(Techz.vn) Những xe hủ tiếu, giống nhau mọi lẽ, nhưng là biết bao cuộc đời, biết bao số phận, đang mưu sinh khó nhọc trên đường đời.
Vài ngày gần đây, một bài viết không rõ nguồn gốc với tựa đề "Hủ tiếu gõ được nấu bằng thịt chuột cống" xuất hiện trên một số diễn đàn, mạng xã hội. Nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước lèo của một hàng hủ tiếu trên địa bàn TP.HCM.
Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài viết:
|
Theo bài viết trên, người bán hủ tiếu đã thừa nhận dùng chuột cống để ninh nước dùng cho ngọt. Tuy kể lại khá chi tiết và “rùng rợn” nhưng trong bài viết lại không hề có một tấm ảnh hoặc chứng cứ xác thực nào để chứng minh.
Thông tin trên đã được cộng đồng mạng share đi với tốc độ chóng mặt và bàn luận rôm rả, dù chẳng cần rõ đúng sai, những bình luận vô căn cứ, những lời kêu gọi tẩy chay món ăn này được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội sau đó.
Trên mạng xã hôi, một bài viết của dân mạng có nickname Xíu Crazy đã chia sẻ một bài viết với tựa đề "Hũ tiếu và sự bế tắc của xã hội" nói về những tin đồn đã ảnh hưởng đến cả sự mưu sinh của hàng trăm gia đình.
Chúng tôi xin trích đăng bài viết của bạn Xíu Crazy:
"Hủ tiếu - món ăn dân dã và nhiều scandal!
Hủ tiếu là một món ăn dân dã bình dân được bán ở vỉa hè. Hình ảnh những chiếc xe hủ tiếu đơn sơ bằng gỗ, dựng lên tạm bợ với thùng nước lèo tỏa khói trắng bốc lên nghi ngút ở các góc hẻm, bên cạnh xí nghiệp, trường học...Tiếng gõ "lóc cóc" cứ bất chợt xuất hiện bên tai đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam suốt hàng chục năm qua.
Hủ tiếu gõ được nhiều người lựa chọn vì giá tiền quá rẻ. Một bát hủ tiếu với đầy đủ những nguyên liệu cơ bản gồm: thịt heo, bò viên, hoặc ai muốn ăn "sang" và đủ chất hơn sẽ thêm vài cục xí quách (xương heo) có giá chỉ từ 5.000 - 15.000 đồng.
Nhưng số phận của của tô hủ tiếu gõ không êm đềm khi phục vụ cho những người dân lao động. Nó đã trải qua rất nhiều tai tiếng, thăng trầm. Từ nước lèo nấu bằng giun, bằng chuột, việc nấu nước lèo cực kỳ bẩn, vệ sinh các quán hủ tiếu cũng không đảm bảo vệ sinh.
Cách đây độ năm năm, có người phao tin nước lèo hủ tiếu gõ nấu bằng… nước cống làm người bán lao đao. “Chuyện là vậy, đường ống nước thủy cục bị bể, nước rò rỉ lai láng. Một ông bán hủ tiếu gõ đi ngang qua, lấy thau hứng nước để rửa chén. Vậy mà hôm sau có người đồn ông ta lấy nước cống để nấu nước lèo. Nhiều người ăn không ngồi rồi không có gì làm nên đồn bậy bạ”.
Về việc nấu nước lèo bằng giun, bằng chuột để ngọt nước. Những người bán rất bất bình về tin đồn này: "Bắt chuột chi cho cực, trong khi xương sống heo chỉ 30.000 đồng/ký”. Một người bán khác còn có mẹo sử dụng mía lau để nấu cho ngọt nước và vớt lên liền để làm bằng chứng.
Người bán hủ tiếu, cớ sao tôi có cảm giác như là họ là những ngôi sao ca sĩ, diễn viên nổi tiếng! Cứ mỗi động thái họ làm gì luôn có những tay paparazzi dòm ngó, viết bài. Nhưng khác một điều là những ngôi sao đúng nghĩa nhờ có paparazzi sẽ được đánh bóng tên tuổi, nhưng những ngôi sao hủ tiếu trên đường phố, cớ sao lại khốn khổ hơn thế này.
Những tin đồn về xe hủ tiếu cứ nhiều dần lên theo thời gian, nhưng nó vẫn cố gắng sống sót qua được như chính thể những người đẩy xe hủ tiếu. Tuy thế, lần này sẽ khác, dù có qua được nhưng chắc chắn sẽ "để lại thương tật" rất nhiều. Và mạng xã hội chính là một trong những yếu tố góp phần vào công cuộc đánh đổ món ăn bình dân này, để tiếng gõ dần dần xa mãi và rơi vào cảnh bế tắc trong xã hội.
Hủ tiếu gõ và sự phát triển của mạng xã hội
Bài viết của tôi sẽ không đề cập đến việc xác nhận tin nước lèo nấu bằng chuột đúng hay sai, vì tôi không phải là người thuộc cục an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi cũng không có minh chứng rõ ràng để tin vào điều đó. Tôi chỉ đưa ra một số ý kiến về việc mạng xã hội đã góp phần đưa tin tức về tô hủ tiếu bay xa như thế nào!
Tô hủ tiếu - cách đây 8 năm
Khi tôi còn là học sinh cấp 3, tô hủ tiếu trở thành một trong những món ăn được học sinh chúng tôi ưa chuộng nhất. Cứ sau mỗi buổi học thêm, cả lũ lại tụ tập làm một tô hủ tiếu. Giá tô hủ tiếu lúc đó là 3.000-5.000 đồng. Quá phù hợp cho học sinh chúng tôi.
Nhưng một thời gian sau đó, rộ lên một thông tin nước lèo hủ tiếu nấu bằng giun. Tôi quyết định tẩy chay nó. Nhưng chưa đầy một tuần, thì tôi tiếp tục ăn món ăn này. Suy nghĩ của tôi cho rằng đó chỉ là một tin đồn thất thiệt, giun ở đâu cho đủ để nấu một nồi hủ tiếu to như vậy...Tin đồn cũng lắng xuống và hủ tiếu vẫn tiếp tục trở thành món ăn "bá đạo" nhất trên vỉa hè đường phố.
Thời gian trôi qua, tô hủ tiếu đối với tôi cũng xa dần.
Tô hủ tiếu - 2013
Những ngày gần đây, rộ lên một bài báo về "Sự thật kinh hoàng về xe hủ tiếu" với nội dung kể về việc phát hiện 5 con chuột cống nằm trong thùng nước lèo của một hàng "hủ tiếu gõ" trên địa bàn TP.HCM. Theo bài viết trên, người bán hủ tiếu đã thừa nhận dùng chuột cống để ninh nước dùng cho ngọt, nhưng không hề có một hình ảnh nào để minh họa cho những lời lẽ được đưa ra.
Người đọc, người sử dụng internet, người chơi facebook...khi đọc xong bài viết, với sự nóng vội, mất bình tĩnh, sự bất bình về hành động vô nhân tính của người bán, đã chia sẻ bài viết này trên mạng xã hội. Người qua người. Bài viết được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Nhà nhà chia sẻ, người người chia sẻ, tham gia thảo luận, "chửi bới" hành vi của người bán. Mặc dù những thông tin trong bài viết là hoàn toàn chưa có căn cứ chính xác. Không biết dụng ý của người viết bài này là gì, nhưng chắc chắc anh ta đã đạt được mục đích của mình.
Có thể nói, mạng xã hội ngày nay đóng một vai trò to lớn trong việc lan truyền thông tin. Chỉ cần người viết biết cách "thêm mắm thêm muối" một tí, nắm rõ được hành vi của người dùng và điều khiển nó một cách khôn khéo thì chắc chắn thông tin đó sẽ trở thành tiêu điểm trong ngày.
Tôi thiết nghĩ đến đạo đức của người viết bài hủ tiếu bẩn. Chưa đề cập đến mục đích cao cả nào, chỉ nói đến việc câu view cho bài viết của mình thôi nhưng việc tác động của bài viết tới người bán hủ tiếu là không hề nhỏ.
Những thông tin vô căn cứ đó khi được một số cư dân mạng đăng tải trên mạng xã hội, trang cá nhân, diễn đàn cũng đã ít nhiều làm một bộ phận người dân, những người không nắm rõ thông tin hoang mang, e ngại khi muốn ăn "hủ tiếu gõ".
Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc kinh doanh của những người bán hủ tiếu gõ – vốn cũng không khá giả gì. Những lời đồn thổi, những thông tin chưa được kiểm chứng đăng tải trên mạng, có khi chỉ để thỏa mãn thói quen, mục đích cá nhân ích kỉ của một số người, nhưng lại có thể đẩy hàng trăm con người mưu sinh bằng nghề bán "hủ tiếu gõ" lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng như thế.
Tiếng hủ tiếu gõ cứ vọng mãi Những mùa mưa bão này, mấy cô bán hủ tiếu khắc khổ trông càng khắc khổ hơn, lúc vắng khách mới ngồi đưa mắt nhìn về phương xa, nơi quê nhà, rồi lén lấy vạt áo chùi chùi. Hàng ngàn xe hủ tiếu, giống nhau mọi lẽ, nhưng là hàng ngàn cuộc đời, hàng ngàn số phận, đang mưu sinh khó nhọc trên đường đời.
Giờ đây, tiếng hủ tiếu gõ vẫn cứ vọng lên nhưng sẽ ít ai đáp lại.
"Ai hủ tiếu gõ không?"
Các cư dân mạng cũng hết sức bất bình với luồng thông tin trên
Mời bạn xem thêm: Nữ công an lái xe phân khối lớn gây xôn xao dân mạng