BlackBerry dừng sản xuất điện thoại có lẽ là một tin buồn đối với các tín đồ trung thành của họ nhưng đối với các chuyên gia phân tích, điều này không có gì ngạc nhiên. Thị phần smartphone của BlackBerry chỉ còn chiếm khoảng 1% thị trường toàn cầu, quá thấp so với tượng đài trước đây. Trong quý vừa qua, doanh số điện thoại di động chỉ đạt 500.000 chiếc. Trong khi đó, mảng kinh doanh điện thoại di động vẫn có chi phí nghiên cứu và phát triển rất cao, chiếm tới 65% R&D hàng năm của BlackBerry. Nhưng kết quả mang lại vẫn chỉ là thua lỗ và trở thành gánh nặng cho các mảng kinh doanh khác.
CEO John Chen cũng đã lên kế hoạch dừng sản xuất smartphone từ trước. Ảnh: Internet
Và ngay chính CEO John Chen cũng đã tuyên bố họ đã lên kế hoạch này từ rất lâu và nếu không thể tiếp tục có lãi, BlackBerry sẽ dừng hẳn việc sản xuất thiết bị. Tuy nhiên, trong tương lai, các mẫu smartphone mang thương hiệu “dâu đen” vẫn sẽ đều đặn có mặt trên thị trường nhờ các bên thứ ba sản xuất.
Trong tương lai, các mẫu smartphone mang thương hiệu “dâu đen” vẫn sẽ đều đặn có mặt trên thị trường nhờ các bên thứ ba sản xuất.
Việc sử dụng nhân lực, công nghệ của bên thứ ba sẽ giúp Dâu đen cắt giảm rất nhiều chi phí nhân công, linh kiện trong bối cảnh họ vẫn chưa tìm ra được hướng đi chính xác và thời điểm bùng nổ của mình. Bên cạnh đó, việc đầu tư tài chính, nguồn lực vào phát triển phần mềm sẽ mang lại cho BlackBerry kiếm được nhiều tiền hơn, có nhiều thời gian để phát triển các tính năng dành cho các mẫu smartphone sau này.
BlackBerry không còn giữ được cái "chất" của chính mình. Ảnh: Engadget
Có thể, việc hợp tác với bên thứ ba sẽ khiến BlackBerry dần mất đi “cái chất” mà người dùng hằng mong mỏi nhưng là điều cần thiết để họ duy trì được giá trị của mình trên thị trường quốc tế. Đơn cử như chiếc DTEK50 do Alcatel của Trung Quốc sản xuất đã nhanh chóng mất hút trên thị trường. BlackBerry hoàn toàn không thiết kế cũng như tham gia vào sản xuất phần cứng của mẫu smartphone này. Thay vào đó, hãng sẽ lựa chọn một khuôn mẫu có sẵn và đặt hàng Alcatel, sau đó sử dụng phần mềm và đóng logo Dâu Đen quen thuộc.
Phần mềm là thế mạnh của BlackBerry và được coi là “cái cọc” nhằm giữ mảng thiết bị không bị “đuối” trong những năm vừa qua.
Dẫu cho nước cờ trên được coi là hợp lý ở thời điểm hiện tại, song, tương lai dành cho mảng thiết bị của Dâu Đen cũng rất “u ám” bởi khi cái “chất” đã mất đi thì không còn gì để níu giữ người dùng nữa. BlackBerry nên chờ ngày khai tử một cách hoàn toàn, không phải là dừng sản xuất như hiện nay. Thay vào đó, hãng nên tập trung vào những điểm mạnh mà hãng đang sở hữu, đồng thời mở rộng chiến lược sang ngành dịch vụ.
Phần mềm là thế mạnh của BlackBerry và được coi là “cái cọc” nhằm giữ mảng thiết bị không bị “đuối” trong những năm vừa qua. Ngay cả thời kỳ đỉnh cảo của điện thoại hay giai đoạn hiện tại, BB vẫn nổi danh là hãng sản xuất phần mềm hàng đầu thế giới, đặc biệt là khả năng bảo mật cho di động. Các mẫu điện thoại bùng nổ cũng là thời điểm phần mềm, ứng dụng BB lên ngôi, nhưng khi không còn thu hút, BlackBerry hoàn toàn có thể nhắm đến các giải pháp bảo mật cho thị trường.
Mảng phần mềm và dịch vụ sẽ là cứu cánh, tương lai của BlackBerry. Ảnh: Internet
Trong quý tài khóa thứ II năm 2016, tổng doanh thu của BlackBerry là 334 triệu USD. Theo John Chen, tiền lời thu được từ mảng phần mềm tăng gấp đôi từng năm và đang có mức tăng trưởng cao nhất lịch sử công ty. Ông còn nhấn mạnh, hãng đang có nguồn tài chính vững vàng và sẽ chú trọng vào mảng này.
Một tương lai tươi sáng đang chờ đợi BlackBerry khi họ tập trung nguồn lực vào phát triển phần mềm và dịch vụ
Bên cạnh đó, BlackBerry hiện vẫn theo đuổi chiến lược kinh doanh này khi thâu tóm vài công ty trong thời gian qua, mà mới đây nhất là Good Technology. Rõ ràng, đây là dấu hiệu cho thấy công ty đang chuyển trọng tâm kinh doanh, chuyển hướng dòng vốn. BlackBerry muốn tập trung hướng đến trở thành nhà cung cấp giải pháp truyền thông bảo mật và phần mềm cho doanh nghiệp hơn.
Vài cơ quan chính phủ và nhà cung cấp an ninh thực sự cần một mức bảo mật mạnh, kết hợp cả thiết bị BlackBerry và hạ tầng quản lý tập trung của BlackBerry. Khi dẹp bỏ mảng kinh doanh thiết bị, BlackBerry có thể sẽ trở thành nhà cung cấp thiết bị chuyên dụng, chỉ bán theo hợp đồng của chính phủ.
Có lẽ một tương lai tươi sáng đang chờ đợi BlackBerry khi họ tập trung nguồn lực vào phát triển phần mềm và dịch vụ. Hơn nữa, với việc hợp tác cùng chính phủ sẽ giúp công ty có được một nguồn thu dồi dào và ổn định hơn rất nhiều trong thời gian tới.