Tiền lương 6 con số và viễn cảnh tự do sáng tạo đã gây nên cơn sốt nộp đơn vào các trường ĐH quốc gia hàng đầu ở Mỹ.
Năm học này, ngành Khoa học máy tính tại các trường ĐH quốc gia của Mỹ đang khởi sắc với số lượng đơn dự tuyển đạt mức kỉ lục, khi các sinh viên cao đẳng chuẩn bị tốt nghiệp và các học sinh năm cuối của bậc trung học phổ thông bị hấp dẫn bởi nhiều công việc hứa hẹn có mức lương khởi điểm 6 con số (tính theo đô la Mỹ) và những biểu tượng tự do sáng tạo đầy thành công như Steve Jobs và Mark Zuckerberg - Nhà sáng lập mạng xã hội Facebook.
Đơn dự tuyển đã sớm xếp chồng ở các trường công nghệ ưu tú như ĐH Carnegie Mellon, ĐH Harvey Mudd College v&aagrave; Viện Công nghệ Rose-Hulman - tất cả đều có các ngành Khoa học máy tính và Kĩ sư máy tính, là những trường ĐH Mỹ hàng đầu trong bảng xếp hạng của US News & World Report.
Thật vậy, bộ phận tuyển sinh và các giáo sư ngành Khoa học máy tính nhận thấy nhiều mối quan tâm tới các chương trình đào tạo của họ, và đã dự đoán làn sóng này sẽ tạo ra một kỉ lục mới về lượng đơn xin dự tuyển vào trường họ trong năm học này, vượt cả thời bong bóng dot-com hơn một thập kỉ trước.
"Rõ ràng ngành Khoa học máy tính lại khởi sắc", ông Mark Stehlik, phó trưởng phòng đào tạo tại trường Khoa học máy tính của ĐH Carnegie Mellon cho biết. "Nền kinh tế Mỹ vẫn còn trì trệ, nhưng sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính rất dễ kiếm việc với mức lương cao. Công nghệ được chuộng. Máy tính hấp dẫn mạnh và rộng rãi hơn cả 10 năm trước".
Trường Khoa học máy tính của ĐH Carnegie Mellon, xếp hạng hai trong số các trường đào tạo tiến sĩ của U. S. News & World Report, dự kiến sẽ nhận được 4.000 đơn dự tuyển trong năm nay và sẽ chỉ chấp nhận 400 trong số này. Trong số 400 sinh viên được chấp nhận, khoảng 140 người sẽ nhập học vào mùa Thu sau. Còn ĐH Carnegie Mellon đã nhận được 3.500 đơn trong năm 2011 so với 3.200 hồi năm 2001.
"100% sinh viên năm cuối của trường chúng tôi đã có đầu ra từ năm ngoái", Stehlik cho hay. "Khoảng 15% học tiếp lên cao học. Số còn lại đã có việc làm. Chúng tôi nhận thấy xuất hiện trở lại những vị trí với mức lương sáu con số".
Trong vòng ba năm trở lại đây, lượng đơn dự tuyển vào học ngành Khoa học máy tính tại các trường ĐH Mỹ tăng nhanh, theo khảo sát của Hiệp hội nghiên cứu máy tính Mỹ (Computing Research Association - CRA).
Thống kê cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp ở Mỹ tiếp tục ghi danh để học lên trong các ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính và Khoa học thông tin tăng 10% trong năm học gần đây nhất (2010). Năm qua, có đến 12.500 cử nhân trong các lĩnh vực liên quan đến máy tính đã được cấp bằng.
Tại trường ĐH Harvey Mudd College ở Claremont, bang California, số đơn xin học vào năm ngoái đã tăng 15%. Ngành Khoa học máy tính của ĐH Harvey Mudd được xếp hạng ba bởi US News & World Report trong số các trường chỉ đào tạo trình độ cử nhân và thạc sĩ. Năm ngoái, Harvey Mudd tuyển 21% trong số 3.144 đơn nộp vào. Trường này còn ghi nhận xu hướng sinh viên nữ tham gia các ngành học về máy tính đang tăng, hiện đã chiếm tỉ lệ 42%.
ĐH Stanford cũng ghi nhận các chuyên ngành về khoa học máy tính của trường đã tuyển sinh tăng 83% trong ba năm qua.
Giáo sư Mehran Sahami, phó chủ tịch phụ trách đào tạo tại khoa Khoa học máy tính của ĐH Stanford cho biết, "Số sinh viên theo học các chuyên ngành về Khoa học máy tính ở trường chúng tôi đã cao hơn cả thời bong bóng dot-com… Điều đó phản ánh một thực tế là máy tính đang có tác động lên nhiều lĩnh vực khác".
Stanford có 400 sinh viên theo học ngành Khoa học máy tính, nhưng có đến 90% trong tổng số 6.940 sinh viên của trường tham dự ít nhất một khóa học về Khoa học máy tính mặc dù không bị bắt buộc. Theo Sahami, đó là do các phương tiện truyền thông đại chúng cho thấy sức mạnh của máy tính ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực.
"Steve Jobs là tấm gương cho nhiều sinh viên. Bộ phim “Mạng xã hội" (nói về nhà sáng lập Facebook) cũng gây ảnh hưởng. Thêm vào đó là các tác động từ nền kinh tế công nghệ cao đang bùng nổ trở lại, và các vụ IPO (doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) trong ngành này lại đang rôm rả", Sahami nói.
Tuy nhiên, động lực thực sự cho nhiều chuyên ngành Khoa học máy tính là việc làm.
Theo Sahami, sinh viên ngành Khoa học máy tính của trường này kiếm việc làm rất dễ, và có những công việc có mức lương lên đến sáu con số.