nadella đang có một kế hoạch dài hơi với hệ điều hành và những chiếc máy của mình?
Một sếp của Microsoft từng chia sẻ, hãng sẽ chưa tung ra một smartphone cao cấp cho đến khi hệ điều hành Windows 10 hoàn chỉnh. Kế hoạch này là đúng, một chiếc máy dù có phần cứng mạnh mẽ, thiết kế đẹp, nhưng nếu hệ điều hành vẫn cũ kỹ, lạc hậu thì cũng sẽ sớm chìm. Microsoft không nên hy sinh chất xám để thiết kế hay tiền bạc để trang bị cấu hình khủng khi mà hệ điều hành chưa ổn định. Tuy nhiên Satya Nadella và các cộng sự cần nhớ rằng, người hâm mộ đã chờ đợi quá lâu và quá “nóng ruột” trước sự đổ bộ mạnh mẽ của iOS hay tập đoàn Android, họ cũng đã quá chán với những chiếc máy giá rẻ mà gần như mỗi thàng, Microsoft lại tung ra một vài chiếc rồi.
Microsoft đang toan tính điều gì?
(Techz.vn) Microsoft sẽ không ra mắt một thiết bị di động cao cấp cho đến khi Windows 10 thực sự hoàn thiện. Vậy nguyên nhân đằng sau quyết định này là gì?