Nhịp sống số

IDG: Dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đạt doanh thu 3,3 tỷ USD

IDG: Dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đạt doanh thu 3,3 tỷ USD
Mặc dù ngành truyền thông số ở Việt Nam còn khá mới nhưng đang đem lại doanh thu hơn 3,3 tỉ đô la Mỹ cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Trò chơi game điện tử đang góp phần doanh thu lớn cho lĩnh vực truyền thông số. Ảnh: Hà Vân

Đây là nội dung được các diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn Tiếp thị Truyền thông số Việt Nam diễn ra tại TPHCM hôm 26-4.

Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Dữ liệu IDG ASEAN, cho biết công nghiệp truyền thông số trên thế giới đang phát triển nhanh như vũ bão và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng ấy.

Theo ông Tâm, lợi điểm của Việt Nam là có hạ tầng công nghệ thông tin khá hoàn thiện, số người dùng Internet đã lên đến 31,1 triệu người, các thiết bị đầu cuối kết nối vào mạng Internet và 3G rất phong phú và có giá cả hết sức cạnh tranh. Những lợi điểm này đang là động lực để thúc đẩy công nghiệp truyền thông số ở Việt Nam phát triển nhanh trong những năm tới.

Tại diễn đàn này, IDG đã công bố một báo cáo do họ nghiên cứu, trong đó xác định doanh thu của lĩnh vực này tại Việt Nam đã đạt con số 3,3 tỉ đô la Mỹ.

Doanh thu được chủ yếu thu về từ việc người dùng trả tiền Internet và đọc báo, tạp chí điện tử là chính chứ không phải là từ các dịch vụ truyền thông số như mạng xã hội, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, video…

Mặc dù được các chuyên gia đánh giá là phát triển nhanh nhưng quy mô của lĩnh vực này còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, doanh thu từ truyền thông số Thái Lan đã đạt tới 4,9 tỉ đô la Mỹ và Indonesia doanh thu lên tới 5,4 tỉ đô la Mỹ. Hai nước này đã phát triển rất đồng đều các lĩnh vực như quảng cáo điện tử, video game, nhạc số, phim số, nội dung số, thương mại điện tử theo mô hình doanh nghiệp kết nối doanh nghiệp (B2B).

Cũng theo ông Tâm thì ngành công nghiệp truyền thông số của Việt Nam còn khá non trẻ, chưa được đầu tư đúng mức và còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ cho ngành phát triển còn thiếu nhất quán.

“Chính sách về bảo vệ bản quyền ở Việt Nam đã có song thực thi còn yếu kém dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ và nội dung Internet gặp khó khăn,” ông Tâm nói.

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo của IDG là người Việt ngày càng giành nhiều thời gian cho việc kết nối, tìm kiếm thông tin và tham gia vào mạng xã hội trên Internet.

Cụ thể, một ngưởi Việt Nam đã bỏ ra khoảng 29,1 tiếng đồng hồ trong tuần để kết nối Internet. Trong khi đó, nguời Singapore bỏ ra 21,5 tiếng, Philippines là 19,2 tiếng, Malaysia là 17,4 tiếng và Indonesia là 16,3 tiếng.

Do đó, các chuyên gia tiếp thị cho rằng, các doanh nghiệp nên tận dụng kênh truyền thông xã hội trên mạng Internet như một kênh tiếp thị với chi phí thấp, độ phủ sóng rộng so với các kênh thông tin truyền thống khác như báo in, đài phát thanh và truyền hình để tung các chiến dịch quảng cáo và tìm hiểu người tiêu dùng trên Internet.

Xem thêm: Quảng cáo trực tuyến - Cuộc chiến mới của Google và Facebook

SaigonTimes