Ba lời giải thích ở ba thời điểm
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Nga, chủ cửa hàng Khaisilk (số 113 Hàng Gai, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), khẳng định là do sơ suất trong quản lý nên trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20.10, nhân viên tự ý mua sản phẩm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc “Made in China”, sau đó khâu nhãn “Made in VN” để bán cho khách hàng. Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc
Lý do này khác hoàn toàn với lý do được giải thích trong công văn ngày 19.10 của ông Trần Văn Cương, phụ trách cửa hàng Khaisilk Hà Nội với Công ty V., đơn vị đã phát hiện khăn lụa Khaisilk có tới 2 nhãn (một của VN và một của Trung Quốc). Cụ thể, theo ông Trần Văn Cương, các mẫu khăn lụa Công ty V. mua từ cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai là thuộc thương hiệu Khaisilk "chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm". Tuy nhiên, do nhân viên bộ phận kho khi soạn lô hàng 60 khăn cho khách hàng vì thiếu 1 chiếc đã lấy ngay trên máy may đang sản xuất cho một khách hàng khác mà không kiểm tra kỹ.
Đây là đơn hàng Khaisilk đang sản xuất 350 chiếc cho khách hàng tại Hồng Kông (Trung Quốc), may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách. Sau đó, trong buổi trao đổi với Thanh Niên chiều tối 25.10, chính ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk, đã chính thức thừa nhận khăn lụa Trung Quốc chiếm tỷ lệ 50% sản phẩm khăn lụa được bán trong hệ thống cửa hàng của tập đoàn và việc này đã thực hiện 30 năm nay.
Ảnh minh hoạ.
Ba lời giải thích ở ba thời điểm khác nhau với nội dung hoàn toàn khác biệt khiến nhiều người đặt vấn đề: Liệu Khaisilk có đang tìm cách chạy tội? Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, DN này đang loanh quanh đổ thừa hòng né tránh tội lỗi của mình. Vì đây không phải là chuyện mới xảy ra trong 1 - 2 ngày hay chỉ là một lô hàng 60 chiếc khăn lụa, mà theo lời ông chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận thì khăn “Made in China” đã được hệ thống này bán gần 30 năm qua.
Chuyển hồ sơ vụ Khaisilk sang công an
Chiều 30.10, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan như Cục QLTT, Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường trong nước... để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục QLTT chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm tại cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ số 113 Hàng Gai sang Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP.Hà Nội) để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở bán khăn lụa bị khách hàng phát hiện cắt mác Trung Quốc và dán nhãn Khaisilk.
Ông Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công thương làm đầu mối, mời đại diện các cơ quan liên quan như công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, hiệp hội dệt may, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Bộ Công thương cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai. Cục QLTT được yêu cầu chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục thu thập thêm thông tin, dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc trên.
“Gian lận không có đất sống ở TP.HCM”
Cũng trong hôm qua, tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu báo cáo liên quan đến vụ Khaisilk bán hàng có cả nhãn “Made in VN” và “Made in China” gây bất bình dư luận những ngày qua.
Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho biết, khách hàng chủ yếu của Khaisilk là khách nước ngoài và các đơn vị có nhiều mối quan hệ ngoại giao. Sau khi báo chí nêu thông tin, 3 điểm bán của tập đoàn này ở TP.HCM đều tạm đóng cửa, ngoài ra các điểm trưng bày sản phẩm của Khaisilk trên địa bàn TP cũng tạm ngưng trưng bày.
Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vụ việc ảnh hưởng đến du lịch TP và yêu cầu phải có báo cáo tổng thể. “Tôi không thể chấp nhận DN làm hàng gian, hàng giả, không tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, lừa dối du khách”, ông Phong nói và khẳng định quan điểm nhất quán của TP là xử lý nghiêm nạn hàng gian, hàng giả. Các DN vi phạm đạo đức kinh doanh, buôn bán hàng gian, hàng giả, xem thường và lừa dối người tiêu dùng, điển hình như các vụ thuốc chữa ung thư của Công ty VN Pharma, thương lái tiêm thuốc an thần vào heo và đặc biệt mới nhất là vụ “khăn lụa Khaisilk”… “dứt khoát sẽ không có đất sống ở TP.HCM”.
Theo: Thanh Niên