Doanh nghiệp

Khi nào Việt Nam sẽ triển khai 4G LTE

Khi nào Việt Nam sẽ triển khai 4G LTE

4G (Fourth Generation) là công nghệ truyền thông không dây thứ tư, cho phép truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa trong điều kiện lý tưởng lên tới 1 cho đến 1,5 Gbps, tức là gấp hơn 40 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G mới của Mobifone cách đây vài tháng (42Mbps). Với lợi thế như vậy, thật dễ hiểu tại sao hơn 300 nhà mạng trên toàn thế giới đã triển khai công nghệ này và thu hút rất nhiều khách hàng tiềm năng. Việc tiến lên 4G không chỉ là xu hướng chung mà còn là con đường tất yếu để viễn thông Việt Nam hội nhập với sự phát triển của công nghệ viễn thông thế giới.

4G có tốc độ vượt trội hơn rất nhiều. Ảnh: Internet

Ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp giấy phép thử nghiệm 4G cho 5 doanh nghiệp bao gồm : VNPT, Viettel, CMC, VTC và FPT từ năm 2010. Trong đó, Viettel và VNPT đã thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, sau 4 năm, hiện vẫn chưa doanh nghiệp nào đánh tiếng sẽ áp dụng công nghệ này trên thực tế. Bởi vậy, một câu hỏi đặt ra, đến bao giờ người tiêu dùng Việt mới được sử dụng 4G trong khi chiếc smartphone của họ có thể đã hỗ trợ kết nối này từ rất lâu rồi?

Tuân thủ đúng lộ trình Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia

Không phải các doanh nghiệp chần chừ trong việc đưa công nghệ 4G áp dụng trong thực tế, thậm chí là ngược lại khi vào năm 2013, 5 doanh nghiệp được cấp phép thử nghiệm đã đề bạt lên Bộ thông tin và truyền thông đẩy nhanh thời hạn cấp phép triển khai thay vì phải đợi tới năm sau theo đúng lộ trình Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia.

Cho dù năng lực tài chính cũng như công nghệ của các nhà mạng đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của mạng 4G, tiêu biểu là Viettel, khi nhà mạng này có những cuộc trình diễn công nghệ 4G rầm rộ và thành công rực rỡ, song, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ TT&TT. Và như chúng ta đã biết, công nghệ 4G chưa được triển khai trên diện rộng.

Việc áp dụng 4G phải tuyên theo lộ trình Quy hoạch Viễn thông Quốc gia. Ảnh: Internet

Trước những đề nghị được cấp phép từ các doanh nghiệp, Cục Tần số Vô tuyến điện đã khuyến nghị các nhà mạng nên dành thêm thời gian thử nghiệm công nghệ 4G để đánh giá chất lượng cung cấp và nhu cầu của người sử dụng trước khi xin cấp phép. Mặt khác, lưu lượng dữ liệu trên mạng 3G của Việt Nam cũng đạt mức thấp so với trung bình của thế giới, điều này trùng với khá nhiều quan điểm của các chuyên gia viễn thông quốc tế. Theo nhận định, phải đến năm 2015, thị trường viễn thông nước ta mới cần triển khai 4G, điều này hoàn toàn trùng khớp với lộ trình Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT khẳng định sẽ không cấp phép trước 2015.

Tại sao chưa thể triển khai được 4G?

Vào thời điểm cuối năm 2013, số lượng người dùng 4G trên thế giới mới đạt 2% và số người sử dụng thực tế dịch vụ 4G LTE còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, tốc độ tăng trưởng người dùng rất nhanh, đồng thời, các nước trong khu vực cũng đã triển khai công nghệ 4G LTE, khiến nước ta “cảm thấy” lạc hậu. Song, cho đến thời điểm này, việc cung cấp dịch vụ 4G là chưa thích hợp.

Hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông đều cho rằng, từ việc phân tích các yếu tố thị trường, công nghệ, thương mại cho tới tài nguyên đều cho thấy thời điểm thích hợp triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam còn khá xa.

Xét về mặt thiết bị, Viettel cho rằng, đối với điều kiện kinh tế của Việt Nam, thời điểm thích hợp để triển khai 4G LTE là khi người dân có thể mua được thiết bị đầu cuối có hỗ trợ công nghệ này với mức giá 60-70 USD hoặc cùng lắm là 100 USD. Còn đại diện Mobifone thì cho rằng, hiện tại, trên thị trường đã có khá nhiều thiết bị hỗ trợ LTE, tuy nhiên, ứng dụng khai thác được LTE thì không nhiều. Ứng dụng cần nhiều băng thông nhất là ứng dụng xem truyền hình và video trực tuyến nhưng số lượng người có nhu cầu chưa lớn. Vì vậy 4G là chưa thực sự cần thiết.

Đảm bảo hạ tầng là một bài toán khó dành cho các doanh nghiệp. Ảnh: Internet

Về khía cạnh thị trường, một trong những đặc điểm của người tiêu dùng Việt Nam là không quan tâm đến công nghệ. Công nghệ nhà mạng cung cấp có thể là 3G, 3.5G hay 3.75G thì người dùng cũng không quan tâm, quan trọng là họ có thể sử dụng với tốc độ cao nhất nhưng mức giá thì không thể thay đổi. Bởi vậy, nếu triển khai 4G, giá thành sẽ phải áp dụng giống như 3G để có thể tăng thị phần và thu hút khách hàng. Điều này thực sự rất khó khăn, khi bài học từ việc áp dụng mức giá “rẻ như cho” của việc triển khai 3G khiến các nhà mạng chịu lỗ.

Bên cạnh đó, các phương án sử dụng cơ sở hạ tầng đã được tính đến. Cho dù thử nghiệm rất thành công trên cơ sở hạ tầng cũ nhưng việc triển khai thực tế còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí và đảm bảo quy hoạch lâu dài.

Cuối cùng là việc thống nhất băng tần sử dụng, theo quy hoạch, hiện tại chỉ còn 2 băng tần 2300 MHz và 2600 MHz dành cho 4G. Bộ TT&TT sẽ cho các nhà mạng đấu giá hai băng tần này để tăng sức cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển của viễn thông nước nha. Tuy nhiên, với việc sử dụng băng tần cao sẽ khiến số lượng trạm lớn hơn và bài toán chi phí lại càng trở nên khó giải. Vậy nên, câu hỏi “tại sao đến giờ Việt Nam chưa triển khai 4G?” được trả lời một cách thỏa đáng.

Triển khai 4G nhanh nhất là cuối năm 2015

Tốc độ phát triển của điện thoại ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch triển khai 4G của Việt Nam. Hiện có 636 mẫu smartphone và số lượng thiết bị cầm tay 4G được bán ra, tăng hơn 222% so với năm 2013, 30% con số đó có mặt nước ta. Các smartphone 4G giá rẻ từ 100 đến 150 USD đang được các nhà cung cấp sản xuất càng nhiều. Điều này đã đáp ứng được những lo ngại của Tập đoàn Viễn thông Quân Đội về việc giá thành của các thiết bị đầu cuối. Bên cạnh đó, các mẫu smartphone này có khả năng khai thác triệt để băng thông mà công nghệ 4G cung cấp. Theo dự đoán, các mẫu smartphone 4G giá rẻ sẽ tiếp tục được ra mắt và đạt đỉnh điểm vào cuối năm 2015.

Ông Jay Srage, chủ tịch Qualcomm khu vực Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á trả lời phỏng vấn với PC World Việt Nam: “Chúng tôi nghĩ năm 2015 đúng là thời điểm thích hợp để VN chuẩn bị cho sự ra mắt của 4G. Vì sao đây là thời điểm tốt thì có hai lý do: Thứ nhất là ưu thế nhờ sự phát triển của thiết bị. Hiện tại có những smartphone trang bị 4G có mức giá tốt sử dụng Snapdragon 210 mới được Qualcomm công bố vào tháng 9 năm. Trong năm tới, giá của những thiết bị hỗ trợ 4G có thể dự báo sẽ ở mức giá 100 USD, thậm chí còn thấp hơn, ở tầm mà đa số mọi người chấp nhận được. Lý do thứ hai là khi ở các nước khác trên thế giới và khu vực đã phát triển mạnh mạng 4G, chi phí đầu tư vào mạng 4G sẽ giảm đi nhiều.”

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT kết hợp với Huawei tích cực tìm kiếm băng tần phù hợp nhất với thị trường Việt Nam. “Với các nhà mạng, Huawei sẽ giới thiệu công nghệ 4G mới nhất và chia sẻ những kinh nghiệm triển khai 4G trên toàn cầu cho các đối tác. Chúng tôi sẽ giúp các nhà mạng sẵn sàng với 4G và chọn lựa giải pháp triển khai nhanh nhất, với chi phí tiết kiệm nhất”, ông Yuan Song – Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam cho biết.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son: "Việt Nam sẽ triển khai 4G vào năm 2015". Ảnh: Internet

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng cho hay, Bộ đang khuyến khích các DN chuẩn bị cho 4G. Việt Nam đang tiến hành số hóa truyền hình và lấy băng tần thừa này để dùng cho mạng 4G. Bộ TT&TT đang nghiên cứu thận trọng để xem thời điểm nào cung cấp 4G sẽ hiệu quả nhất.

“Để chuyển từ công nghệ 2G lên 3G, Việt Nam phải mất 10 năm, nhưng nếu chuyển từ 3G sang 4G sẽ nhanh hơn. Bộ giao cho Cục Viễn thông theo dõi tình hình thế giới và tình hình tại Việt Nam để lựa chọn thời điểm thích hợp triển khai 4G. Dự kiến, Việt Nam sẽ triển khai 4G vào năm 2015”, ông Son nói.

Cuối cùng, năm 2015 là một mốc triển khai nằm trong đúng lộ trình Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia và trước sự “sốt sắng” của các nhà mạng cùng nhu cầu cấp thiết của xã hội, đã đến lúc Việt Nam đưa 4G vào lộ trình phát triển trong năm tới.

 

Những điều cần biết về công nghệ 4G LTE

(Techz.vn) - Tốc độ băng thông rộng cho dữ liệu di động đang dần trở thành hiện thực, với những con số về phát triển 4G hiện nay đã cho thấy điều đó.