Phát triển nhiều ứng dụng hữu ích nhằm tăng giá trị của máy tính bảng thương hiệu Việt là định hướng của một số công ty như FPT, Viettel, nhằm tạo thêm sức cạnh tranh trong thị trường máy tính bảng khốc liệt.
Tăng ứng dụng Việt
Ông Lê Hoàng Hải, Công ty TNHH Sản phẩm công nghệ FPT (đơn vị sản xuất máy tính bảng FPT Tablet) vừa cho biết, dự kiến tháng 4/2012 công ty sẽ cho ra mắt các ứng dụng dành cho máy tính bảng có nội dung thiết thực phục vụ người dùng trong nước trên kho ứng dụng F-store.
Theo ông Hải, lâu nay các sản phẩm điện thoại hay máy tính bảng của Việt Nam vẫn bị mang tiếng “thương hiệu Việt, sản xuất ở Trung Quốc” một phần do người dùng chưa được hưởng những tiện ích, những giá trị gia tăng từ những thiết bị đó mang lại, nhất là các ứng dụng mang lại giá trị Việt càng thiếu.
Đó là một trong những lí do sản phẩm thương hiệu Việt gia công tại Trung Quốc thường bị người tiêu dùng “chê”, trong khi hầu hết các sản phẩm điện tử trên thế giới đều được gia công toàn bộ hoặc một phần tại Trung Quốc.
Theo ông Hải, một trong những giải pháp để không đi lại vào vết xe đổ như đối với smartphone thương hiệu Việt là các nhà cung cấp sản phẩm trong nước phải giúp người tiêu dùng cảm nhận được rằng họ được lợi gì khi dùng sản phẩm đó. Nếu làm được vậy, người tiêu dùng sẽ không còn quan tâm rằng thiết bị đó được sản xuất ở đâu.
Theo thống kê trên Appstore.vn, các ứng dụng/game được quan tâm nhất phần lớn là ứng dụng Việt. Dù không bóng bẩy nhiều chức năng như các ứng dụng nước ngoài nhưng ứng dụng Việt đáp ứng được nhu cầu “bức thiết” của người dùng. Có thể ví dụ 1 số ứng dụng: Truyện tranh HD (bungun soft), xem TV online, Vietnam 3.0 (giải trí, thông tin tổng hợp), Vạn sự lành (phần mềm lịch), lịch Phù Đổng... Trong số đó, có nhiều ứng dụng đạt lượt tải rất cao với trên dưới 100.000 lượt. Điều này cho thấy người dùng đang khát ứng dụng Việt. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tuấn Anh, đại diện Appstore.vn, số lượng ứng dụng Việt hiện có chưa nhiều và chưa đa dạng, chủ yếu là ứng dụng nghe nhạc, xem tivi và một số ứng dụng phục vụ giải trí khác.
Vì vậy, song song với việc ra mắt thêm các dòng sản phẩm có mức giá thấp hơn, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng dành cho người dùng Việt, thời gian tới FPT cũng sẽ giới thiệu giải pháp thanh toán trực tuyến mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bên đối tác thứ ba có thể chủ động đưa ứng dụng lên và thu phí của người dùng. FPT hi vọng công cụ thanh toán tiện lợi sẽ khuyến khích các công ty nội dung số phát triển nhiều ứng dụng dành riêng cho người Việt.
Một nguồn tin của PC World Việt Nam cũng cho biết Q-mobile đã có kế hoạch sản xuất máy tính bảng từ cuối năm 2011. Tuy nhiên, không rõ vì sao đến nay sản phẩm vẫn chưa xuất hiện trên thị trường. Dù vậy, đối tác của Q-mobile là VTC cho biết đang phối hợp với Q-mobile xây dựng kho nội dung số Q-store theo mô hình Android Market để phục vụ riêng cho các sản phẩm mang thương hiệu Q-mobile và kho nội dung này sẽ ra mắt trong nửa đầu năm 2012.
Thâm nhập thị trường ngách
Bổ sung các tính năng cho sản phẩm hướng đến các thị trường chuyên biệt là hướng đi mà nhiều tập đoàn trong nước cân nhắc. Với Viettel, một đơn vị cũng tham gia cung cấp thiết bị đầu cuối như máy tính all-in-one, điện thoại cố định và sắp tới là máy tính xách tay, định hướng cung cấp dịch vụ kèm thiết bị để tăng giá trị cho sản phẩm cũng được coi là định hướng chiến lược.
Định hướng này được ông Nguyễn Đình Chiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Viettel khẳng định: “Chúng ta không có đủ nguồn lực về con người, tài chính và trình độ công nghệ để có thể gia công, sản xuất đại trà như Trung Quốc; vừa nghiên cứu vừa chế tạo các sản phẩm đại trà như Nokia; hay làm các sản phẩm công nghệ cao như Apple. Vì vậy, chúng ta cần nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cá thể hóa với lô nhỏ cung cấp cho các thị trường ngách và buộc phải khác biệt hóa bằng các giá trị gia tăng”.
Cho đến nay, dù chưa có sản phẩm máy tính bảng nào của Viettel được giới thiệu trên thị trường (việc sản xuất thử nghiệm dự kiến diễn ra trong quý II/2012) nhưng định hướng cho sản phẩm đã được xác định khá rõ.
Tại Hội nghị về ứng dụng khoa học công nghệ trong doanh nghiệp diễn ra tuần qua, đại diện Viettel đã chia sẻ định hướng của tập đoàn: Nếu khách hàng sử dụng một vài dịch vụ đơn lẻ của Viettel thì giá trị mà Viettel đem lại cho khách hàng sẽ hạn chế. Ngược lại, nếu khách hàng lựa chọn Viettel như nhà cung cấp dịch vụ trọn gói, khách hàng sẽ được hưởng lợi ích lớn hơn rất nhiều. Chẳng hạn trong dự án cung cấp máy tính bảng, nếu tách thiết bị ra như một sản phẩm độc lập, thì khó có thể cạnh tranh với hàng chục loại máy tính bảng trên thị trường. Nhưng ngược lại, nếu viết thêm phần mềm cho máy tính bảng, biến nó thành công cụ của nhân viên bán hàng (đang hợp tác với Vinamilk – PV), thì chiếc máy tính bảng đó có một giá trị hoàn toàn khác đối với khách hàng.
Những định hướng của các tập đoàn nội địa chưa rõ có mang lại kết quả như mong đợi hay không, nhưng dù sao cũng là những cố gắng đáng ghi nhận, hi vọng sẽ giúp thị trường máy tính bảng thương hiệu Việt sôi động hơn trong năm 2012.
Để đón đầu xu hướng này, các đơn vị đào tạo trong nước cũng bắt đầu chủ động triển khai các chương trình đào tạo lập trình, lắp ráp máy tính bảng như FPT Jetking, Aprotrain Aptech… Theo đó, FPT Jetking sẽ đào tạo bài bản cho sinh viên nhận biết được các thành phần một chiếc máy tính bảng đơn giản nhất, cách lắp ráp một chiếc máy tính bảng hoàn thiện, cách khắc phục sự cố máy tính bảng chạy trên nền tảng Android. Còn tại Aprotrain Aptech chủ yếu đào tạo lập trình cho các thiết bị cầm tay trên các hệ điều hành iOS, Android và Windows Phone